Sổ đỏ bị chủ nợ đem cầm cố!

Cập nhật: 13-11-2013 | 00:00:00

Vì cần tiền làm ăn nên anh Đoàn Đức Điền, SN 1977, ngụ xã An Điền, huyện Bến Cát mang 2 sổ đỏ thế chấp cho ông Lê Cao Cường, ngụ thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng để vay 30 triệu đồng. Khi có đủ tiền trả nợ, anh Điền gặp ông Cường chuộc lại thì biết 2 sổ đỏ này đã bị ông Cường mang đi thế chấp ở tiệm cầm đồ để vay 200 triệu đồng. Anh Điền làm đơn tố cáo, yêu cầu chủ tiệm cầm đồ phải trả sổ đỏ lại cho mình. Chủ tiệm cầm đồ thì tố ngược lại rằng; anh Điền và ông Cường đã cấu kết với nhau để lừa đảo mình!?

“Điêu đứng” khi chủ nợ bỏ trốn!

Trong đơn gửi đến Báo Bình Dương, anh Điền trình bày: Vào tháng 9- 2012, anh có vay của ông Cường 30 triệu đồng và thế chấp 2 sổ đỏ kèm theo bản sao chứng minh thư, sổ hộ khẩu. Vì tin tưởng nhau nên cả hai đã không làm bất cứ giấy tờ nào để xác nhận cho việc thế chấp này. Sau đó, anh Điền đã trả được 5 triệu đồng tiền gốc và rồi khi có đủ số tiền còn lại 25 triệu đồng, anh Điền tìm gặp ông Cường để tính toán trả hết nợ vay; đồng thời chuộc sổ đỏ đem về thì ông Cường vỡ nợ và đã bỏ trốn khỏi địa phương. Anh Điền tự tìm hiểu sự việc thì được biết: hai sổ đỏ của mình đã bị ông Cường mang đi thế chấp tại tiệm cầm đồ Thuận Phát, do ông Huỳnh Hữu Minh Tâm làm chủ; với số tiền 200 triệu đồng.

Anh Điền cho rằng ông Tâm cầm cố sổ đỏ không từ chính chủ là không đúng và yêu cầu trả lại Trong khi đó, ông Tâm thì tố ngược anh Điền và ông Cường đã cấu kết để lừa mình!

Ngày 11-7, anh Điền đã làm đơn gửi đến UBND thị trấn Dầu Tiếng yêu cầu giải quyết, hướng buộc ông Tâm phải trả lại cho anh 2 sổ đỏ. Ngày 24-7, UBND thị trấn Dầu Tiếng có buổi làm việc với ông Tâm và ông đã thừa nhận hiện giữ 2 sổ đỏ do anh Đoàn Đức Điền đứng tên. Sau đó, UBND thị trấn Dầu Tiếng cũng tổ chức hòa giải giữa hai bên nhưng không thành. Ông Tâm không đồng ý trả lại sổ đỏ cho anh Điền và yêu cầu phải có mặt ông Lê Cao Cường để đối chất “ba mặt một lời”! Ngày 2-8, UBND thị trấn Dầu Tiếng lại tiếp tục tổ chức hòa giải nhưng cũng không thành. Ngày 5-8, anh Điền đã gửi đơn đến TAND huyện Dầu Tiếng khởi kiện ông Tâm, nhưng tòa án thông báo “trả lại đơn khởi kiện, vì sự việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa”.

Tiếp đó, anh Điền nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng huyện Dầu Tiếng để yêu cầu giải quyết, buộc ông Huỳnh Hữu Minh Tâm phải trả lại 2 sổ đỏ cho mình. Theo anh Điền, việc ông Tâm đứng ra nhận cầm cố sổ đỏ không từ chính chủ là không đúng; hiện nay anh tuy có đất mà không giữ sổ đỏ, giấy tờ chứng nhận trong tay nên gặp nhiều khó khăn trong việc làm ăn. Anh đã đưa đơn trình báo đến nhiều cơ quan chức năng nhưng không được trả lời xác đáng nên rất bức xúc.

Người bị kiện tố ngược!

“Sau khi tiếp nhận đơn thư của các ông Đoàn Đức Điền và ông Huỳnh Hữu Minh Tâm, Công an huyện đã lần lượt mời các ông này đến làm việc. Vào trung tuần tháng 10, ông Tâm đã tự nguyện mang 2 sổ đỏ do ông Đoàn Đức Điền đứng tên đến giao nộp cho Công an huyện. Quá trình làm việc, ông Tâm thừa nhận việc cầm cố sổ đỏ trên là sai nhưng do tin tưởng ông Cường nên mới đồng ý cầm. Hiện Công an huyện Dầu Tiếng đang tiến hành mời ông Lê Cao Cường đến để làm rõ mối quan hệ và quá trình cầm cố sổ đỏ giữa ông Cường, ông Điền, ông Tâm để có hướng xử lý phù hợp”.

(Thiếu tá Nguyễn Khánh Phương, Đội phó Đội CSĐTTP về TTXH Công an huyện Dầu Tiếng)

Trao đổi với P.V, ông Huỳnh Hữu Minh Tâm, chủ tiệm cầm đồ Thuận Phát, cho biết: Ngày 17-9, ông đã có đơn gửi đến Công an huyện Dầu Tiếng, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Dầu Tiếng yêu cầu làm rõ hành vi của các ông Lê Cao Cường, Đoàn Đức Điền và ông Đặng Văn Đẳng có dấu hiệu “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ông Tâm và ông Lê Cao Cường là chỗ thân quen trong làm ăn. Ngày 10-5-2012, ông Cường do cần tiền gấp để làm ăn nên có đem 2 sổ đỏ do ông Đặng Văn Đẳng đứng tên đến ông để cầm cố lấy 40 triệu đồng. Ngày 30-5, cũng từ các sổ đỏ này, ông Cường tiếp tục vay thêm 100 triệu đồng nữa. Ông Tâm cũng thừa nhận rằng mình chấp nhận cầm sổ đỏ từ ông Cường mà không phải chính chủ là không đúng nhưng vì tin tưởng nhau; vả lại thời gian vay ngắn hạn nên ông chấp nhận và có làm hợp đồng. Tiếp đó vào ngày 6-8- 2012, ông Cường mang 2 sổ đỏ do ông Đoàn Đức Điền đứng tên đến làm hợp đồng cầm cố cho ông Tâm với số tiền 100 triệu đồng và ngày 12-9, ông Cường lại tiếp tục vay thêm 100 đồng từ 2 sổ đỏ này. Tổng cộng số tiền mà ông Lê Cao Cường thế chấp sổ đỏ để vay của ông Tâm là 340 triệu đồng.

Quá trình trò chuyện cùng P.V, ông Tâm đã nhiều lần khẳng định việc chấp nhận cầm cố sổ đỏ không chính chủ là sai. Tuy nhiên, ông cho rằng bản thân mình cũng là nạn nhân của vụ việc này; bởi ông đã đưa tiền cho ông Cường 7 lần với tổng số là 340 triệu đồng, lãi suất 5%/ tháng. Cũng do mối quan hệ thân quen giữa ông và ông Cường nên ông không yêu cầu chính chủ sổ đỏ là ông Điền và ông Đẳng đến làm việc. Khi sự việc vỡ lỡ, ông nghi ngờ các ông Cường, Đẳng và Điền đã cấu kết nhau để lừa lấy tiền của mình. Hiện nay, ông Tâm cũng đã giao nộp 2 sổ đỏ do ông Đoàn Đức Điền đứng tên cho Công an huyện Dầu Tiếng để xử lý,giải quyết.

L.T.PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên