Những năm qua, phong trào sinh vật cảnh (SVC) ở Bình Dương ngày càng phát triển. Đây vừa là thú chơi tao nhã, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, vừa mang lại nguồn thu nhập ổn định, cải thiện đời sống cho người dân.
Ông Nguyễn Tấn Lộc (phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một) cẩn thận tỉa từng chiếc lá, uốn nắn tạo ra dáng kiểng ưa thích
Giá trị kinh tế cao
Hiện trên địa bàn tỉnh có 15 câu lạc bộ chuyên ngành SVC, với trên 700 hội viên, sinh hoạt trong các lĩnh vực bonsai - tiểu cảnh, cây cảnh nghệ thuật, hoa lan, chim cảnh, cá kiểng… Nhiều hộ nông dân, hội viên hội SVC đã chuyển sang nuôi trồng và kinh doanh với quy mô lớn, hình thành các vùng trồng hoa, cây cảnh ở Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên với diện tích trên 100 ha. Các loại cây cảnh ngày càng phong phú, từ các loại cây xanh thiết kế cho sân vườn đến các loại tiểu cảnh để trang trí nhà cửa, văn phòng. Doanh thu từ SVC hàng năm đạt trên 10 tỷ đồng, đóng góp tích cực vào việc tăng giá trị cho ngành nông nghiệp địa phương. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn hình thành 50 cơ sở sản xuất các loại đôn, chậu phục vụ cho ngành hoa lan, cây cảnh, hàng năm cung cấp cho thị trường hơn 1 triệu sản phẩm các loại.
Ông Lê Văn Ngọc, Chủ tịch Hội SVC tỉnh, cho biết trong thời gian qua, Hội SVC tỉnh có nhiều chuyển biến khá tích cực, qua đó đã góp phần tăng gia sản xuất, đời sống nông dân được cải thiện, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả trên chính mảnh đất của mình. Thời gian tới, Hội SVC tỉnh tiếp tục củng cố về tổ chức, phát triển phong trào, mở các lớp đào tạo, nâng cao tay nghề cho hội viên, đồng thời đẩy mạnh phong trào trồng, chăm sóc cây xanh, cây tạo bóng mát trong khuôn viên các cơ quan, đơn vị, trường học, các di tích lịch sử - văn hóa, góp phần tạo cảnh quan môi trường trên địa bàn thêm xanh - sạch - đẹp. |
Tham quan vườn cây cảnh nghệ thuật của ông Nguyễn Tấn Lộc (phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một), một người đam mê và tâm huyết với cây kiểng, chúng tôi được biết để có một cây cảnh có giá trị kinh tế và tính thẩm mỹ cao, người làm cây cảnh phải có niềm say mê và sự khéo léo... Cẩn thận tỉa từng chiếc lá, uốn từng dáng thế rồi nâng niu những nhánh rễ non vừa mới buông khỏi thân cây để tạo ẩm, ông Lộc chia sẻ: “Khu vườn này có vài chục loại cây khác nhau. Để cho ra tác phẩm kiểng đẹp, ngoài niềm đam mê, người chơi kiểng cần phải đặt cái tâm của mình vào trong cây kiểng, tinh túy hơn là người chơi phải hiểu và nắm rõ thuộc tính của các loại cây để từ đó chăm sóc cũng như uốn nắn cây kiểng hợp theo các dáng kiểng mình yêu thích. Bên cạnh sự phá cách thế chơi kiểng hiện nay, tôi vẫn còn giữ những dáng cây cảnh bonsai cơ bản như trực, xiên, nghiêng…”.
