Khi năm học mới bắt đầu, ngoài các khoản mua sắm cho con em, nhiều phụ huynh còn quan tâm đến các khoản thu của nhà trường, trong đó có những khoản thu bắt buộc và khoản đóng góp tự nguyện. Các khoản đóng góp đầu năm học luôn tạo áp lực nhất định cho phụ huynh, nhất là với phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn.
Ngay từ đầu năm học, ngành GD-ĐT các địa phương đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các em HS nhằm san sẻ gánh nặng đầu năm học với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trong ảnh: UBND huyện Bàu Bàng trao học bổng cho các em HS nghèo đầu năm học 2022-2023
Tăng cường quản lý
Cứ mỗi đầu năm học, việc dồn dập các khoản thu khiến cho nhiều phụ huynh cảm thấy áp lực. Ở một số trường tiểu học và THCS, nhiều phụ huynh cũng phản ánh và hoang mang trước các yêu cầu của nhà trường, như: Yêu cầu học sinh (HS) phải đi giày bata trắng, không cho đi dép; chỉ mang quần xanh đen hay chỉ mang cặp, không mang ba lô khi đi học ở trường… Nếu mua sắm theo đúng yêu cầu thì phụ huynh cũng phải tốn một khoản kha khá. Điều này sẽ gây áp lực cho phụ huynh bởi vào đầu năm học họ đã phải chi quá nhiều cho một loạt các khoản cần thiết như sách vở, áo quần, đồ dùng học tập...
Để khắc phục tình trạng đó, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) cũng đã đưa ra hàng loạt các quy định nhằm tăng cường công tác quản lý thu chi năm học, ngăn chặn triệt để tình trạng lạm thu đầu năm học mới. Đầu mỗi năm học, Sở GD-ĐT đều tổ chức họp triển khai quán triệt về các khoản thu. Sở cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện các khoản thu đầu năm học theo đúng quy định, nhất là những khoản thu trên tinh thần tự nguyện. Sở GD-ĐT cũng đã ban hành Công văn số 1890/SGDĐT-KHTC đề nghị UBND các huyện, thị, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc theo phân cấp quản lý, các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc sở tạm thời chưa thu học phí năm học 2022-2023 cho đến khi có thông báo mới.
Các trường mầm non và phổ thông dân lập, tư thục sẽ thực hiện theo Nghị định số 81/2021/ NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực GD-ĐT. Theo đó, các cơ sở giáo dục dân lập và tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và giá các dịch vụ khác trong lĩnh vực GD-ĐT (trừ dịch vụ do Nhà nước định giá) bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý, nhưng không được tăng quá 10% so với năm học trước. Các cơ sở giáo dục phải có trách nhiệm công khai, giải trình với người học và xã hội về mức thu học phí, giá các dịch vụ do mình quyết định.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết Sở GD-ĐT sẽ sớm có văn bản chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học. Với các trường công lập, phải thu theo chỉ đạo của tỉnh, đối với các khoản nếu có thể tiết kiệm được cho phụ huynh thì các trường cần phải thực hiện. Các trường ngoài công lập thì thu theo thỏa thuận giữa nhà trường với cha mẹ HS. Các khoản thu phát sinh phải có sự đồng ý của Ban đại diện cha mẹ HS và không được ép buộc. Sở cũng đã đề nghị các trường không thu tất cả các khoản trong cùng một thời điểm, giãn các khoản thu thành nhiều đợt nhằm giảm áp lực cho phụ huynh, đặc biệt những phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn.
Tìm tiếng nói chung
Năm học mới với HS và cả phụ huynh trường THCS Nguyễn Trung Trực ở phường An Thạnh, TP.Thuận An không quá căng thẳng với các khoản đóng góp đầu năm học. Năm học này, trường chỉ có 2 khoản thu bắt buộc và 4 khoản thu tự nguyện. Khoản bắt buộc gồm học phí và bảo hiểm y tế, nhà trường chưa thu. Hiện tại, nhà trường có 4 khoản thu tự nguyện đó là: Tiền nước uống 10.000 đồng/tháng/em; bảo hiểm tai nạn 150.000 đồng; phiếu liên lạc điện tử 80.000 đồng/năm/em và quỹ khuyến học khuyến tài 15.000 đồng/phụ huynh. Với khoản thu bảo hiểm tai nạn và sổ liên lạc điện tử nhà trường sẽ không trực tiếp thu mà giao cho các đơn vị hợp tác triển khai thu theo nhu cầu của phụ huynh và tất cả các khoản sẽ tiến hành thu giãn cách trong tháng 10 và tháng 11.
Cô Nguyễn Thanh Thúy, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Trung Trực, cho biết vào năm học mới nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh để thống nhất các khoản thu đầu năm rồi trình UBND phường và Phòng GD-ĐT phê duyệt, khi đó nhà trường mới thông báo công khai các khoản thu để phụ huynh không phải quá lo lắng về các khoản đóng góp. Nhà trường quán triệt tới tất cả giáo viên, phụ huynh ngay từ đầu năm sẽ không thu quỹ lớp, quỹ cha mẹ HS và tiền cơ sở vật chất dưới bất kỳ hình thức nào.
Đầu mỗi năm học, Sở GD-ĐT đều tổ chức họp triển khai quán triệt về các khoản thu. Sở cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện các khoản thu đầu năm học theo đúng quy định, nhất là những khoản thu trên tinh thần tự nguyện |
Còn tại trường Tiểu học An Phú, TP.Thuận An, HS đến trường mặc đồng phục suốt tuần nhưng không phải của nhà trường bán mà phụ huynh tự mua theo hướng dẫn của nhà trường theo mẫu quần màu tối, áo sơ mi màu trắng. Thậm chí nhà trường còn phát miễn phí phù hiệu có ghi tên trường, tên lớp để phụ huynh về tự may lên áo cho con mình. Thầy Nguyễn Thành Sơn, Hiệu trưởng trường Tiểu học An Phú, cho biết: “Năm học này nhà trường chỉ thu 1 khoản bắt buộc là bảo hiểm y tế và 1 khoản tự nguyện là nước uống cho HS với mức thu 50.000 đồng/em/năm. Với bảo hiểm y tế, nhà trường sẽ hỗ trợ 100% cho các em HS có hoàn cảnh khó khăn và mồ côi trong đợt dịch Covid-19 vừa qua. Cũng như mọi năm, nhà trường cũng nói không với tất cả các loại quỹ và các nguồn xã hội hóa khác”.
Chị Trần Thị Khuyên ở phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một tâm sự: “Năm nay nhà có 2 đứa con học cấp 2 và cấp 3 nên vào đầu năm học sẽ có rất nhiều khoản mà chúng tôi phải chi. Bước vào năm học mới, chúng tôi luôn mong muốn nhà trường sẽ thực hiện tốt việc công khai, minh bạch các nguồn thu để phụ huynh được biết. Dù biết khi vào năm học sẽ có rất nhiều thứ phải lo nhưng chúng tôi đều mong muốn con em mình có môi trường học tập và rèn luyện tốt. Nếu các trường thực hiện tốt việc đó, chúng tôi luôn sẵn sàng đóng góp và đồng hành với nhà trường”.
Có thể thấy, các khoản đóng góp đầu năm học cho HS luôn tạo áp lực với phụ huynh, nhất là với phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cách làm để giải quyết vấn đề này khi phụ huynh và nhà trường phải tìm được tiếng nói chung, cùng nhau chia sẻ khó khăn.
HỒNG PHƯƠNG