Sau 7 năm gia nhập WTO: Kinh tế phát triển, doanh nghiệp lớn mạnh

Thứ bảy, ngày 11/01/2014

 Đầu tư nước ngoài, xuất khẩu đều tăng tốc

Điều dễ dàng nhận thấy, sau 7 năm Việt Nam gia nhập WTO, kinh tế Bình Dương tăng tốc đáng kinh ngạc. Nổi bật là lĩnh vực thu hút FDI với nhiều dự án mới, vốn lớn, đến nay đã có 2.209 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 18,7 tỷ USD. Nếu so với con số 1.264 doanh nghiệp (DN) FDI với vốn đầu tư 6,3 tỷ USD vào cuối năm 2006, sau 7 năm gia nhập WTO số lượng DN FDI tăng gần 1,75 lần và vốn đầu tư tăng gần 3 lần.    Phát huy khả năng am hiểu tập quán và thị hiếu tiêu dùng, nhà bán lẻ trong nước luôn có nhiều ưu thế trong cạnh tranh.Trong ảnh: Đưa hàng Việt về thị trường nông thôn Bình Dương

Bên cạnh vốn tăng mạnh thì 7 năm qua nguồn FDI nổi lên 2 yếu tố. Thứ nhất là tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp sản xuất có hàm lượng công nghệ cao và khả năng cạnh tranh lớn. Thứ 2 là chuyển dịch mạnh mẽ vào các lĩnh vực ngoài sản xuất công nghiệp như thương mại - dịch vụ - đô thị, rõ nét nhất chính là các dự án thương mại - dịch vụ - đô thị. Cụ thể như ở lĩnh vực dịch vụ có Tập đoàn Mapletree (Singapore) đầu tư Khu kho vận Mapletree 110 triệu USD; lĩnh vực đô thị có Tập đoàn SP Setia Berhad (Malaysia) đầu tư 620 triệu USD, Tập đoàn Tokyu đầu tư 1,2 tỷ USD…

Tác động tích cực từ việc gia nhập WTO đã thúc đẩy lĩnh vực xuất khẩu của tỉnh phát triển mạnh mẽ. Kim ngạch xuất khẩu năm 2013 lên đến hơn 14,44 tỷ USD, so với kim ngạch xuất khẩu năm 2006 (gần 5 tỷ USD) tăng gần 2,9 lần. Với điều kiện thuận lợi khi gia nhập WTO, thị trường xuất khẩu của tỉnh đã mở rộng lên 193 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tăng nhanh sức cạnh tranh trong hội nhập, sản phẩm xuất khẩu của DN tại Bình Dương chuyển dịch mạnh theo hướng tăng dần hàm lượng công nghệ cao như điện tử, linh kiện, phụ tùng ô tô - xe máy, dược phẩm, mỹ phẩm… Chính điều này đã làm cho xuất siêu của tỉnh liên tục tăng mạnh sau 7 năm gia nhập WTO, riêng năm 2013 giá trị xuất siêu của Bình Dương đứng hàng đầu của cả nước với gần 2,9 tỷ USD.

Sau gia nhập WTO, DN Việt tại Bình Dương ngày càng mạnh lên thấy rõ. Với khát vọng vươn ra biển lớn và WTO là điều kiện để tiếp thu những cái mới, phát huy những ưu thế từ kinh nghiệm để thích nghi với môi trường kinh doanh thời hội nhập, 7 năm qua sản phẩm của khối DN này ngày càng khẳng định ở thị trường ngoài nước là điều đáng tự hào. Trong đó, những cái tên như gốm sứ Minh Long, Cường Phát, Tôn Đông Á, Tôn Hoa Sen, Đại Thiên Lộc, Sáng Ban Mai… đã cho thấy, từ cọ xát thực tế, DN Việt Nam đã chuẩn bị tốt hơn, hoàn thiện hơn và tự tin khẳng định mình.

