Kỳ 1: Bình Dương năng động, sáng tạo trong xây dựng hạ tầng giao thông
Xác định kết cấu hạ tầng giao thông phải đi trước một bước, trong những năm qua tỉnh đã chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển chung của cả tỉnh. Đến nay, kết cấu hạ tầng giao thông được tỉnh xây dựng theo hướng đồng bộ, kết nối hợp lý giữa các trục quốc lộ, đường tỉnh với các tuyến đường huyện, đồng thời bảo đảm sự kết nối với hệ thống giao thông liên vùng.
Tạo tính kết nối vùng
Theo đó, tỉnh đã đầu tư xây dựng đường Mỹ Phước - Tân Vạn kết nối với quốc lộ 1A, TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Phước; đầu tư xây dựng các tuyến đường tỉnh như ĐT744 kết nối tỉnh Bình Dương với tỉnh Tây Ninh, đường ĐT741 kết nối tỉnh Bình Dương với tỉnh Bình Phước, đường vào cầu Phú Long kết nối tỉnh Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh… Khi các tuyến giao thông huyết mạch được đầu tư xây dựng, kết nối vùng được mở ra sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và cả người dân phát triển kinh tế.
Anh Nguyễn Quang Khải, sinh sống dọc tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn (phường An Phú, TX.Thuận An), cho biết tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn được tỉnh đầu tư xây dựng kịp thời, với hạ tầng hiện đại gồm 6 làn xe, lại không có trạm thu phí nên lượng xe từ các tỉnh đi qua tuyến đường này ngày càng tăng. Có tuyến đường này, người dân địa phương gặp nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế gia đình. Anh Trần Văn Tuyến, tài xế xe container của Công ty TNHH BRK Việt Nam (KCN Mỹ Phước), chia sẻ: “Trước đây khi chưa có đường Mỹ Phước - Tân Vạn, tôi phải chạy xe qua quốc lộ 13, phải qua nhiều ngã tư, vào giờ cao điểm người lưu thông nhiều nên thường xảy ra kẹt xe. Từ khi có tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, thời gian tôi chạy xe giảm xuống, tạo thuận lợi cho tôi chở hàng hóa được thông suốt, kịp thời đến khách hàng”.
Đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Có thể thấy, việc tỉnh đầu tư xây dựng mới tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, Mỹ Phước - Bàu Bàng là rất kịp thời, đáp ứng được yêu cầu của quá trình gia tăng phương tiện giao thông, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa của tỉnh. Đồng thời, việc đầu tư tuyến đường này cũng thể hiện được tầm nhìn xa của lãnh đạo tỉnh. Thực tế cho thấy, tuyến đường này đi vào hoạt động đã giảm áp lực cho hệ thống hạ tầng giao thông toàn tỉnh. Theo anh Lương Văn Thành, tài xế xe container chạy tuyến Tây Ninh - Biên Hòa (Đồng Nai), khi chưa có đường Mỹ Phước - Tân Vạn các tài xế chạy tuyến như anh phải điều khiển xe từ Tây Ninh về TP.Hồ Chí Minh rồi mới qua Đồng Nai. Còn hiện nay, anh đã điều chỉnh lộ trình đi đến cầu Phú Cường rồi qua đường Mỹ Phước - Tân Vạn để đi Biên Hòa, vừa thuận tiện vừa giảm được nhiều chi phí vận chuyển.
Với một hạ tầng giao thông của tỉnh được đầu tư đồng bộ, hiện đại như hiện nay, có thể thấy rằng tỉnh Bình Dương đã có cách làm rất sáng tạo, đề ra nhiều giải pháp tích cực trong việc khai thác các nguồn lực đầu tư đồng bộ, hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước được tỉnh sử dụng đúng mục tiêu và ngày càng hiệu quả, như một đòn bẩy để thu hút nguồn vốn xã hội hóa, từ đó cho ra đời hàng loạt công trình giao thông quan trọng, đặc biệt là các công trình lớn, huyết mạch mang tính động lực để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà mà không dùng đến vốn ngân sách. Điển hình như tuyến đường ĐT743, quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn...
Bên cạnh đó, có thể thấy cách làm sáng tạo của Bình Dương hiện nay, đó là trong khi nhiều địa phương lập thêm trạm thu phí trên các tuyến đường thì Bình Dương dùng vốn ngân sách mua lại trạm thu phí. Điển hình như tỉnh đã dùng vốn ngân sách mua lại trạm thu phí An Phú để góp phần tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, điều chỉnh lộ trình, đồng thời phục vụ cho quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường
Ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, cho biết trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến ĐT743 từ miếu Ông Cù đến cầu vượt Sóng Thần, trong đó có đầu tư xây dựng các cầu vượt tại các giao lộ; đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 đoạn từ cầu Vĩnh Bình đến Suối Cát bằng nguồn vốn xã hội hóa do doanh nghiệp đầu tư. Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công của tỉnh còn eo hẹp nhưng tỉnh vẫn có những giải pháp về nguồn vốn một cách năng động, đầy sáng tạo để huy động nguồn vốn đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.
Ông Luận cho biết thêm, theo quy hoạch giao thông - vận tải của tỉnh, từ nay đến năm 2020 tỉnh tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới nhiều công trình giao thông quan trọng, mang tính huyết mạch của tỉnh, đặc biệt là những công trình mang tính kết nối vùng, giao thông đối ngoại của Bình Dương, kết nối với các tỉnh, thành lân cận như quốc lộ 13, ĐT743, cầu Bạch Đằng 2 (kết nối với Đồng Nai). Trong đó, tỉnh đang ráo riết đôn đốc tiến độ chuẩn bị đầu tư, khởi công dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT743 từ miếu Ông Cù đến Sóng Thần.
Có thể khẳng định, khi những dự án nói trên hoàn thành sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu giao thông phục vụ phát triển kinh tế tỉnh nhà theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa.
PHƯƠNG LÊ
Kỳ 2: Sắp xếp lại các trạm thu phí phù hợp