Cục ATVSTP (Bộ Y tế) cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, 1.856 đoàn thanh tra, kiểm tra VSATTP trong cả nước đã kiểm tra được 46.741 cơ sở kinh doanh thực phẩm, trong đó có 12.948 cơ sở vi phạm.
Theo nhận định của Cục ATVSTP, sau Tết, thực phẩm không an toàn lại tiếp tục quay lại thị trường, do đó các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý.
Khó kiểm dịch gia cầm
Mới đây, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tính đến ngày 13.2 (tức 30 Tết Canh Dần), dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại tỉnh Nam Định. Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại tỉnh Nam Định.
Tính đến thời điểm này, cả nước đang có 7 tỉnh có dịch cúm gia cầm: Cà Mau, Điện Biên, Sóc Trăng, Kon Tum, Quảng Trị, Nghệ An và Nam Định. Với thời tiết thay đổi thất thường này, dự báo về khả năng lây lan của dịch cúm gia cầm trên diện rộng tại nhiều địa phương là rất lớn.
Trong khi đó, dịp rằm tháng Giêng sắp tới cũng là thời điểm nhu cầu thực phẩm của người dân tăng cao, vì vậy nếu việc giết mổ gia cầm không được quản lý chặt thì nguy cơ dịch bệnh sẽ bùng phát trở lại.
Công tác kiểm tra VSATTP sẽ được siết chặt những ngày sau Tết
Tại nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội thì hiện tượng gia cầm sống hoặc được giết mổ tại chỗ vẫn được bày bán công khai, gia cầm không có giấy kiểm dịch động vật... Hiện nay, Hà Nội có 14 cơ sở giết mổ tập trung và 355 chợ có liên quan đến kinh doanh thịt gia súc gia cầm. Vào những ngày sau Tết, đặc biệt là rằm tháng Giêng, thì lượng tiêu thụ gia cầm tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường (khoảng 500-600 tấn/ngày).
Để kiểm soát tình trạng trên, Chi cục Thú y Hà Nội đã triển khai 9 chốt kiểm dịch động vật liên ngành hoạt động 24/24h tại 9 cửa ngõ của Thủ đô, gồm Ngọc Hồi, Phú Xuyên, Hà Vĩ, Dốc Lã, Trung Giã, Trung Hà, Ba La, Hải Bối, Thịnh Liệt.
Mỗi chốt kiểm dịch có đủ các lực lượng liên ngành như quản lý thị trường, công an và thú y nhằm tăng cường kiểm soát động vật, sản phẩm động vật, gia cầm và các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ vào nội thành Hà Nội.
Tuy nhiên, ở hầu hết các chợ cóc, chợ tạm, tình trạng kinh doanh gia cầm sống diễn ra công khai. Cụ thể, tại khu vực chợ Hôm, mỗi ngày vẫn có khoảng 6-7 điểm bày bán gia cầm sống và dịch vụ giết mổ tại chỗ là 10-15.000 đồng/con.
Siết chặt VSATTP
Theo báo cáo của 41 địa phương, sau khi kiểm tra, các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý vi phạm là 2.353 cơ sở với tổng số tiền phạt là 1.042.480.000 đồng. Ngoài việc xử phạt, các địa phương đã kiên quyết tiêu hủy các sản phẩm không đảm bảo chất lượng VSATTP với tổng số 489 cơ sở có sản phẩm bị hủy.
Một số địa phương đã xử lý rất kiên quyết các vi phạm như TP.HCM, Hà Nội, Vĩnh Long, Gia Lai, Thái Bình, Quảng Nam, các địa phương như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Thọ, Quảng Trị, Trà Vinh, Yên Bái... chỉ dừng lại ở “nhắc nhở” các cơ sở vi phạm.
Mới đây, Hà Nội đưa ra dự thảo quyết định về việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về ATVSTP TP Hà Nội với sự tham gia của 9 sở, ngành.
Trong đó, Sở Y tế chịu trách nhiệm quản lý các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Sở NN&PTNT quản lý sản xuất rau an toàn, cơ sở giết mổ, bảo quản, sơ chế, kho bảo quản lạnh động vật và rau, củ, quả; kiểm soát thú y đối với các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, vận chuyển và sử dụng thịt tươi gia súc, gia cầm thủy, hải sản sống, rau, củ, quả tại nhà hàng, chợ, siêu thị; kiểm soát dư lượng thuốc hóa chất bảo vệ thực vật đối với rau, củ, quả.
Sở Công thương quản lý hoạt động giết mổ, chế biến, lưu thông, buôn bán thịt gia súc, gia cầm, thủy sản liên quan đến thực phẩm. Sở VHTTDL quản lý ATVSTP trong các khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, lễ hội... Ngày 25-2 tới, dự thảo này sẽ được chỉnh sửa và báo cáo để Hà Nội sớm ban hành.
Theo Văn hóa