Sau khi giá xăng tăng cao, các mặt hàng thiết yếu ở chợ truyền thống trên địa bàn đã thiết lập mặt bằng giá mới vì ảnh hưởng giá đầu vào tăng. Để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, một số doanh nghiệp (DN), nhà phân phối tham gia chương trình bình ổn giá của tỉnh vẫn đang nỗ lực kìm giá để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.
Khách hàng mua sắm tại siêu thị Aeon Mall Bình Dương
San sẻ gánh nặng tiêu dùng
Ghi nhận của phóng viên tại các chợ đầu mối và các cửa hàng tiện ích nhỏ, nhiều mặt hàng thiết yếu đã được điều chỉnh tăng giá bán. Cụ thể, một số mặt hàng rau củ quả tại các chợ đã tăng giá từ 10 - 15%. Cụ thể, sau khi tăng giá, thịt gà ta ở mức 95.000 đồng/kg, thịt gà Tam Hoàng ở mức 67.000 đồng/kg, gà công nghiệp ở mức 45.000 đồng/kg. Giá các loại trứng gia cầm cũng được điều chỉnh tăng từ 6 - 7%, lên 29.500 đồng/ chục (giá cũ 28.000 đồng) đối với trứng gà và 35.000 đồng/chục (giá cũ 33.000 đồng) đối với trứng vịt...
Chính vì vậy, thời gian qua tại các siêu thị trên địa bàn một số mặt hàng như dầu ăn, nước giặt, nước lau sàn, rau củ, thịt cá… được khách hàng đến mua đông vì giá cả bình ổn, thêm vào đó còn có chương trình giảm giá. Chị Nguyễn Thị Hà, khách hàng ở TP.Thuận An cùng chồng đến siêu thị Aeon trong ngày đầu tuần tỏ ra rất vui vì chương trình khuyến mại. “Tôi mua được rất nhiều sản phẩm phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của gia đình với mức giá giảm từ 10 - 15% so với bình thường, nhất là rau củ quả và các loại nông sản. Việc các siêu thị giữ giá, khuyến mại trong thời điểm “bão giá” như hiện nay mang lại rất nhiều lợi ích cho người tiêu dùng”, chị Hà nói.
Để bình ổn thị trường, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, các DN, chuỗi phân phối đang khẩn trương đưa ra giải pháp kìm giá hàng hóa, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Ông Võ Văn Lớt, Giám đốc siêu thị Aeon Mall Bình Dương, cho biết Aeon Mall nỗ lực giữ giá tốt nhất cho khách hàng. Trước tết đến nay, các DN gặp khó khăn về vận chuyển, nhân công, nguyên liệu… Tuy vậy, một số sản phẩm trong chương trình bình ổn giá của tỉnh vẫn không tăng giá bán mà đang kìm giữ. Các nhà cung cấp đã đề nghị tăng giá, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, giá vẫn đang được bình ổn do hợp đồng ký kết từ trước. Siêu thị cũng kiên quyết nói không với các đề nghị tăng giá bất hợp lý nhằm bảo đảm lợi ích cho người tiêu dùng và thực hiện tốt công tác bình ổn giá cả thị trường. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng.
“Hơn 40.000 sản phẩm và 2.000 nhà cung cấp của chúng tôi hiện tại vẫn cam kết chưa tăng giá bán. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục làm việc với tất cả các chuỗi cung ứng trong nước và nhập khẩu để đưa ra được một mức giá hợp lý nhất cho người tiêu dùng ngành hàng thực phẩm. Đối với các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô (gạo, mì, dầu ăn..), khoảng 5% nhà cung cấp đề nghị tăng giá với mức tăng trung bình từ 5 - 10%. Tuy vậy, chúng tôi vẫn đang tiếp tục nỗ lực đàm phán để giữ nguyên mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng, đồng thời chấp nhận giảm biên độ lợi nhuận. Đối với các đơn vị cung ứng quyết tăng giá, một số loại hàng hóa nhập khẩu tăng cao chúng tôi sẽ thay thế bằng các mặt hàng cùng loại, giá tốt …”, ông Lớt cho hay.
Giữ ổn định thị trường
Theo Sở Công thương, hiện tại phần lớn các mặt hàng tiêu dùng trong hệ thống bình ổn trên địa bàn vẫn chưa tăng giá đột biến. Sức tiêu thụ của người tiêu dùng vẫn ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 4 ước tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 15,9% so với cùng kỳ, lũy kế 4 tháng đầu năm tăng 10,7% so với cùng kỳ. Các đơn vị tham gia bình ổn giá theo cam kết với Sở Công thương vẫn giữ giá ổn định. “Tổng mức bán lẻ của Bình Dương những tháng đầu năm ghi nhận tăng trưởng khá, đó là thực tế tích cực trong tình hình thị trường có nhiều biến động. Ngành công thương sẽ chỉ đạo các DN sản xuất, các hệ thống phân phối đưa ra chương trình khuyến mại, kích cầu, tri ân với người tiêu dùng, giảm lợi nhuận để thu hút đông đảo người tiêu dùng tham gia mua sắm, phấn đấu đạt mục tiêu tổng mức bán lẻ trong năm nay”, bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết.
Theo ông Võ Nhất Vũ, Giám đốc siêu thị BigC Bình Dương, đến thời điểm này giá xăng dầu liên tục tăng cao khiến giá cả hàng hóa đầu vào cũng tăng mạnh. Trước áp lực này siêu thị đã chủ động phối hợp với các nhà cung cấp, nhãn hàng để kìm giá cả, đặc biệt là giá các mặt hàng thiết yếu. Đối với những mặt hàng đã được điều chỉnh tăng giá nhưng vẫn bảo đảm thấp hơn giá thị trường ít nhất từ 5 - 10%. Việc điều chỉnh giá chỉ được chấp nhận khi phù hợp, bảo đảm hài hòa quyền lợi DN và người tiêu dùng, có lộ trình cụ thể, thương lượng giá hàng ngày với các đối tác để cùng nhau đề xuất mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng và liên tục đưa ra các chương trình kích cầu. “Chúng tôi vẫn đang tiếp tục nỗ lực đàm phán với nhà cung cấp để giữ nguyên mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng, đồng thời chấp nhận giảm biên độ lợi nhuận để đồng hành cùng khách hàng”, ông Vũ cho biết.
Các DN cung ứng cũng kỳ vọng chính sách điều hành giá của Chính phủ cũng như việc giảm thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường sẽ giúp giảm bớt được gánh nặng chi phí sản xuất, giúp DN có thể giữ vững giá cả, giữ vững thị trường trong nước trong bối cảnh nhiều khó khăn như hiện nay.
TIỂU MY - CẨM TÚ