Sáng tác trong thời đại số, cơ hội và thách thức

Thứ ba, ngày 18/02/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Theo ông Ngô Phước Chánh, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, với sự phát triển nhanh của công nghệ, văn nghệ sĩ phải không ngừng nỗ lực sáng tạo để tạo ra giá trị và sự khác biệt trong tác phẩm.

Dù AI có thể là công cụ hỗ trợ, nhưng người nghệ sĩ vẫn cần giữ lại tâm huyết và cảm xúc trong mỗi tác phẩm của mình

Chị Nguyễn Thị Thỏa, hội viên chuyên ngành Hội họa thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, chia sẻ rằng công nghệ và thời đại số mang lại rất nhiều cơ hội cho các họa sĩ, đặc biệt là những người làm nghệ thuật theo hướng cá nhân hóa và mong muốn mở rộng tầm ảnh hưởng. “Các nền tảng số giúp tôi xây dựng thương hiệu cá nhân một cách chuyên nghiệp và nhất quán. Việc chia sẻ quá trình sáng tác, những câu chuyện đằng sau mỗi bức tranh hay làm video timelapse vẽ không chỉ tạo ra kết nối cảm xúc với người xem mà còn giúp tác phẩm của tôi được tiếp cận nhanh chóng tới mọi người”, chị Thỏa nói.

Cũng theo nữ họa sĩ này, trước đây, họa sĩ chỉ có thể phụ thuộc vào phòng tranh, triển lãm hoặc quan hệ cá nhân để bán tác phẩm. Nhưng hiện nay, với các nền tảng như Facebook, Instagram, TikTok và Blog cá nhân, các tác phẩm có thể dễ dàng tiếp cận khách hàng không chỉ trong nước mà còn quốc tế. “Người mua có thể xem tác phẩm của tôi ngay lập tức mà không cần phải đến tận nơi,” chị Thỏa chia sẻ.

Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều dễ dàng. Một trong những thách thức mà chị Thỏa đề cập đến là áp lực từ công chúng và thị hiếu thay đổi nhanh chóng. “Đôi khi công chúng có xu hướng thích một phong cách nào đó và kỳ vọng nghệ sĩ phải làm theo để ‘hợp thời’. Ví dụ như, tranh AI trở thành xu hướng, nhiều nghệ sĩ có thể cảm thấy áp lực phải chạy theo để bán được tác phẩm hoặc thu hút sự chú ý. Nhưng nghệ thuật vẫn là một hành trình cá nhân, nếu cứ cố chạy theo thị hiếu, chúng ta có thể mất đi bản sắc riêng”, chị Thỏa chia sẻ. Chính vì vậy, dù chị vẫn giữ phong cách cá nhân, nhưng cũng linh hoạt điều chỉnh một số yếu tố để tác phẩm dễ tiếp cận hơn.

“Mặc dù công nghệ giúp nghệ sĩ tiếp cận được với đông đảo công chúng, nhưng cũng đồng nghĩa với việc tác phẩm của họ dễ bị sao chép và vi phạm bản quyền. Đây là một thách thức lớn, đặc biệt là khi thương mại hóa tác phẩm nghệ thuật ngày càng mạnh mẽ”.

(Ông Ngô Phước Chánh, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh)

Công nghệ số mở ra cơ hội kết nối và tối ưu hóa sáng tạo, nhưng cũng kéo theo những thách thức không nhỏ về cạnh tranh và bảo vệ bản quyền. Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Toàn (Toàn BD) cho biết, công nghệ số, đặc biệt là AI (trí tuệ nhân tạo), đã mang đến tiềm năng lớn cho ngành âm nhạc trong những năm gần đây.

Với nhạc sĩ Toàn, dù AI có thể hỗ trợ trong quá trình sáng tác, nhưng sự bắt chước của AI trong âm nhạc là điều không thể tránh khỏi. AI có thể tái hiện lại những cấu trúc âm nhạc của nhạc sĩ, nhưng thiếu đi linh hồn và chiều sâu cảm xúc. Một bài hát, dù có hòa âm hoàn chỉnh, vẫn thiếu sự kết nối tình cảm và câu chuyện cá nhân của người sáng tác. Vì vậy, dù AI có thể là công cụ hỗ trợ, nhạc sĩ vẫn cần giữ lại tâm huyết và cảm xúc trong mỗi tác phẩm của mình.

Theo ông Ngô Phước Chánh, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, với sự phát triển nhanh của công nghệ, văn nghệ sĩ phải không ngừng nỗ lực sáng tạo để tạo ra giá trị và sự khác biệt trong tác phẩm. Họ phải chọn lựa được hướng đi riêng cho mình và luôn duy trì sự linh hoạt trong việc thích ứng với những thay đổi của thói quen và xu hướng tiêu thụ văn hóa của xã hội.

Cơ hội cho người nghệ sĩ

Họa sĩ Trương Bửu Sinh, hội viên chuyên ngành Mỹ thuật thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, cho rằng công nghệ số đã giúp số hóa và quốc tế hóa thị trường nghệ thuật, tạo cơ hội lớn cho thương mại điện tử trong ngành này. “Việc kết hợp công nghệ với nghệ thuật giúp xóa nhòa khoảng cách giữa các nghệ sĩ, tăng cường giao lưu, chia sẻ ý tưởng sáng tác. Các nền tảng mạng xã hội và công cụ số giúp quản lý sáng tác hiệu quả, đồng thời hỗ trợ nghệ sĩ học hỏi và nâng cao chất lượng tác phẩm, tối ưu hóa quy trình sáng tạo và hoàn thiện tác phẩm”, họa sĩ Trương Bửu Sinh nói.

THỤC VĂN