Doanh nghiệp Việt khẳng định thương hiệu

Theo cam kết gia nhập WTO, ngày 1-1-2009, Việt Nam chính thức mở cửa thị trường dịch vụ phân phối bán lẻ cho các DN 100% vốn FDI. Bước sang đầu năm 2014, thị trường bán lẻ tại Bình Dương đã xuất hiện ngày càng nhiều những “ông lớn” có vốn FDI với những siêu thị, trung tâm thương mại có vốn đầu tư lớn như Tập đoàn Metro Cash & Carry, kế đến là Tập đoàn Big C, Tập đoàn Lotte. Trong quý IV-2014, Tập đoàn Aeon nổi tiếng của Nhật Bản sẽ đưa vào hoạt động trung tâm thương mại với vốn đầu tư lên đến 95 triệu USD. Với thực tế này, thị trường bán lẻ Bình Dương đang sôi động, được các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đánh giá cao và để mắt chọn lựa đầu tư.

Khi mới gia nhập WTO và mở cửa thị trường bán lẻ, không ít chuyên gia kinh tế lo ngại DN bán lẻ trong nước thua thiệt và lép vế trên sân nhà. Thế nhưng thực tế diễn ra, mở cửa thị trường bán lẻ sau WTO, dù có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư FDI nhưng các DN bán lẻ trong nước vẫn khẳng định được thế mạnh. Dưới sức ép cạnh tranh đã tạo một động lực phát triển cho DN bán lẻ trong nước, không gì khác hơn là họ phải tự thay đổi chính mình để nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển, điều này đã giúp ích nhiều cho DN thành công.

Tại Bình Dương, thị trường bán lẻ chủ yếu vẫn nằm trong tay DN trong nước, những thương hiệu quen thuộc như Co.op Mart, Vinatex, Citi Mart… vẫn chiếm ưu thế. Trong năm 2013, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 89.544 tỷ đồng thì khu vực kinh tế có vốn đầu tư trong nước chiếm đến 97,7%; còn lại 2,3% thuộc về khu vực kinh tế FDI. Còn theo kết quả bán hàng của DN từ Sở Công Thương, những nhà bán lẻ đứng đầu tại tỉnh về doanh thu trong năm qua lại là Co.op Mart, Vinatex...

Đối với thị trường bán lẻ, sau WTO nhiều DN FDI đầu tư nhiều vào tỉnh đã tác động tích cực, tạo sự cạnh tranh lành mạnh để thị trường bán lẻ phát triển mạnh mẽ. Sự tham gia của nguồn FDI không phải làm cho “chiếc bánh” thị phần bán lẻ chia nhỏ, mà chính sự đầu tư đó làm cho “chiếc bánh” thị phần bán lẻ tăng tốc mạnh mẽ và lớn nhanh, kích hoạt thương mại - dịch vụ phát triển và đưa xu hướng tiêu dùng của người dân chuyển biến mạnh theo hướng văn minh hiện đại. Điều này tác động mạnh để sản xuất phát triển và có lợi lớn đối với nền kinh tế.

Chung quy, kinh tế Bình Dương được rất nhiều sau 7 năm gia nhập WTO. Từ việc biết tận dụng được những cơ hội lớn mà gia nhập WTO đem lại, Bình Dương đã tạo điểm đến hấp dẫn trong thu hút đầu tư, từ đó nâng cao năng lực sản xuất và xuất khẩu, góp phần đưa kinh tế Bình Dương vươn vai mạnh mẽ. Còn DN trong nước thì nhanh chóng vươn lên trong hội nhập. Là chủ DN thành công vượt bậc sau 7 năm gia nhập WTO với sản phẩm xuất khẩu sang 17 quốc gia, Chủ tịch HĐQT Công ty Thuốc thú y - Thủy sản Minh Dũng, bà Vũ Thị Ngọc Trinh, nhận định: “Gia nhập WTO, nếu biết tận dụng cơ hội, DN Việt Nam sẽ khẳng định được mình và sẽ đứng vững trong cạnh tranh”.

 VỆ GIANG