Sát cánh cùng doanh nghiệp ứng phó sự cố sử dụng hóa chất

Cập nhật: 14-05-2022 | 07:47:19

Nhiều năm qua, Bình Dương luôn chú trọng công tác ứng phó với các sự cố hóa chất nhằm trang bị cho doanh nghiệp (DN) kỹ năng ứng phó, đáp ứng yêu cầu an toàn sản xuất.

Diễn tập sự cố hóa chất tại Chi nhánh Công ty Cổ phần Tôn Đông Á (TP.Thủ Dầu Một)

Chuyên nghiệp, sát thực tế

Hóa chất có nhiều tác dụng trong hoạt động sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, hóa chất với những đặc điểm lý hóa thường dễ cháy nổ, độc hại cho sức khỏe và tác động xấu đến môi trường. Nếu không được quản lý, bảo quản và sử dụng đúng cách, đúng mục đích hóa chất có thể gây ra những vụ tai nạn, sự cố có hậu quả nghiêm trọng về con người và tài sản. Để giảm thiểu những tai nạn, sự cố, vai trò của việc vận hành cơ chế phối hợp tổ chức ứng phó sự cố hóa chất kịp thời, hiệu quả của các lực lượng là hết sức quan trọng.

Tại cuộc diễn tập ứng phó sự cố hóa chất tỉnh Bình Dương năm 2022 tại Chi nhánh Công ty Cổ phần Tôn Đông Á (TP.Thủ Dầu Một) với tình huống giả định sự cố diễn tập là rò rỉ hóa chất Amoniac từ bồn chứa Amoniac 10m3 và xe bồn tại khu vực bồn chứa trong quá trình nhập hóa chất, Amoniac thoát ra môi trường lượng lớn, tạo ra vùng nhiễm độc nguy hiểm. Khí NH3 thoát ra rất mạnh dạng lỏng kèm hơi bốc cao. NH3 tràn ra khu vực đê bao, với diện tích bề mặt thoáng lớn, hơi NH3 có nguy cơ phát tán mạnh, gây mùi khó chịu, lan sang khu vực xung quanh, nguy cơ ảnh hưởng trên diện tích rộng theo hướng gió nếu không được ngăn chặn kịp thời.

Trên cơ sở đó, phương án ứng phó khi phát hiện sự cố bao gồm đánh giá, thông báo sự cố, các chỉ lệnh ngừng sản xuất, sơ tán, báo cáo sự cố, bảo vệ, phân luồng giao thông, cách ly vùng nguy hiểm, phun nước dập sự cố. Tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu y tế, kiểm tra mức độ lan tỏa khí độc, hút chất thải lỏng từ bể đê bao mang đi xử lý. Phối hợp với lực lượng ứng cứu của tỉnh dập sự cố, tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu y tế, tiêu độc môi trường ngay sau sự cố được dập hoàn toàn… được các ngành chức năng thực hiện chuyên nghiệp, nhuần nhuyễn bảo đảm tính an toàn.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương), buổi diễn tập đã hoàn thành xuất sắc gồm 4 giai đoạn của việc xử lý sự cố hóa chất bao gồm phát hiện sự cố, thông báo, nhà máy triển khai lực lượng ứng phó tại chỗ, huy động các lực lượng bên ngoài tham gia cứu hộ cứu nạn và ứng phó. “Các lực lượng tham gia diễn tập chấp hành nghiêm mệnh lệnh của chỉ huy, triển khai thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm tuyệt đối an toàn về lực lượng, phương tiện trong suốt quá trình diễn tập. Công tác diễn tập bám sát vào thực tế, đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra về mặt chuyên môn, nghiệp vụ”, ông Thanh biểu dương tính chuyên nghiệp của Bình Dương trong công tác diễn tập.

Bảo đảm an toàn sản xuất

Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Trong mục tiêu phát triển công nghiệp theo hướng xanh, bền vững, tỉnh chú trọng hơn công tác bảo đảm an toàn trong sử dụng hóa chất, đáp ứng yêu cầu bảo vệ sản xuất, bảo vệ môi trường. Chính vì thế, các ngành chức năng, địa phương, doanh nghiệp càng chú trọng công tác phòng ngừa và kỹ năng xử lý khi sự cố xảy ra. Cuộc diễn tập một lần nữa khẳng định mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh và sự quan tâm, sát cánh cùng DN phát triển sản xuất, kinh doanh”.

Ông Phạm Quốc Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tôn Đông Á, khẳng định: “Buổi diễn tập thật sự là kinh nghiệm quý để công ty có bước chuẩn bị ứng phó các sự cố có thể xảy ra trong quá trình sản xuất. Công ty cũng thấy rõ mức độ nguy hiểm khi để xảy ra sự cố, sẽ nỗ lực kiểm tra định kỳ các khu vực tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố, bảo vệ sản xuất an toàn”.

Ông Nguyễn Văn Dành cho biết sau cuộc diễn tập sẽ chỉ đạo Sở Công thương, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh tổ chức cuộc họp để đánh giá toàn diện, rút ra những kinh nghiệm trong công tác phối hợp thực tập và khắc phục kịp thời những thiếu sót trong công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố để hoàn thiện kế hoạch. Sở Công thương tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, cơ sở tiếp tục tham mưu tăng cường tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hóa chất. Chú trọng chọn diễn tập những cơ sở sản xuất, sử dụng hóa chất với trữ lượng lớn, có nguy cơ cao.

Các sở ngành, đơn vị, địa phương phối hợp tham mưu UBND tỉnh mua sắm trang cấp các trang thiết bị, phương tiện, vật tư để trang bị tăng cường cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh để bảo đảm thực hiện kịp thời, hiệu quả nhiệm vụ khi có các tình huống phức tạp xảy ra. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất sâu rộng trong nhân dân, DN.

Ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng 66% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp là nhu cầu sử dụng hóa chất phục vụ sản xuất ngày càng nhiều, rộng rãi trong các hoạt động sản xuất như: Sản xuất sơn, keo, mực in, dệt nhuộm, xi mạ, sản suất sơn, sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, chế biến mủ cao su, sản xuất tôn thép... Từ thực tế đó, nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất khá cao, cần chủ động phòng ngừa, ứng phó để bảo đảm an toàn.

TIỂU MY - CẨM TÚ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=834
Quay lên trên