Siết chặt an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán
Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, để ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, các cơ quan, ban ngành đã đồng loạt thanh, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh các nhóm thực phẩm, như: Bánh kẹo, nước giải khát, thịt, trứng, nông sản… và các cơ sở dịch vụ ăn uống.
Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát
Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm, hàng hóa có xu hướng tăng cao. Bên cạnh những cơ sở sản xuất uy tín, không ít nơi vẫn còn bày bán mặt hàng chưa được kiểm định, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí sản xuất trong điều kiện mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thống kê trong năm 2024, ngành y tế tỉnh đã tổ chức kiểm tra 15.004 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, qua đó phát hiện 1.645 lượt cơ sở vi phạm. Trong tổng số 1.645 lượt cơ sở vi phạm, ngành nhắc nhở 1.308 cơ sở, phạt tiền 280 cơ sở với tổng số tiền 1,7 tỷ đồng. Cùng với kiểm tra, ngành còn tiến hành giám sát mối nguy cơ của 5.770 mẫu thực phẩm các loại, tăng 7% so với cùng kỳ. Kết quả, ngành phát hiện 105 mẫu không đạt.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh, cho biết dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao, đây cũng là thời điểm có nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. “Thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng nhằm hạn chế các bệnh truyền nhiễm, các vụ ngộ độc thực phẩm, góp phần làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân”, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương nhấn mạnh.
Chú trọng các mặt hàng phục vụ tết
Bắt đầu từ cuối tháng 12- 2024 đến ngày 12-2-2025, Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường và các ngành chức năng liên quan tiến hành thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh các mặt hàng thực phẩm sử dụng nhiều trong dịp tết và mùa lễ hội xuân. Điển hình là các nhóm thực phẩm, như: Các loại quả, bánh kẹo, nước giải khát, thịt, trứng, nông sản, trà, cà phê... Đặc biệt, các đoàn công tác sẽ kiểm tra ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
Theo phân cấp quản lý, Sở Y tế kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, quán ăn; bảo đảm ATTP phục vụ các sự kiện, lễ hội do tỉnh tổ chức. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm kiểm tra chợ đầu mối, kho lạnh nông sản, lò mổ. Sở Công thương và Cục Quản lý thị trường kiểm tra các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ. Cùng với đợt ra quân tuyến tỉnh, 9 huyện, thành phố cũng thành lập đoàn kiểm tra theo phân cấp quản lý để siết chặt ATTP dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội.
Năm nay, hoạt động kiểm tra sẽ tập trung vào 4 nhóm nội dung chính, gồm: Việc công bố, quảng cáo sản phẩm thực phẩm; các điều kiện ATTP của cơ sở sản xuất, kinh doanh; đánh giá chất lượng ATTP và xử lý đối với các nguyên liệu, phụ gia, thực phẩm quá hạn sử dụng. Trong quá trình kiểm tra, khi đánh giá chất lượng ATTP, đoàn kiểm tra sẽ lấy mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn theo quy chuẩn hiện hành, nhất là quy định về giới hạn các chất ô nhiễm thực phẩm và kiểm nghiệm mẫu được thực hiện tại các Trung tâm Kiểm nghiệm ATTP đạt chuẩn ISO IEC 17025.
“Các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành khi phát hiện vi phạm thì xử lý theo đúng quy định của pháp luật; tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm ATTP, không rõ nguồn gốc, không nhãn mác hoặc có các vi phạm khác lưu thông trên thị trường. Quan điểm của tỉnh là xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, không bao che, kiên quyết không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống không bảo đảm điều kiện ATTP tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện các biện pháp khắc phục có hiệu quả”. (Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm tỉnh) |
KIM HÀ