Cùng với việc đẩy mạnh đầu tư phát triển du lịch đường sông, xây dựng bến Dầu Tiếng tại xã Định Thành, UBND huyện Dầu Tiếng siết chặt công tác quản lý điểm du lịch tự phát và hướng dẫn các xã, thị trấn thành lập Tổ quản lý hoạt động du lịch sinh thái dã ngoại.
Suối Trúc (xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng) là điểm đến lý tưởng cho du khách vào ngày cuối tuần. Ảnh: HUỲNH ANH TRUNG
Siết chặt quản lý điểm du lịch tự phát
Gần đây, tại vùng đất bán ngập của hồ Dầu Tiếng, các điểm du lịch tự phát nở rộ. Lực lượng Công an (CA) huyện và các xã siết chặt công tác quản lý, thậm chí mạnh tay xử phạt vi phạm tại các điểm này. Điển hình như CA xã Định Thành đã xử phạt vi phạm hành chính 4 triệu đồng với bà Đ.T.L, ngụ ấp Tha La, xã Định Thành vì tự ý thu tiền cắm trại của khách du lịch trên đất bán ngập tại ấp Tha La. Hay tại xã Định An, qua kiểm tra, CA xã phát hiện bà P.T.N.H. thường trú TX.Bến Cát mở dịch vụ ăn uống, xây dựng hồ nước nhân tạo, dựng nhà tiền chế thuộc hành lang bảo vệ hồ Dầu Tiếng...
Theo thống kê của CA huyện Dầu Tiếng, tính đến ngày 20-9, trên địa bàn xã có trên 14 hộ gia đình và cá nhân kinh doanh du lịch tự phát. Các hoạt động của các hộ được CA huyện xác định là xây dựng nhà ở, nhà sàn kinh doanh các dịch vụ ăn uống, cho thuê võng, chỗ cắm trại, mái che dã ngoại, ngắm cảnh. Ngoài ra, qua nắm bắt địa bàn, lực lượng CA cũng phát hiện tại ấp Đồng Sến xã Định An có 3 hộ kinh doanh ăn uống và cho thuê bãi cắm trại. 3 điểm này chưa bảo đảm điều kiện kinh doanh dịch vụ nên UBND xã Định An đã buộc tạm ngưng hoạt động và đang làm thủ tục theo quy định để bảo đảm hoạt động.
Trên cơ sở Quyết định số 06/QĐ-UBND ngày 10-1- 2022 của UBND huyện về ban hành tạm thời về quản lý hoạt động du lịch sinh thái, dã ngoại trên địa bàn huyện Dầu Tiếng, UBND xã Định Thành và xã Định An khẩn trương phối hợp với các cơ quan, ban ngành có liên quan thực hiện quản lý hoạt động du lịch sinh thái, dã ngoại trên địa bàn xã theo đúng tinh thần Quyết định số 06. Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển du lịch huyện cũng hướng dẫn xã Định Thành, Định An thực hiện tốt hơn công tác quản lý các điểm du lịch sinh thái tự phát trên địa bàn. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng cho biết: “UBND huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường quản lý các điểm du lịch tự phát, thường xuyên tuyên truyền đến du khách về những nguy cơ mất an toàn. UBND huyện cũng hướng dẫn các xã, thị trấn thành lập Tổ quản lý hoạt động du lịch sinh thái dã ngoại và đang trong quá trình xây dựng quy chế để quản lý hiệu quả hơn”.
Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn huyện Dầu Tiếng có 1 khách sạn, 27 hộ kinh doanh nhà nghỉ lưu trú du lịch với 294 phòng. Trong đó có 6 hộ được công nhận cơ sở lưu trú du lịch đạt chuẩn với quy mô cơ sở từ 5 - 10 phòng và có 2 cơ sở trên 20 phòng. Từ đầu năm đến nay, các nhà nghỉ trên địa bàn huyện đón 1.328 lượt khách. Cũng từ đầu năm đến nay, Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Quản lý đô thị, Ban Quản lý di tích lịch sử huyện tiến hành khảo sát hiện trạng các di tích trên địa bàn huyện. Qua khảo sát, các di tích Núi Cậu, rừng Kiến An là 2 di tích thu hút du khách và có lượt người tham quan đông nhất. Chỉ tính riêng Khu du lịch sinh thái Núi Cậu hồ Dầu Tiếng đã thực hiện bán vécho 111.000 lượt người đến tham quan. Do đó, Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển du lịch huyện đề xuất UBND huyện cần ưu tiên sửa chữa, nâng cấp nhà vệ sinh công cộng gần cổng chùa Thái Sơn, mở rộng cổng bán vé, bãi giữ xe; đặc biệt cần thường xuyên bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp các di tích để phát huy giá trị khai thác phục vụ du lịch, xây dựng kế hoạch quản lý, bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy rừng.
Xây dựng bến Dầu Tiếng
Mục tiêu của huyện Dầu Tiếng là phấn đấu phát triển du lịch hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ, giải pháp đề ra phải bảo đảm đúng tiến độ, lộ trình. “Hiện huyện đang ưu tiên nguồn lực thích hợp để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối các khu, điểm du lịch, trong đó ưu tiên xây dựng các bến cảng hành khách trên tuyến sông Sài Gòn kết hợp phục vụ khách tham quan. Điểm nhấn nổi bật là đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ (bãi đỗ xe, phương tiện trung chuyển, nhà vệ sinh đạt chuẩn, điện, nước, viễn thông, các trạm dừng nghỉ chân phục vụ du khách). Huyện cũng sẽ hoàn chỉnh xây dựng các tuyến đường kết nối ở xã Thanh Tuyền đến các vườn cây ăn trái. Đặc biệt, trên địa bàn huyện có 13 hộ có vườn măng cụt tại xã Thanh Tuyền và Thanh An được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nơi đây đang hình thành các điểm dừng chân phục vụ và thu hút du khách”, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết thêm.
Song song đó, huyện Dầu Tiếng cũng chú trọng phát triển các tuyến và các sản phẩm du lịch đường sông. Huyện đã rà soát các dự án xây dựng bến Dầu Tiếng với điểm dừng tại xã Định Thành. Tuy nhiên, hiện nguồn vốn đầu tư bến Dầu Tiếng của huyện còn hạn chế. Huyện đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ xây dựng bến hành khách phục vụ khách du lịch tham quan danh thắng Núi Cậu - lòng hồ Dầu Tiếng kết hợp với du lịch sinh thái đường sông.
KIM HÀ - TÚ BÌNH