Hình ảnh sao chổi được ghi nhận hôm 16-11. Ảnh: LiveScience
Theo BBC, quan sát qua kính thiên văn, sao chổi ISON như một quả cầu tuyết khổng lồ biến mất dần trong không gian.
Mặc dù có kích thước lớn, nhưng sao chổi ISON có thể đã bị thiêu rụi khi tiếp xúc với nhiệt độ cao hơn 2.000 độ C của Mặt trời. Theo các nhà nghiên cứu, khi tiếp xúc với Mặt trời ở khoảng cách hơn một triệu km, vật chất sao chổi bắt đầu bị đốt nóng, bốc hơi, bị phá vỡ thành từng mảnh nhỏ và giải phóng bụi thành từng vệt trong không gian.
Vệ tinh quan sát mặt trời Soho của Cơ quan Vũ trụ châu Âu bắt đầu theo dõi sao chổi ISON khi phát hiện nó có dấu hiệu tiến gần quả cầu lửa, nhưng sau đó không nhìn thấy dấu vết vào thời điểm mà các nhà nghiên cứu cho rằng nó sẽ xuất hiện trở lại.
Các kính thiên văn khác của cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng không phát hiện thấy dấu vết của hạt nhân sao chổi.
Việc quan sát nhằm tiếp tục tìm kiếm sao chổi thế kỷ không thành công khi các nhà thiên văn học cho biết không thể tìm thấy dấu vết của nó, rằng ISON đã biến mất.
Sao chổi ISON, hay còn được gọi là sao chổi thế kỷ, được hy vọng sẽ tạo ra một luồng ánh sáng rực rỡ trên bầu trời đêm và có thể kéo dài trong vài tuần, với cường độ ánh sáng mạnh khi lao về phía Mặt trời.
ISON bắt đầu được các nhà quan sát chú ý từ khi nó được hai nhà thiên văn học người Nga là Vitali Nevski và Artyom Novichonok phát hiện vào tháng 9-2012.
Theo VnE