Sau 3 năm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020: Ý thức bảo vệ môi trường được nâng cao
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Sau 3 năm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, công tác quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó phải kể đến ý thức bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp ngày càng được nâng cao, chất lượng nguồn nước mặt và môi trường không khí được cải thiện đáng kể.

Tăng cường quản lý nhà nước
Ngay sau khi Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 có hiệu lực thi hành (ngày 1-1-2022), UBND tỉnh đã ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về môi trường. Tỉnh cũng đã xây dựng và công bố các thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường theo quy định; đồng thời triển khai cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” và thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường. Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn luôn lắng nghe và chú trọng xử lý, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực môi trường.
Cùng với tỉnh, các địa phương đã tăng cường các giải pháp BVMT theo phân cấp quản lý nhà nước. Nói về công tác này, bà Quách Kim Oanh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường TP.Dĩ An, cho biết hàng năm phòng đều tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch BVMT và thích ứng với biến đổi khí hậu. Kế hoạch năm 2025, UBND thành phố tập trung duy trì, phấn đấu đạt 10 chỉ tiêu trong lĩnh vực môi trường, như: Duy trì 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để và bảo đảm không để phát sinh trường hợp mới; 100% chất thải rắn sinh hoạt, y tế được thu gom, xử lý theo đúng quy định; tỷ lệ hộ dân tại những khu vực, tuyến đường có đường ống thu gom nước thải thực hiện đấu nối nước thải sinh hoạt đạt 38% trở lên...
Theo bà Quách Kim Oanh, để đạt được những chỉ tiêu trên, UBND thành phố đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể và UBND các phường đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn kiến thức pháp luật về BVMT, kỹ năng phân loại chất thải rắn sinh hoạt cho người dân; đồng thời tăng cường phòng ngừa, kiểm soát và xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường ngay từ khi mới phát sinh.
Tại TP.Thuận An, công tác tuyên truyền và phát động người dân tham gia giữ gìn mỹ quan đô thị, BVMT được các cấp ngành, đoàn thể đẩy mạnh thực hiện bằng nhiều hoạt động thiết thực, như: Duy trì hiệu quả mô hình “Khu phố không rác”, Ngày thứ bảy văn minh... Bên cạnh đó, ngành chức năng TP.Thuận An còn đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra để phát hiện và xử lý kịp thời hành vi gây ô nhiễm môi trường, không để xảy ra khiếu nại tố cáo đông người. Trong năm 2024, ngành chức năng TP.Thuận An đã tham mưu UBND thành phố ban hành quyết định kiểm tra lĩnh vực đất đai, môi trường, tài nguyên nước đối với 64 tổ chức, cá nhân; kiểm tra lĩnh vực môi trường theo phản ánh đối với 44 trường hợp. Kết quả, Phòng Tài nguyên và Môi trường (nay là Phòng Nông nghiệp và Môi trường) TP.Thuận An đã tham mưu UBND thành phố, UBND tỉnh ban hành 53 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, tài nguyên, với tổng số tiền phạt gần 4,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngành chức năng còn tích cực thực hiện công tác hậu kiểm việc thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính; kết quả có 21 quyết định đã nộp phạt bằng tiền với tổng số tiền 1,9 tỷ đồng, 4 trường hợp đã ngừng hoạt động. Hiện đơn vị chức năng đang tiếp tục theo dõi đôn đốc các trường hợp thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Tiếp tục kiểm tra
Song song với tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường, ngành chức năng tỉnh còn triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, kiểm soát nguồn ô nhiễm môi trường. Từ năm 2009, tỉnh đã triển khai lắp đặt hệ thống trạm quan trắc nước thải tự động đối với các nguồn thải lớn và ngành nghề sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm. Đến nay, toàn tỉnh đã có 104 trạm quan trắc nước thải tự động và 33 trạm quan trắc khí thải tự động; dữ liệu giám sát được truyền về Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường), với thời gian giám sát 24/24 giờ. Kết quả theo dõi thời gian qua cho thấy nước thải từ các nguồn thải này thường xuyên đạt quy chuẩn khi xả ra môi trường.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã xây dựng và đưa vào vận hành 4 nhà máy xử lý nước thải đô thị, gồm: TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An, TP.Thuận An và TP.Tân Uyên; đồng thời đang triển khai xây dựng Nhà máy nước thải TP.Bến Cát và mở rộng mạng lưới thu gom, nâng công suất Nhà máy xử lý nước thải TP.Dĩ An và TP.Thuận An. Đối với các khu dân cư tại khu vực chưa được đầu tư hệ thống thu gom nước thải đô thị đều đã xây dựng hệ thống xử lý nước theo đúng quy định. Đến nay, tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom, xử lý trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 53,8%. Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương cũng đã xây dựng mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường nước mặt tại 34 vị trí trên các sông, rạch đổ vào sông: Sài Gòn, Đồng Nai, sông Bé và Thị Tính. Đồng thời, ngành chức năng tỉnh đã lắp 4 hệ thống quan trắc tự động nhằm kiểm soát biến động của các thành phần môi trường tại các sông lớn trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh bảo vệ chất lượng nguồn nước mặt, ngành chức năng tỉnh còn tăng cường công tác quản lý chất lượng môi trường không khí, thông qua việc kiểm soát nguồn phát sinh khí thải công nghiệp bằng hệ thống quan trắc khí thải tự động. Bên cạnh đó, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, lựa chọn dự án có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; bảo đảm 100% cơ sở xả khí thải có hệ thống xử lý theo quy định; chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải từ chôn lấp sang tái chế.
Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát trên mà chất lượng nguồn nước mặt và môi trường không khí trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện. Cụ thể chất lượng nước trên các sông Đồng Nai, Sài Gòn và Thị Tính đạt từ mức tốt, rất tốt (dùng cho sinh hoạt) đến trung bình (dùng cho tưới tiêu). Vào năm 2021 và 2022, tỉnh Bình Dương ghi nhận có 22 ngày có chất lượng không khí từ mức trung bình - xấu trở lên; nhưng đến năm 2023 còn 5 ngày và năm 2024 chỉ còn 3 ngày có chất lượng môi trường không khí ở mức trung bình - xấu.
Từ năm 2022-2024, cơ quan thanh tra chuyên ngành đã kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với 269 đơn vị; qua đó xử lý vi phạm 181 đơn vị, với tổng số tiền trên 50 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường do các đơn vị chuyên môn chuyển đến là 255 đơn vị, với tổng số tiền hơn 12,7 tỷ đồng. Cũng trong giai đoạn này, Công an tỉnh đã thụ lý 2.264 vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường; trong đó năm 2021 chuyển sang 227 vụ, kiểm tra, phát hiện mới 2.037 vụ. |
NGUYỄN HẬU - THANH TUYỀN