Sau 6 năm Việt Nam gia nhập WTO: Tạo cơ hội để doanh nghiệp tự khẳng định

Cập nhật: 08-11-2012 | 00:00:00

Thành công từ xuất khẩu và đầu tư

Sau 6 năm gia nhập WTO, xuất khẩu và đầu tư của tỉnh đã có sự phát triển vượt bậc. Cụ thể, năm 2006 kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của tỉnh đạt chưa đến 5 tỷ USD, nhưng năm 2007, tức là chỉ 1 năm sau khi gia nhập WTO, KNXK của tỉnh đã tăng hơn 27% so với năm 2006; năm 2008 KNXK tiếp tục tăng 22% so với năm 2007… KNXK của tỉnh liên tục tăng, cho thấy dấu hiệu tích cực của việc gia nhập WTO. Đến cuối năm 2011, KNXK đã vượt hơn gấp đôi so với năm 2006. Tiếp tục đà tăng trưởng đó, trong năm 2012 này, tuy tình hình có khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng xuất khẩu của tỉnh vẫn ở mức cao và không hề suy giảm so với những năm trước. Cụ thể trong 10 tháng đầu năm, Bình Dương đã xuất khẩu đạt 9,45 tỷ USD. Cùng với kim ngạch tăng, thị trường xuất khẩu của tỉnh cũng đã mở rộng lên 193 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hầu hết thị trường các nước thành viên WTO đều có sản phẩm của DN tại Bình Dương. Nét khác biệt thấy rõ sau 6 năm gia nhập WTO, bên cạnh các sản phẩm truyền thống trước đây như thủ công mỹ nghệ, mủ cao su, gỗ, giày dép, các sản phẩm từ nông- lâm - thủy sản thì xuất khẩu của tỉnh hiện đã có thêm nhiều ngành hàng có hàm lượng chất xám và năng lực cạnh tranh cao như điện tử, linh kiện và phụ tùng ô tô - xe máy, dược phẩm, mỹ phẩm…  

Sau 6 năm gia nhập WTO, sản phẩm của DN Bình Dương cạnh tranh tốt ở thị trường trong và ngoài nước. Trong ảnh: Sản xuất giày xuất khẩu ở Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình

Cùng với xuất khẩu, thu hút FDI của Bình Dương cũng đạt nhiều thành công sau 6 năm gia nhập WTO. Nếu năm 2006 toàn tỉnh mới có khoảng 1.200 DN FDI với số vốn đầu tư là 6,3 tỷ USD, thì 6 năm sau toàn tỉnh đã thu hút được hơn 2.200 dự án (tăng hơn 1.000 dự án), với tổng vốn đầu tư gần 17,4 tỷ USD (tăng hơn 11 tỷ USD). Điều đáng nói là sau khi hội nhập, số lượng quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Bình Dương ngày càng nhiều. Nếu trước đây Bình Dương chỉ thu hút được các nhà đầu tư đến từ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản thì trong 3 năm qua đã có nhiều dự án của Hà Lan, Phần Lan, Đan Mạch, Mỹ, Anh, Đức… đầu tư vào Bình Dương. Hầu hết các dự án đầu tư vào Bình Dương trong giai đoạn này đều có quy mô lớn hơn và chuyển hướng vào các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao, phù hợp với định hướng phát triển bền vững của tỉnh.

Thành công dưới góc nhìn của DN

Dưới góc nhìn của DN, WTO là “sân chơi” nhiều thử thách nhưng đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho các DN Việt Nam học hỏi kinh nghiệm để phát triển và tự khẳng định vị thế. Ông Lương Ngọc Văn, Giám đốc Công ty TNHH Trường Thọ, nhận xét: “Từ lúc Việt Nam gia nhập WTO, nhìn chung hàng hóa của các nước xuất hiện ở thị trường nội địa ngày càng nhiều hơn và hàng Việt Nam ra nước ngoài cũng nhiều hơn. Chính sự “giao lưu” của hàng hóa ở thị trường trong nước khi hội nhập đã tạo ra động lực phát triển cho DN Việt Nam. Đó không gì khác hơn là DN phải tự thay đổi chính mình để nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển và đã giúp nhiều DN thành công”. Nhìn nhận ở góc độ xuất khẩu, là DN sản xuất gốm sứ với thị trường rộng mở tại nhiều nước châu Âu và Mỹ, Giám đốc DNTN Đại Hồng Phát Nguyễn Thị Hồng Vân, cho rằng: “DN Việt Nam luôn có khát vọng vươn ra biển lớn và WTO là điều kiện để tiếp thu những cái mới, phát huy những ưu thế từ kinh nghiệm cũ nhằm thích nghi với môi trường kinh doanh thời hội nhập. Sau 6 năm nhìn lại, chúng ta thấy sản phẩm Việt Nam ở thị trường ngoài nước nhiều hơn và đó là điều đáng để tự hào”.

Cũng thành công vượt bậc sau 6 năm gia nhập WTO, với sản phẩm cạnh tranh tốt trong nước và xuất khẩu sang 17 quốc gia, Chủ tịch HĐQT Công ty Thuốc thú y - thủy sản Minh Dũng Vũ Thị Ngọc Trinh, tự tin khẳng định: “WTO là cơ hội để DN tự khẳng định. Tham gia “sân chơi” lớn này, thuận lợi nhiều nhưng cũng lắm thách thức, điều quan trọng là DN chuẩn bị tốt sẽ đứng vững và đi lên. Sau 6 năm gia nhập WTO, theo tôi thì cơ hội cho DN nhiều hơn thách thức. Bởi lẽ, trong xu thế hội nhập toàn cầu, nhiều tập đoàn lớn đến hợp tác và đầu tư làm ăn tại Việt Nam, nếu nắm bắt kịp thời thì DN cũng có thêm nhiều đối tác mới, cơ hội nhận được đơn hàng lớn cũng nhiều hơn. Cái lợi thứ 2 là chính từ những thách thức mà chúng ta rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Từ cọ xát thực tế, DN mới nhìn nhận lại mình, thấy mình ở vị trí nào, đủ lực chưa, thiếu cái gì và cần cái gì… Hàng loạt vấn đề đặt ra buộc DN phải giải quyết, nếu không sẽ tụt hậu và bị loại khỏi sân chơi. Từ đó DN chuẩn bị tốt hơn, hoàn thiện hơn để tự tin khẳng định mình”.

 Những năm gần đây, do ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nên tác động tích cực từ việc gia nhập WTO chưa được phản ánh hết. Tuy nhiên, với những thành tựu đã đạt được, cho thấy cộng đồng DN Bình Dương đã nỗ lực, chủ động tận dụng những cơ hội, khắc phục khó khăn để hội nhập ngày càng tốt hơn với nền kinh tế thị trường.

 

 VỆ GIANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=243
Quay lên trên