Sẽ trình Quốc hội Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội-TP Hồ Chí Minh

Cập nhật: 18-04-2010 | 00:00:00

 

Dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội- TP Hồ Chí Minh nằm trong chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2050  nhằm giải quyết năng lực vận tải hàng hóa cũng như đi lại của người dân.

 

Theo tính toán của Chính phủ, đến năm 2030, dự báo nhu cầu  hành khách trên tuyến hành lang vận tải Bắc- Nam là 534.000 hành khách/ngày, tương đương 195 triệu  hành khách/ năm.

 

Trong khi đó, tổng năng lực của các loại phương thức vận tải trên hành lang này chỉ đáp ứng được khoảng 378.000/hành khách trên ngày, tương đương 138 triệu hành khách/năm. Như vậy còn khoảng 57 triệu hành khách/năm mà các loại phương thức vận tải hiện có không thể đáp ứng được.

 

Theo đánh giá của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội- TP Hồ Chí Minh là cần thiết, bởi thực tế không chỉ ở nước ta, mà cả các nước trên thế giới, vận tải đường sắt có nhiều ưu thế hơn so với phương thức vận tải đường bộ và đường hàng không như vận chuyển được khối lượng lớn, an toàn, tiêu hao năng lượng thấp, giảm thiểu lượng khí thải ra môi trường, giảm thiểu số người thiệt mạng do tai nạn giao thông…

 

Tính kỹ yếu tố an toàn khi vận hành với tốc độ tối đa 300km/h

 

Một số ý kiến vẫn còn băn khoăn trước hiệu quả kinh tế của dự án mang lại cũng như việc đảm bảo an toàn khi dự án được vận hành trong điều kiện dân trí nước ta chưa cao.

 

 Dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội- TP Hồ Chí Minh:

 

- Tốc độ khai thác 300km/h.

 

- Tổng mức đầu tư: 55,853 tỷ USD.

 

- Tiến độ thực hiện: bắt đầu thiết kế xây dựng năm 2010 .

 

Giai đoạn 1: Đến năm 2020 đưa vào khai thác đoạn Hà Nội-Vinh và đoạn Nha Trang- TP Hồ Chí Minh.

 

Giai đoạn 2: Đến 2030 đưa vào khai thác đoạn Vinh- Đà Nẵng và hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền cho biết, đây là dự án có tổng mức đầu tư lớn, tác động nhiều tới các vùng dân cư, triển khai đầu tư trong khoảng thời gian dài vì vậy cần tính toán kỹ tới  việc lựa chọn đầu tư phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước .

 

Cũng theo ông Hiền, từ nay đến năm 2050, ngoài đường sắt, còn có nhiều tuyến đường bộ, đường hàng không cũng được đầu tư, do đó, cần tính tới yếu tố này để đảm bảo cân đối hài hòa nguồn vốn đầu tư, không ảnh ưởng tới mục tiêu đầu tư của các ngành khác.

 

Cùng với quan điểm trên, Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận đề nghị báo cáo của Chính phủ cần làm rõ việc kết nối của dự án với quy hoạch tổng thể chung của giao thông, cũng như cụ thể hóa rõ từng nguồn vốn, bởi nếu triển khai dự án này thì riêng vốn ngân sách mỗi năm dành cho dự án cũng khoảng 10.000 tỷ đồng, chưa kể còn nhiều dự án giao thông khác.

 

Lo xa hơn về việc vận hành dự án, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước chia sẻ vấn đề an toàn cũng cần được tính toán sớm và đề cập rõ trong Báo cáo bởi với điều kiện dân trí còn thấp, khi vận hành với tốc độ tối đa 300km/h, việc đảm bảo cho 1.500 km đường sắt được vận hành an toàn cũng là bài toán cần nghiên cứu kỹ.

 

“Cả tuyến có 25 ga liệu có quá nhiều khi tàu mới vận hành ở tốc độ cao nhất thì đã phải dừng”, ông Ksor Phước lưu ý.

 

Làm rõ ưu, nhược điểm các phương án đầu tư

 

Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng, tổng mức đầu tư vào giao thông vận tải có thể cho phép đến 15% tổng mức đầu tư xã hội. Hiện tổng mức đầu tư cho giao thông vận tải mới chỉ đạt 7%, nếu tính đến dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội- TP Hồ Chí Minh  thì đầu tư cho giao thông ở khoảng 10-15% tổng mức đầu tư toàn xã hội. Việc đầu tư dự án này vẫn nằm trong giới hạn đầu tư và không ảnh hưởng đến việc cân đối cho nhu cầu đầu tư các dự án ngành khác.

 

Hơn nữa Chính phủ sẽ điều hành theo hướng thay đổi cơ cấu đầu tư, giảm dần phần đầu tư của nhà nước cũng như tăng dần phần đầu tư của các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước.

 

Liên quan độ phù hợp của dự án với quy hoạch tổng thể chung của chiến lược giao thông, đặc biệt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, việc kết nối các tuyến đường được triển khai đồng bộ. Hiện Hà Nội đang triển khai 5 dự án đường sắt nội đô, trong đó có tuyến Ngọc Hồi- Yên Viên sẽ hoàn thành trước để kết nối với dự án đường sắt cao tốc.

 

Tương tự, tại  TP Hồ Chí Minh cũng đang triển khai 6 tuyến đường sắt trong đó có tuyến Bình Triệu – Hòa Hưng kết nối với ga đường sắt cao tốc.

 

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cũng cho biết, hiện có nhiều nhà đầu tư tỏ ra quan tâm và sẵn sàng phối hợp trong quá trìnhh lập báo cáo đầu tư dự án. Tới đây, Bộ Giao thông vận tải sẽ tổ chức hội thảo để lấy ý kiến rộng rãi từ các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và người dân đóng góp cho dự án.

 

Thay mặt UBTVQH, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đề nghị Chính phủ cần phân tích kỹ ưu, nhược điểm các phương án đầu tư của Dự án để áp dụng.

 

Trong việc huy động vốn đầu tư, cần cân đối với các nhiệm vụ thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Việc lựa chọn hình thức huy động đầu tư và phân kỳ đầu tư có thể linh hoạt, thay đổi phù hợp với tình hình thực tế.

 

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cơ quan xây dựng Dự án cần đặc biệt chú ý đến việc dự tính công tác đảm bảo an toàn cho hoạt động của tàu cao tốc.

 

Dự án này phù hợp với lộ trình phấn đấu thực hiện mục tiêu đến 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp nên sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 để xem xét, quyết định.

(THEO CHINHPHU.VN)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên