Sửa đổi Luật Đất đai 2003 là cần thiết
Hầu hết ý kiến đều thống nhất đánh giá gần 10 năm thực hiện, Luật Đất đai năm 2003 đã đáp ứng một cách thiết thực các yêu cầu về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, góp phần rất lớn trong công cuộc đổi mới, tăng trưởng kinh tế, hạn chế những sai phạm, tiêu cực trong quá trình quản lý và sử dụng tài nguyên đất tại địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi pháp luật đất đai cũng đã phát sinh một số vấn đề bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay. Do đó, sửa đổi Luật Đất đai 2003 là thực sự cần thiết.
Đối với dự thảo 2 phương án về xây dựng bảng giá đất tại Điều 109 đã nhận được 34.412 ý kiến, trong đó có 34.388 ý kiến đề nghị lựa chọn phương án 1, vì cho rằng phương án này bảo đảm giá đất quy định được điều chỉnh hợp lý theo giá đất thị trường khi có sự chênh lệch, từ đó sẽ không gây thất thu ngân sách; tạo được sự công bằng, đồng thuận trong nhân dân khi thực hiện nghĩa vụ tài chính; bảo đảm tính hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và của nhà đầu tư; chỉ có 24 ý kiến đề nghị lựa chọn phương án 2 vì cho rằng nếu tính theo phương án 1 thì việc xác định giá đất thị trường tăng giảm trên 20% để điều chỉnh bảng giá đất sẽ gặp khó khăn.
Về cơ bản, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với quan điểm, định hướng đổi mới chính sách pháp luật đất đai nêu trong Nghị quyết số 19/NQ-TW Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Các nội dung sửa đổi, bổ sung và quy định mới tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập còn mắc phải trong quá trình thực thi Luật Đất đai năm 2003. Đồng thời, hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai; tăng cường vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai từ Trung ương đến cơ sở; cải cách thủ tục hành chính về đất đai vừa bảo đảm quản lý chặt chẽ, hiệu quả tài nguyên đất, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thuận tiện cho người sử dụng đất thực hiện các quyền và giám sát việc thực hiện của các cơ quan Nhà nước nhằm hạn chế tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai; cũng như giải quyết các vướng mắc, bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai, giảm các khiếu kiện về đất đai.
Vẫn còn những khó khăn cần tháo gỡ
Thế nhưng, nhiều ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này vẫn chưa quy định rõ một số nội dung nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà thực tiễn của quá trình quản lý, sử dụng đất đang gặp phải. Đó là chưa quy định vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong việc giám sát tính thực thi của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các dự án quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội để khẳng định đất đai là sở hữu của toàn dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; chưa quy định trách nhiệm của chủ đầu tư thuộc đối tượng được Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án phải lập phương án tái định cư trình cơ quan có thẩm quyền xét duyệt trước khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để bảo đảm nhu cầu về chỗ ở cho người có đất nằm trong dự án bị thu hồi; chưa quy định giải pháp thiết thực nhằm khắc phục tình trạng hiện nay về giá đất áp dụng hàng năm của tỉnh chưa sát với thực tế, dẫn đến khó khăn trong việc tính tiền bồi thường và tình trạng tiền hỗ trợ lớn hơn tiền bồi thường.
Về phạm trù “giá thị trường đất đai”, một số ý kiến còn cho rằng luật chưa quy định cụ thể, rõ ràng. Vì thế, có ý kiến đề nghị Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cần quy định những tiêu chí, chuẩn mực thật cụ thể về giá thị trường đất đai để làm cơ sở xây dựng giá đất hàng năm của tỉnh cũng như để đền bù khi Nhà nước thu hồi đất. Vì trong bối cảnh thị trường bất động sản của nước ta chưa phát triển công khai, minh bạch, còn tồn tại hình thức mua bán, chuyển nhượng, sang tay trực tiếp, không thông qua sàn giao dịch bất động sản nên việc xác định chính xác giá thị trường là phức tạp, không khả thi. Đối với quy định về bảng giá đất của Nhà nước, chỉ nên sử dụng để tính bồi thường, hỗ trợ cho các trường hợp thu hồi đất phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, còn đối với các trường hợp thu hồi đất sử dụng vào lợi ích quốc gia, công cộng thì sử dụng phương thức trưng dụng có bồi thường. Luật cũng nên quy định cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định về giá đất phải độc lập với cơ quan có thẩm quyền về quản lý đất đai, nhằm bảo đảm tính khách quan trong việc xác định giá đất…
M.HUY - T.THẮNG