Sáng ngời tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh- Bài 3

Cập nhật: 12-11-2016 | 09:30:06

Bài 3: Đạo đức Hồ Chí Minh - nền tảng cho sự phát triển xã hội hiện nay

 Bằng lời nói và việc làm, bằng giảng giải và nêu gương, Hồ Chí Minh đã chỉ ra cho mọi người thấy thế nào là một đạo đức cao đẹp, một cuộc sống đáng sống. Người nâng cao tâm hồn và tình cảm của nhân dân, khiến mọi người đều cảm thấy mình luôn luôn lớn lên và đầy niềm tự hào trước sự nghiệp vĩ đại và trước tấm gương đạo đức sáng ngời của Người. Bản thân Hồ Chí Minh đã suốt đời không ngừng tự tu dưỡng, tự rèn luyện mình về đạo đức để trở thành “tấm gương tuyệt vời về con người mới”, thành hình ảnh mẫu mực về “người lãnh đạo và người đày tớ thật trung thành của nhân dân”, chẳng những có sức lôi cuốn, cảm hóa mãnh liệt đối với toàn thể dân tộc, mà còn ảnh hưởng sâu rộng trên toàn thế giới…

  Bác Hồ về thăm bà con Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng (tháng 2-1961) Ảnh: T.L

Khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh đến đạo đức của người cán bộ, đảng viên (CB, ĐV). Người đã kiên trì giáo dục CB, ĐV về đạo đức mới, đạo đức cách mạng. Nếu quyền lực là sức mạnh để giữ vững những thành quả cách mạng, để tổ chức và xây dựng chế độ xã hội mới, để phát triển kinh tế và văn hóa, để biến đất nước ta từ nghèo nàn, lạc hậu trở thành giàu mạnh, văn minh, thì quyền lực lại có mặt trái của nó là có thể làm tha hóa con người nắm quyền lực, có thể đưa đến những tổn thất lớn cho cách mạng. Hồ Chí Minh đã nhìn thấy điều này từ rất sớm, không phải chỉ ở trong nước, mà còn ở nhiều nước khác. Những vấn đề đạo đức mà Người đặt ra với CB, ĐV chính là nhằm ngăn chặn, khắc phục những hiện tượng tha hóa có thể hoặc đã xảy ra, nhất là để chống lại những khuynh hướng sai lệch về quyền lực như quan liêu, cậy thế, cậy quyền, lợi dụng quyền lực, lạm dụng quyền lực, say mê quyền lực, chạy theo quyền lực, tranh giành quyền lực, tham quyền, cố vị... những tệ nạn có thể trở thành nguy cơ làm sụp đổ sự nghiệp.

Trong bản Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa, vấn đề đạo đức của CB, ĐV được Người đặc biệt nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi ĐV và CB phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Chỉ một đoạn ngắn nói về Đảng, Hồ Chí Minh đã 4 lần nhấn mạnh chữ “thật” và “thật sự”. Điều căn dặn tâm huyết ấy của Người mãi mãi có ý nghĩa đối với việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức của CB, ĐV, đối với công tác xây dựng Đảng.

Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là một phần quý báu nhất trong di sản tư tưởng của Người, giống như những hạt kim cương đa diện, nhiều màu sắc. Cho dù chặng đường cách mạng mới có thể và nhất định sẽ hình thành những giá trị đạo đức mới, thì những giá trị đạo đức Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, vẫn là nền tảng vững chắc cho các quan hệ xã hội mới. Đạo đức Hồ Chí Minh ngày càng giữ vị trí nổi bật trong công cuộc xây dựng đời sống tinh thần của xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; đang góp phần quan trọng điều chỉnh hành vi của mỗi người Việt Nam theo hướng chân, thiện, mỹ - một trong những điều kiện quan trọng để hình thành xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người sống với nhau nhân ái…

Trong tầm nhìn của nhân loại tiến bộ, Hồ Chí Minh là một trong những tấm gương sáng nhất về cuộc đời của một con người “đầy tình yêu nhân dân, đầy yêu thương con trẻ, dạt dào tình yêu Tổ quốc, yêu những người lao động, yêu Đảng, yêu chủ nghĩa xã hội và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa”. Đạo đức Hồ Chí Minh là cơ sở để xây dựng đội ngũ CB, ĐV của Đảng nói riêng và xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói chung hiện nay. Nó là phương hướng đúng đắn và là yếu tố trọng yếu bảo đảm cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong mọi thời kỳ và hiện nay vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của Đảng và dân tộc ta. (Còn tiếp)

 Những nguyên tắc xây dựng và thực hành đạo đức, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện ở 3 điểm sau:

Một là nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức. Đối với mỗi người, lời nói phải đi đôi với việc làm. Nói đi đôi với làm trước hết là sự nêu gương tốt. Sự nêu gương của thế hệ đi trước với thế hệ đi sau, lãnh đạo với nhân viên, đảng viên phải nêu gương trước quần chúng. Người nói: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.

Hai là xây đi đôi với chống. Cùng với việc xây dựng đạo đức mới, bồi dưỡng những nhân phẩm tốt đẹp, nhất thiết phải chống những biểu hiện đạo đức sai trái, xấu xa, không phù hợp với những chuẩn mực của đạo đức mới. Xây phải đi đôi với chống, muốn xây phải chống, chống nhằm mục đích xây.

Xây dựng đạo đức mới trước hết phải tác động vào nhận thức, đẩy mạnh việc giáo dục, từ trong gia đình đến nhà trường, tập thể và toàn xã hội. Những phẩm chất đạo đức chung phải được cụ thể hóa, sát hợp với từng tầng lớp, đối tượng. Trong các bài viết của mình, Hồ Chí Minh đã nêu rất cụ thể các phẩm chất đạo đức cơ bản đối với từng giai cấp, tầng lớp, lứa tuổi và nhóm xã hội. Trong giáo dục, vấn đề quan trọng phải là khơi dậy ý thức đạo đức lành mạnh trong mỗi người, để mỗi người nhận thức được và tự giác thực hiện. Trong đấu tranh chống lại cái tiêu cực, lạc hậu phải phát hiện sớm, phải chú ý phòng ngừa, ngăn chặn. Để xây và chống cần phát huy vai trò của dư luận xã hội, tạo ra phong trào quần chúng rộng rãi, biểu dương cái tốt, phê phán cái xấu. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm để biểu dương người tốt, việc tốt. Người đã phát động cuộc thi đua “3 xây, 3 chống”, viết sách “người tốt, việc tốt” để tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống.

Ba là phải tu dưỡng đạo đức suốt đời. Theo Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng phải đấu tranh, rèn luyện bền bỉ mới thành. Người viết: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như “Ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” và nhấn mạnh “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Trong rèn luyện đạo đức, Hồ Chí Minh coi tự rèn luyện có vai trò rất quan trọng. Người khẳng định, đã là người thì ai cũng có chỗ hay, chỗ dở, chỗ xấu, chỗ tốt, ai cũng có thiện, có ác ở trong mình. Vấn đề là dám nhìn thẳng vào con người mình, không tự lừa dối, huyễn hoặc, thấy rõ cái hay, cái tốt, cải thiện để phát huy và thấy rõ cái dở, cái xấu, cái ác để khắc phục. Tu dưỡng đạo đức phải được thực hiện trong mọi hoạt động thực tiễn, trong mọi mối quan hệ của mình, trong đời tư cũng như trong sinh hoạt cộng đồng.

(Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương)

P.V (Theo PGS, TS Nguyễn Thị Kim Dung, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1621
Quay lên trên