Sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới
(BDO) Sau hơn 8 năm triển khai, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Bàu Bàng ngày càng đi vào chiều sâu, các xã có sự thi đua, cùng về đích đạt chuẩn xã NTM nâng cao, kiểu mẫu với nhiều cách làm hay, sáng tạo của mỗi địa phương; người dân nỗ lực cao; đồng tình, ủng hộ, chung tay thực hiện.
Nhiều mô hình nông nghiệp trên địa bàn huyện Bàu Bàng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao
Phát huy lợi thế cạnh tranh
Theo lãnh đạo huyện Bàu Bàng, điểm nhấn trong xây dựng NTM ở huyện là tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều ở các xã. Để thực hiện, theo Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện, trọng tâm phải triển khai hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị và phát triển bền vững; tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Mặt khác, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác.
Để thực hiện các mục tiêu nói trên, huyện Bàu Bàng đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình số 03 về xây dựng NTM trong quá trình đô thị hóa, gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mục đích của kế hoạch là hình thành khu vực dân cư và cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tái cơ cấu nông nghiệp và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Mặt khác, xây dựng NTM trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn huyện phải gắn với mục tiêu, định hướng quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường và các dịch vụxã hội phù hợp với định hướng đô thị hóa; tái cơ cấu nông nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, từng bước tạo điều kiện sử dụng tối đa lao động trên địa bàn.
Hiện nay, trên địa bàn huyện đã hình thành được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình trồng cao su 52 ha ở xã Cây Trường II cho thu nhập gần 4 tỷ đồng/năm; mô hình trồng cây có múi 62 ha ở xã Trừ Văn Thố cho thu nhập gần 7 tỷ đồng/năm; mô hình trồng bưởi da xanh 34 ha (xã Long Nguyên) cho thu nhập gần 10 tỷ đồng/năm; mô hình khai thác mủ cao su và trồng cây ăn trái, nuôi chim yến ở thị trấn Lai Uyên cho thu nhập 1 tỷ đồng/năm…
Theo ông Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, những năm gần đây, huyện đã triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Hiện tại, cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đưa các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, huyện còn huy động tốt các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.
Nhờ vậy, kinh tế nông thôn trên địa bàn huyện đạt tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch đúng hướng. Nhiều mô hình sản xuất mới được triển khai thực hiện mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. Thời gian tới, huyện tiếp tục chú trọng phát triển mở rộng các mô hình kinh tế tiên tiến hiệu quả, hình thành các vùng trồng trọt và chăn nuôi tập trung, đáp ứng yêu cầu 4 có: “Có giá trị cao, có khả năng cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ, có hiệu quả cao”.
Nhân dân đồng thuận
Triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Bàu Bàng đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của nhân dân. Điều này đã và đang được phát huy trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Ông Nguyễn Xuân Lê ở xã Trừ Văn Thố, vui mừng bày tỏ: “Tôi thấy xã Trừ Văn Thố, một xã vùng xa của huyện, bây giờ không thua gì so với các xã bạn. Đường sá mở rộng thông thoáng, điện, nước, trường học, y tế... đáp ứng tốt cho người dân, cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp. Chính quyền và người dân ngày càng gắn bó, đoàn kết cùng nhau xây dựng quê hương”.
Thực hiện xây dựng NTM, nhiều thiết chế văn hóa được đầu tư đồng bộ, chất lượng giáo dục và đào tạo tiếp tục được nâng lên, an sinh xã hội được thực hiện tốt hơn. Các tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư khang trang, sạch đẹp với hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng gắn với việc trồng hoa, cây xanh; công tác thu gom, xử lý rác thải và vệ sinh môi trường được thực hiện tốt hơn.
Sau hơn 8 năm triển khai xây dựng NTM, Bàu Bàng đã huy động được hơn 7.500 tỷ đồng đầu tư các công trình điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa..., vừa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, vừa góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Với những nỗ lực không ngừng và thành quả đáng ghi nhận, Bàu Bàng hoàn thành xây dựng NTM cấp xã từ năm 2019 và đang trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2020.
PHƯƠNG ANH - PHÚ HÀO