Ông Lê Văn Ngọc, Chủ tịch Hội SVC tỉnh, cho biết trong thời gian qua, Hội SVC tỉnh có nhiều chuyển biến khá tích cực, qua đó đã góp phần tăng gia sản xuất, đời sống nông dân được cải thiện, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả trên chính mảnh đất của mình. “Thời gian tới, Hội SVC tỉnh tiếp tục củng cố về tổ chức, phát triển phong trào, mở các lớp đào tạo, nâng cao tay nghề cho hội viên, đồng thời đẩy mạnh phong trào trồng, chăm sóc cây xanh, cây tạo bóng mát trong khuôn viên các cơ quan, đơn vị, trường học, các di tích lịch sử - văn hóa, góp phần tạo cảnh quan môi trường trên địa bàn thêm xanh - sạch - đẹp”, ông Ngọc tâm sự.
Có thể nói, SVC là một ngành mang đầy đủ yếu tố kinh tế, văn hóa và bảo vệ môi trường. Thời gian qua, ngành này đã có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong tỉnh. SVC hiện nay không chỉ là thú chơi tao nhã, thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ giá trị văn hóa, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Hình thành vùng sản xuất
Nông nghiệp đô thị vùng phía nam Bình Dương nói chung và ngành SVC nói riêng đã và đang phát triển theo đúng định hướng, phù hợp với quy hoạch, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giúp chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến. Trên cơ sở này, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án “Hình thành vùng sản xuất và cung ứng các loại SVC vùng phía nam Bình Dương giai đoạn 2018-2022”. Chi cục Phát triển nông thôn là đơn vị chủ trì phối hợp các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các thị xã, thành phố vùng phía nam Bình Dương, các hội nghề nghiệp có liên quan, các hộ sản xuất và cung ứng SVC trên địa bàn các thị xã, thành phố.
Ông Nguyễn Phong Huy, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, cho biết hiện dự án thực hiện trong giai đoạn 2020-2022, ở các phường, xã, thị trấn thuộc TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên, TP.Thủ Dầu Một và TP.Thuận An. Các hạng mục triển khai dự án bao gồm: Hình thành các cơ sở giống SVC; hỗ trợ giống, vật tư sản xuất cho các hộ sản xuất SVC trên địa bàn; vận động và hỗ trợ thành lập các hội, hiệp hội SVC, tổ hợp tác, hợp tác xã SVC; phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua tổ chức và tham dự các triển lãm, hội thi SVC; mở các cửa hàng chuyên cung cấp SVC nhằm nâng diện tích canh tác, tạo vùng canh tác SVC đồng nhất về chất lượng, sử dụng giống và vật tư nông nghiệp có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm chất lượng nguồn giống mới, tiên tiến phù hợp thị hiếu thị trường từ đó xây dựng và phát triển vùng SVC phía nam Bình Dương đạt mục tiêu dự án đề ra.
Các hạng mục dự án xây dựng và tổ chức thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Lựa chọn các đối tượng là các hợp tác xã, trang trại sản xuất, kinh doanh lan, cá cảnh trên địa bàn có năng lực về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm để hỗ trợ thực hiện. Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí ban đầu để khuyến khích các đơn vị đầu tư. Thời gian sau, các đơn vị sản xuất, kinh doanh tự chủ trong việc quản lý, vận hành và chuyển giao kinh nghiệm cho người sản xuất khác.
Ông Lê Văn Ngọc chia sẻ thêm, hiện nay nhiều nhà vườn, nghệ nhân, nông dân đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng hoặc trồng xen các loại cây SCV để tạo thêm thu nhập. UBND tỉnh phê duyệt dự án hình thành vùng SVC phía nam là một việc làm hết sức có ý nghĩa, góp phần giúp SVC tỉnh nhà phát triển có giá trị kinh tế cao. Hiện Chi cục Phát triển nông thôn đang phối hợp cùng Hội SVC tỉnh triển khai dự án. Vì vậy, Hội SVC tỉnh có định hướng phát triển lâu dài, trong đó tập trung phát triển, hướng dẫn, tập huấn cho những người yêu thích SVC có thể biết về kỹ thuật, tạo dáng, để tạo ra những tác phẩm đẹp, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho người dân.
THOẠI PHƯƠNG