Sẽ “bán” rủi ro bảo hiểm nông nghiệp cho nước ngoài?

Cập nhật: 21-02-2010 | 00:00:00

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) sắp trình lên Chính phủ đề án bảo hiểm nông nghiệp do Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) xây dựng.

 

Một điểm đáng chú ý trong đề án là những rủi ro trong loại hình bảo hiểm này sẽ được chuyển ra nước ngoài. Làm rõ hơn vấn đề, ông Đỗ Minh Hoàng, quyền Tổng giám đốc ABIC, nói:

 

- Hiện nay có thể nói bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam vẫn là con số không, trước đây từng có một số doanh nghiệp từng triển khai thử nhưng đều thất bại.

 

Trên thế giới hiện có ba dòng sản phẩm bảo hiểm trong nông nghiệp

Agribank vẫn quyết tâm phát triển lĩnh vực này, vì vậy phải đúc rút kinh nghiệm của những “anh cả” đi trước, những thất bại của họ do nhiều nguyên nhân. Một, họ không có thị trường truyền thống trong lĩnh vực nông nghiệp để đủ số đông người tham gia bảo hiểm.

 

Hai, sản phẩm của họ chỉ triển khai theo loại hình bảo hiểm truyền thống mang tính đơn lẻ. Nếu tính trên từng loại hình rủi ro đơn lẻ, thì với nông dân sẽ có vô vàn yếu tố rủi ro tác động, nên phí bảo hiểm sẽ rất cao, nông dân không thể chịu đựng được.

 

Cả nước có 13 triệu hộ nông dân, trong đó 10 triệu hộ là khách hàng của Agribank; 2 triệu hộ thuộc diện cận nghèo là đối tượng khách hàng của Ngân hàng Chính sách; 1 triệu hộ còn là khách hàng của khoảng 100 tổ chức tài chính và các ngân hàng khác.

 

Theo quy định, mỗi hộ nông dân có thể được vay tối đa 30 triệu đồng bằng tín chấp, không có thế chấp tài sản. Khi những nông dân này gặp rủi ro, thì Agribank (mà đây cũng chính là vốn của Nhà nước) sẽ mất khoản tiền cho vay đó, không thể thu hồi được.

 

Tính trong vòng 20 năm qua, có khoảng 1,8-1,9% số hộ nông dân vay vốn đã không có khả năng trả được nợ vay. Bởi vậy từ trước tới nay, Agribank phải đưa khoản này vào chi phí trích lập dự phòng những khoản nợ xấu, trích 1,8-1,9%, đánh vào lãi vay của nông dân.

 

Chính vì thị trường rộng lớn, và nhiều rủi ro như vậy, nên Agribank thành lập ABIC để bảo tồn nguồn vốn đó trước các thảm họa như thiên tai, dịch bệnh trong nông nghiệp để tiến tới thay thế cho việc phải trích phí quá cao từ nông dân vay vốn.

 

Chúng tôi đang xây dựng mức phí bảo hiểm bằng khoảng 50-60% mức tiền phải trích lập dự phòng nợ xấu trên. Vấn đề bảo hiểm nông nghiệp đã được chúng tôi thai nghén suốt từ khi viết dự án thành lập Công ty ABIC, được Bộ Tài chính và Thủ tướng rất ủng hộ.

 

Với mức độ rủi ro cao như vậy, tỷ lệ phải chi trả bảo hiểm trong nông nghiệp sẽ rất lớn. Làm thế nào để tránh được nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm, thưa ông?

 

Hàng năm, thiên tai và dịch bệnh “cướp đi” của Việt Nam 1,5% GDP, vì vậy không thể có doanh nghiệp ở nước ta dám liều lĩnh với rủi ro lên tới 10 tỷ USD như vậy, ngay cả Agribank cũng không đủ khả năng chi trả. Vì  vậy, chúng tôi phải chuyển rủi ro nông nghiệp ra nước ngoài.

 

Chúng tôi đã lựa chọn đối tác là Swiss Reinsurance. Đây là tập đoàn tái bảo hiểm của Thụy Sĩ, có tổng nguồn vốn cao gấp 30 lần nguồn vốn của Agribank. Tập đoàn này đã cử chuyên gia cùng phối hợp với ABIC để xây dựng các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp. ABIC sẽ triển khai bảo hiểm đến nông dân, rồi bán những đơn bảo hiểm nguyên bản đó cho Swiss Reinsurance.

 

Như vậy, Swiss Reinsurance sẽ ôm trọn gói bảo hiểm cho nông nghiệp của Việt Nam, còn ABIC thực chất chỉ là đơn vị làm đại lý bảo hiểm cho họ.

 

Hiện có 160 quốc gia là khách hàng của Swiss Reinsurance, tức là 160 nước cùng gánh chịu và chia sẻ rủi ro. Như vậy, thảm họa thiên tai dịch bệnh dù lớn đến đâu thì cũng nằm trong tầm khả năng bảo hiểm, nguy cơ vỡ quỹ sẽ không còn là vấn đề đáng lo lắng nữa.

 

Tuy nhiên, mình “bán” rủi ro cho nước ngoài, bên mua cũng phải xem là có lợi cho họ thì họ mới mua chứ.

 

Xin ông cho biết, bảo hiểm nông nghiệp sẽ có những sản phẩm nào mang tính khả thi cao?

 

Trên thế giới hiện có ba dòng sản phẩm bảo hiểm trong nông nghiệp.

 

Một là dòng truyền thống, tính trên giá trị thu hoạch của từng cây trồng vật nuôi, thiệt hại bao nhiêu thì công ty bảo hiểm sẽ trả cho nông dân bấy nhiêu.

 

Thứ hai là dòng bảo hiểm theo chỉ số thời tiết. Các cố vấn cấp cao của Chính phủ đã tư vấn chúng tôi nên thực hiện bảo hiểm theo chỉ số lũ lụt đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long. Năm nào vùng này cũng có lũ với mức độ cao dưới 1m, canh tác là cây lúa chịu nước, nước lên đến đâu thì lúa cao đến đấy.

 

Nhưng tần suất 7 năm/lần sẽ có lũ cao trên 1m, 20 năm/lần có lũ cao trên 2m. Nếu lũ cao trên 1m, thì cây lúa sẽ mất mùa. Vì vậy khi lũ lên cao 1- 2 m thì sẽ bảo hiểm toàn bộ, trả cho nông dân số tiền bằng giá trị sản lượng lúa thu hoạch hàng năm.

 

Ở Tây Nguyên trồng nhiều cà phê, cao su... Khi lượng nước tưới bị thiếu, thậm chí hạn đến mức không có nước tưới, dễ có nguy cơ mất trắng vụ thu hoạch. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu đưa sản phẩm bảo hiểm theo chỉ số khô hạn vào triển khai.

 

Dòng sản phẩm thứ ba là bảo hiểm theo chỉ số sản lượng. Chẳng hạn một giống lúa thường cho năng suất 7 tấn/ha. Khi bất kỳ một thiên tai, dịch bệnh, bão lũ, khô hạn, cháy... nào đó tác động vùng trồng giống lúa này khiến sụt giảm sản lượng thu hoạch, thì phần chênh lệch giữa sản lượng lúa lý thuyết và thu hoạch thực tế sẽ được bồi thường. 

 

Khi xảy ra rủi ro, cơ quan nào đứng ra giám định thiệt hại cho nông dân, thưa ông? Chẳng lẽ công ty bảo hiểm tự giám  định thì làm sao đảm bảo tính minh bạch?

 

Loại sản phẩm bảo hiểm mà chúng tôi sắp triển khai đã xác định đơn vị rủi ro của mình là cấp huyện. Phía đối tác Thụy Sĩ đã nghiên cứu hệ thống phân tích thống kê của Việt Nam, họ tin cậy về quy trình lấy mẫu, tính xác suất của cơ quan này.

 

Kết quả xác định thiệt hại sẽ dựa trên hai nguồn. Một là, bản báo cáo thống kê thiệt hại tại từng huyện do các cục thống kê đưa ra. Hai là, Swiss Reinsurance mua bản quyền, phân tích từ hệ thống viễn thám vệ tinh địa tĩnh. Từ các bản chụp qua vệ tinh này, họ phân tích ảnh quang phổ để biết toàn bộ lúa ở từng vùng có dịch bệnh ở cấp độ nào, lượng mưa ra sao, ảnh hưởng của bão lũ như thế nào...

 

Đối chiếu hai nguồn đó, sự chênh lệch nhau dưới 15% là dễ dàng đi đến thống nhất được mức độ thiệt hại.

 

Việc làm thủ tục bồi thường sẽ do chính quyền cấp huyện và ABIC tiến hành. Nông dân không cần phải làm thủ tục gì cả, họ chỉ việc nhận tiền, vì tiền bồi thường sẽ được trả đồng loạt tính trên từng đơn vị diện tích (sào ruộng, hoặc ha) với mức chi trả như nhau.

 

Theo Thời báo Kinh tế

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=290
Quay lên trên