“Siêu sao cuối cùng” của nền chính trị quốc tế

Cập nhật: 29-07-2010 | 00:00:00

Ignacio Ramonet, ký giả nổi tiếng người Tây Ban Nha hiện là Tổng biên tập kiêm cây bút chủ lực của tạp chí Le Monde diplomatique (Thế giới ngoại giao) phát hành hàng tháng tại Paris (Pháp). Tạp chí cựu trào này xuất bản bằng 26 thứ tiếng - qua 38 bản báo in cùng tổng số 2,2 triệu ấn bản mỗi kỳ; chưa kể 33 bản báo điện tử khác. Dưới đây là bài viết của ông nhân kỷ niệm 84 năm ngày sinh của Chủ tịch Cuba Fidel Castro (13.8.1926 – 13.8.2010).

 

Fidel Castro là một trong số ít người, cùng với tên tuổi và vốn sống của mình đã trở thành một phần của lịch sử Cuba. Ông là "siêu sao" cuối cùng của nền chính trị quốc tế. Ông là một phần thuộc thế hệ những nhà cách mạng huyền thoại - Hồ Chí Minh, Patrick Lumumba, Amilkar Kabral, Carlos Margiela, Camilo Torres, Mehdi Ben Barka Nelson Mandela...

  Ký giả Ignacio Ramonet (trái) với Fidel Castro.

Kể từ năm 1960 trở lại đây, Hoa Kỳ đã áp dụng đường lối cấm vận thương mại và tiến hành cuộc chiến tranh tư tưởng chống lại Havana. Bất chấp điều đó, nhà nước nhỏ bé của Fidel nhỉnh hơn 100 nghìn cây số vuông với 11 triệu dân đã đạt tới trình độ cao trong lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe, y học và thể thao, khiến các quốc gia phát triển cũng phải giật mình ganh tị. Cuba giờ đây không lệ thuộc vào bất cứ cường quốc nào.

 

Một vài nhà phân tích tiên liệu rằng, nếu một mai Fidel Castro qua đời sẽ tạo ra sự rệu rã của chính quyền y như tại Đông Âu sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Họ đã nhầm. Ở Đông Âu là một hệ thống được áp đặt từ bên ngoài và không được lòng dân, tự sụp đổ trong khoảng thời gian cực ngắn. Tại Cuba, nhận định của những kẻ chống đối Fidel trở nên vô nghĩa, lòng trung thành của đa phần dân trong nước với cách mạng là điều miễn bàn cãi. Đó là lòng trung thành dựa trên chủ nghĩa yêu nước.

 

Giờ đây khi đã được hoàn toàn độc lập, Cuba liên kết với phong trào cánh tả quốc tế trong cuộc đương đầu với chủ nghĩa tự do mới. Giữa bối cảnh địa chính trị mới, cách mạng Cuba vẫn là đích nhắm của hàng triệu người, bất chấp những khiếm khuyết của mình (khó khăn kinh tế, đội ngũ quản lý ít kinh nghiệm, sự thiếu thốn điện và thực phẩm, vấn đề giao thông...). Đó là niềm tin cơ bản ở châu Mỹ Latinh, nơi mà sau thắng lợi bầu cử của Hugo Chávez ở Venezuela hồi năm 1998, các ứng viên tiến bộ đã lần lượt lên nắm quyền sau bầu cử: Kirchner tại Argentina, Lula ở Brazil, Vázquez tại Uruguay, Torrijos ở Panama, Préval tại Haiti, Bachelet ở Chile, Morales tại Bolivia, Ortega ở Nicaragua và Correa tại Ecuador. Tình thế hoàn toàn mới.

 

Cho đến thời gian gần đây, đảo chính quân sự hoặc sự can thiệp trực tiếp của Hoa Kỳ thường không đạt được ý đồ cuối cùng. Bởi vì sau cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991, Hoa Kỳ đã hướng những mục tiêu địa chính trị của mình về phía Trung Đông, hay đúng hơn về nguồn dầu mỏ tại đó. Ở châu Mỹ Latinh, những thay đổi về mặt đường lối chính trị ấy đã dẫn tới sự bùng nổ của các thể nghiệm cánh tả và không cho phép bị chà đạp ngay từ trứng nước.

 

Đúng là vì sức khỏe bản thân nên Fidel Castro đã rút lui khỏi chính quyền từ cuối tháng 2-2008. Nhưng ông hiển nhiên sẽ tiếp tục chỉ đạo các bí quyết tác động tới đường hướng phát triển độc đáo của Cách mạng Cuba.

 

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên