Quang cảnh phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 15/8, đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan về vấn đề quy hoạch đất trồng lúa, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản.
Đặt câu hỏi tại phiên họp, đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) cho biết hiện nay, việc liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản ở một số địa phương còn chậm. Liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa còn hạn chế. Kết nối liên vùng, kết nối thị trường còn rời rạc. Chi phí logistics còn cao. Việc đổi mới sáng tạo chưa trở thành động lực phát triển ngành Nông nghiệp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp trong thời gian tới để khắc phục tình trạng này.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết hợp tác giữa những người sản xuất, liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp theo một chuỗi ngành hàng là cần thiết. Đây cũng là chiến lược của ngành Nông nghiệp nhằm thay đổi thực trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của nền nông nghiệp nước ta.
Chỉ có liên kết theo chuỗi mới nâng cao được chất lượng của nông sản và chuyển từ sản phẩm nông nghiệp thành một thương phẩm, đảm bảo yêu cầu chuẩn mực của thị trường.
Tuy nhiên, thực trạng liên kết còn chậm, bởi theo báo cáo của các địa phương, chỉ khoảng 20% diện tích nông nghiệp có nằm trong chuỗi liên kết ngành hàng và không phải chuỗi nào cũng bền vững.
“Vấn đề đặt ra là nâng cao tính bền vững của các chuỗi liên kết này trong thời gian tới, từ đó khắc phục được tình trạng được mùa mất giá hay câu chuyên nông dân bội tín với doanh nghiệp, hay câu chuyện doanh nghiệp bỏ cọc, thương lái bỏ cọc,” Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, nếu không có chuỗi liên kết cũng sẽ khó phát triển ngành logistics cũng như không thể số hóa. “Trong thời gian tới, Bộ sẽ kiên trì cùng với các địa phương xây dựng những mô hình chuỗi đồng bộ và hoàn thiện hơn; đồng thời cùng với các viện, trường, các nhà khoa học, doanh nghiệp để tác động chuỗi phát triển bền vững hơn,” Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Trả lời câu hỏi về quy hoạch đất trồng lúa của đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa), Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết cách đây 10 năm, quy mô đất lúa nước ta khoảng 4 triệu hecta. Hiện tại, theo số liệu thống kê, đất lúa còn 3,93 triệu hecta.
“Theo nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, chúng ta sử dụng linh hoạt 5 triệu hecta đất lúa. Linh hoạt ở đây có nghĩa là để đảm bảo an ninh lương thực và để phát triển kinh tế - xã hội, phải dành một quỹ đất nông nghiệp, trong đó có đất lúa,” Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Bộ trưởng cho biết thêm quy hoạch đất lúa nằm trong quy hoạch đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chính về vấn đề này. Các địa phương đã đều ổn định những diện tích đất lúa và đã có trong quy hoạch của tỉnh, xác định rõ khu vực dành cho đất nông nghiệp.
Các địa phương trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội cố gắng giữ gìn quỹ đất lúa, cân nhắc khi chuyển đổi đất trồng lúa bởi còn nhiều hệ lụy ảnh hưởng phía sau.
Tại phiên họp, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) đề cập thực tế hiện nay nông dân thu nhập còn thấp, cuộc sống bấp bênh. Đại biểu nhấn mạnh đây cũng là mâu thuẫn giữa thực trạng đời sống của người dân với chính sách bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
“Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm và các giải pháp trong thời gian tới để khắc phục vấn đề này?” - đại biểu Lý Tiết Hạnh chất vấn.
Trả lời đại biểu Lý Tiết Hạnh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, theo số liệu thống kê, tỷ lệ người dân nông thôn là 27%. Nghĩa là, trong suốt quá trình vừa qua đã kéo giảm khu vực nông nghiệp và giảm tỷ trọng người dân làm nông nghiệp.
Tuy nhiên, cư dân ở nông thôn có chiếm khoảng 65%, tức là ở nông thôn bao gồm cán bộ, công chức và những người hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp và nông thôn rất lớn.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần có những giải pháp không chỉ cho những nông dân trực tiếp và những người lao động ở khu vực nông nghiệp, mà cần tính toán hài hòa cả người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và những người lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Qua đó, đảm bảo người dân vẫn còn giữ đất nhưng trong thời gian không sử dụng thì có cách để quỹ đất đó tạo ra của cải, tạo ra thu nhập tốt hơn cho người dân./.
Theo TTXVN