Sáng ngời tấm gương mẹ Trần Thị Tư

Cập nhật: 09-11-2023 | 08:33:38

“Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về, mình mẹ lặng im”... Những câu hát trong ca khúc “Đất nước” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã khắc họa hình ảnh xúc động về các mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH). Và đó cũng là hình ảnh của mẹ VNAH Trần Thị Tư ở xã An Sơn, TP.Thuận An...

 Đầu tháng 11, chúng tôi đến thăm mẹ VNAH Trần Thị Tư. Tiếp chúng tôi bằng nụ cười hiền lành, rồi mẹ chậm rãi kể về cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Mẹ sinh ra ở “Chiến khu An Sơn” nên dòng máu cách mạng luôn nóng trong tim. Chồng mẹ công tác ở Ban Kinh tài của xã. Mẹ vì có con nhỏ, không thể trực tiếp làm cách mạng. Nhưng bằng sự khéo léo, nhanh nhẹn, mẹ tham gia hoạt động bí mật, thu mua lương thực, thực phẩm và nuôi giấu bộ đội.

Mẹ Trần Thị Tư trước di ảnh của chồng và con

Mẹ Tư kể: “Tay xách nách mang mấy đứa con nhỏ nhưng đêm hôm phải gửi cho bà nội để cùng chồng thu mua lương thực, thực phẩm tiếp tế cho bộ đội. Thời điểm đó, mỗi người có giấy mới mua được 3 lít gạo. Còn tôi, móc nối tận bên Bình Mỹ (TP.Tân Uyên), mỗi đêm mua cả 100 lít gạo, rồi nào là khô mắm… Hồi đó, chỉ nghĩ đơn giản, mình không làm chuyện này thì chồng mình, em mình… đi bộ đội lấy gì ăn. Vì vậy, bản thân tôi không ngại hy sinh để làm nhiệm vụ”.

Chiến tranh tàn khốc. Ngày 17-2-1968, mẹ Tư đã mất chồng. Liệt sĩ Lê Văn Trung, chồng mẹ đã hy sinh cho độc lập dân tộc trong cuộc tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968.

Sau đó, Mỹ đề ra chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, liên tiếp mở các cuộc bình định từ “bình định cấp tốc”, “bình định đặc biệt”, “bình định bổ sung”, đến “bình định phát triển”. Chúng mở các cuộc hành quân càn quét, chà sát ngày càng ác liệt để chiếm lại các vùng giải phóng, thiết lập hệ thống kìm kẹp chặt chẽ từ cơ sở nhằm bóp nghẹt lực lượng cách mạng ta ở nông thôn. Trong bối cảnh đó, với tôn chỉ: “Thà bắt lầm còn hơn bỏ sót”, mẹ Tư có đến 3 lần bị địch bắt vì bị lính chiêu hồi chỉ điểm. Như bao nhiêu tù chính trị khác, mẹ Tư bị bắt tra hỏi, đánh đập, tra tấn dã man. Nhưng may mắn, do không khai thác được gì nên chúng nên lần nào cũng được thả ra.

Mẹ Tư kể: “Khỏi phải nói, trong 3 lần giam cầm, dù mỗi lần chỉ tầm 2 tuần, nhưng chúng tra tấn rất dã man, đủ kiểu đòn roi, nhục hình. Nhưng với ý chí của người cộng sản, tui giữ vẹn lời thề…”. Do địch càn quét quá ác liệt, không thể ở lại tiếp tục hoạt động, vì vậy mẹ mang 4 con nhỏ lên Lộc Ninh làm công nhân cạo mủ cao su, sau đó về Biên Hòa làm công nhân gốm.

Cha ngã xuống, con cầm súng đứng lên

Sau chiến thắng 30-4-1975, nhân dân Việt Nam mong muốn duy trì hòa bình để khôi phục và phát triển đất nước. Chúng ta đã thực hiện chủ trương giảm quân thường trực kể cả các quân khu ở phía Nam để tập trung cho nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và xây dựng, phát triển đất nước. Nhưng ngược lại với mong muốn đó, tập đoàn phản động Pôn Pốt đã vô cớ tiến hành những cuộc xâm lấn biên giới, giết hại dân thường. Cùng với các hoạt động khiêu khích, xâm lược thô bạo đến biên giới Tây Nam của Việt Nam, Pôn Pốt đã ráo riết chuẩn bị chiến tranh. Và đêm ngày 30-4-1977, lợi dụng lúc quân và dân ta kỷ niệm hai năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tập đoàn Pôn Pốt đã mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới tỉnh An Giang, chính thức bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam của Việt Nam.

Cha ngã xuống, con cầm súng đứng lên. Tiếp nối truyền thống của gia đình, mẹ Tư lại động viên con trai - anh Trần Văn Thảnh (sau khi chồng hy sinh, mẹ bị địch truy đuổi nên đã đổi họcho các con) lên đường nhập ngũ…

Đốt nén nhang thơm cho 2 cha con, mẹ Tư hỏi chúng tôi: “Cha con nó giống nhau không?”. Đôi mắt đượm buồn, mẹ nói: “Thương nó, hy sinh ở chiến trường Campuchia khi tuổi đời còn quá trẻ, chưa có vợ con. Đã mấy mươi năm trôi qua, nhưng hễ nhìn thấy hình ảnh của nó là mẹ thương đứt ruột…”. Những năm tham gia kháng chiến chống Mỹ với mẹ Tư là một thước phim đẹp của tuổi trẻ, dù rất gian khổ nhưng cũng rất hào hùng. Nó là một kỷ niệm, một bài học quý giá để mẹ luôn dạy dỗ con cháu về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, để gìn giữ trọn vẹn non sông gấm vóc. Và, thế hệ hôm nay rất đỗi tự hào về những mẹ VNAH...

TIỂU LIÊN - DƯƠNG HUYỀN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên