Ngày 26-4, tại siêu thị BigC Miền Đông, quận 10 – TPHCM, một số khách hàng đến quầy hàng thực phẩm tìm mua loại bánh mình yêu thích nhưng chỉ nhìn thấy dòng chữ “hết hàng vì BigC từ chối yêu cầu tăng giá không hợp lý từ nhà cung cấp”.
Tìm hàng khác thay thế
Tương tự, một số quầy hàng khác trong siêu thị này cũng bị bỏ trống do hết hàng hoặc tạm ngưng bán sản phẩm. Tình trạng trên xảy ra đối với một số nhóm sản phẩm như sữa, bánh kẹo, hóa mỹ phẩm, đồ dùng chăm sóc cá nhân… Bảng thông báo: “Do BigC từ chối yêu cầu tăng giá không hợp lý từ nhà cung cấp, một số nhà cung cấp đã ngừng giao hàng dẫn đến việc thiếu hàng trong siêu thị. BigC tiếp tục nỗ lực đàm phán bình ổn giá với các nhà cung cấp để nhanh chóng phục vụ trở lại những mặt hàng này” được đặt ngay cửa chính ra vào của siêu thị...
Nhân viên phụ trách mặt hàng thực phẩm của BigC Miền Đông cho hay trong đợt tăng giá vừa qua, thực phẩm là mặt hàng tăng giá cao nhất. Các nhà cung cấp liên tục yêu cầu tăng giá bán khiến siêu thị phải cân nhắc thay đổi giá liên tục nhưng trong mức độ hợp lý. Chỉ riêng mặt hàng thực phẩm ở siêu thị này đã có khoảng 360 nhà cung cấp.
BigC treo bảng thông báo từ chối tăng giá không hợp lý từ nhà cung cấp ngay cửa chính Tình trạng nhà cung cấp ngừng giao hàng cho hệ thống BigC đã xảy ra nhiều ngày nay. Giải thích điều này, giám đốc đối ngoại siêu thị BigC, bà Dương Thị Quỳnh Trang, cho biết BigC không phải là đơn vị quyết định việc tăng giá hay giảm giá. Giá cả được quyết định bởi các nhà sản xuất, nhà cung cấp; BigC chỉ là nhà phân phối với vai trò làm sao để có thể kìm hãm việc tăng giá với mức thấp nhất có thể, trong đó có việc đàm phán với nhà cung cấp để có mức giá hợp lý mà khách hàng chấp nhận được. Do đó, trước các yêu cầu tăng giá, BigC đều nghiên cứu kỹ lưỡng xem mức tăng có hợp lý không. Hiện các thỏa thuận này chưa đạt được nên nhà cung cấp tạm thời ngưng giao hàng...“Siêu thị thông báo đến khách hàng để biết và có sự lựa chọn sản phẩm khác để thay thế. Hiện siêu thị có hơn 50.000 mặt hàng để khách hàng lựa chọn trong quá trình đàm phán với nhà cung cấp” – đại diện BigC nói.
Mục đích không để “làm căng”
Không chỉ riêng BigC, hiện nhiều siêu thị khác cũng sẵn sàng nói “không” với việc tăng giá không hợp lý. Ông Ngô Văn Hải, Phó Giám đốc kinh doanh hệ thống Citimart, cho biết siêu thị thẳng thừng từ chối các yêu cầu tăng giá chưa hợp lý từ phía nhà cung cấp. Tại Citimart, khi có yêu cầu tăng giá, các nhà cung cấp sẽ gửi công văn đến trước và thông báo ngày áp giá mới nếu siêu thị đồng ý. “Chỉ mặt hàng nào siêu thị cảm thấy khách hàng chấp nhận được về giá cả, chất lượng thì mới nhập hàng. Hiện Citimart và các nhà cung cấp có những thỏa thuận ràng buộc nhau, nếu cảm thấy giá cao quá, hàng bán không được thì chúng tôi sẽ xuất trả lại cho nhà cung cấp” – ông Hải cho biết.
Lãnh đạo Citimart cũng cho rằng siêu thị không có ý định “làm căng” với yêu cầu tăng giá nếu có lý do chính đáng. Bởi trong tình hình kinh tế khó khăn, nhà cung cấp cũng có lý do chính đáng khi chi phí đầu vào, nguyên vật liệu tăng mạnh, trượt giá. Do đó, nếu ép quá thì nhà cung cấp không thể giao hàng cho mình...
Chặn nhà cung cấp “giở chiêu”
Ông Ngô Văn Hải cũng cho hay đã có một số nhà cung cấp “giở chiêu” bằng cách họ thông báo mặt bằng giá mới và yêu cầu được áp giá lên cả lượng hàng cũ đang bán trong siêu thị hoặc xin thu hồi hàng về rồi giao ngược trở lại cho siêu thị với mặt bằng giá mới. “Tất cả những yêu cầu vô lý này của nhà sản xuất, nhà cung cấp sẽ bị từ chối. Giá mới chỉ được áp dụng với các lô hàng mới, có ghi giá mới trên hóa đơn, còn lượng hàng cũ trong siêu thị vẫn được bán với giá cũ” – ông Hải cho biết thêm.
Theo NLĐ