Số hóa trong công tác quản lý nhà nước

Cập nhật: 27-06-2022 | 08:31:17

Trong những năm qua, huyện Phú Giáo đã tập trung đẩy mạnh công tá c cải cách hành chính (CCHC) theo hướng hiện đại hóa sát với điều kiện, tình hình thực tế củ a địa phương. Qua đó đã tạo bước chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các thủ tục h ành chính (TTHC), đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các tổ chức và cô ng dân, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển của huyện.

 Chú trọng cải cách

Việc cải cách và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giải quyết TTHC được huyện Phú Giáo quan tâm triển khai sâu, rộng. Qua đó, việc giải quyết TTHC cho tổ chức, công dân được nhanh chóng, tiết kiệm thời gian. Tại các cơ quan hành chính huyện, việc cải cách, kiểm soát TTHC đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, doanh nghiệp, công dân...

Đến nay, huyện đã công khai 258 TTHC thuộc 50 lĩnh vực và 27 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bảo hiểm xã hội huyện chính xác, rõ ràng và đầy đủ. Riêng các cấp xã đã công khai 127 TTHC thuộc 36 lĩnh vực. Qua đó, giúp tổ chức, công dân tiếp cận, tìm hiểu, giảm thời gian đi lại, thực hiện TTHC được thuận tiện, nhanh chóng.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin tại huyện Phú Giáo đã góp phần tích cực trong việc giải quyết hồ sơ hành chính cho tổ chức, công dân

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp tại huyện được xem là bộ phận rất quan trọng thể hiện rõ nét nhiệm vụ CCHC. Theo đó, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện và các xã, thị trấn được kiện toàn, bố trí công chức theo quy định để giải quyết kịp thời hồ sơ hành chính cho tổ chức, công dân đúng hạn; niêm yết công khai mức thu và thực hiện phí, lệ phí đầy đủ, đúng quy định; mở sổ, hòm thư góp ý…

Ông Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho biết UBND huyện thường xuyên kiểm tra và chỉ đạo các đơn vị, UBND xã, thị trấn triển khai thực hiện giải quyết TTHC và hoàn thành đúng tiến độ, đạt chất lượng. Đặc biệt, huyện thường xuyên rà soát, đánh giá để phát hiện có kiến nghị kịp thời sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ những quy định, TTHC không cần thiết, không phù hợp, chồng chéo, bảo đảm đơn giản hóa các quy định, TTHC tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, công dân nhưng không ảnh hưởng tới chức năng quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực. Cụ thể, hàng năm huyện tổ chức rà soát, đánh giá tương đương từ 50 - 100 TTHC đơn lẻ nhằm kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ những quy định về TTHC không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, không đáp ứng được các nguyên tắc quy định TTHC tại Nghị định số 63 của Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung.

Công tác tuyên truyền CCHC cũng được huyện đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phong phú. Trong đó, các đơn vị, địa phương lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến các nội dung CCHC thông qua nhiều hình thức phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, Đài Truyền thanh huyện đã có nhiều tin bài tuyên truyền trên hệ thống phát thanh về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước; về tiếp nhận, xử lý, phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính... website của huyện đăng tải kịp thời như thông tin CCHC, các văn bản chỉ đạo, điều hành của UBND huyện... hướng dẫn thực hiện DVCTT mức độ 3, 4; thực hiện TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn huyện. Huyện lắp đặt các panô tuyên truyền, hướng dẫn quy trình, cách sử dụng phần mềm DVCTT và thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của huyện và 11 xã, thị trấn qua đường bưu điện, đã góp phần lan tỏa sâu rộng trong nhân dân về công tác CCHC trên địa bàn.

Hiện đại hóa hành chính

Việc triển khai, cung cấp các DVCTT tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng nhu cầu thực tế cho tổ chức, công dân trong việc thực hiện các TTHC trên môi trường mạng mọi lúc, mọi nơi, tạo ra một phương thức giao dịch hiện đại, minh bạch giữa cơ quan Nhà nước và các tổ chức, công dân, phục vụ hiệu quả công tác CCHC. UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan Nhà nước. Cụ thể, việc sử dụng hệ thống thư điện tử @binhduong.gov. vn, chữ ký số, phòng họp không giấy VNPT-Ecabinet, họp trực tuyến từ huyện đến cấp xã, phần mềm quản lý thông tin cán bộ công chức, viên chức, phần mềm một cửa điện tử, phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc nhằm đáp ứng nhu cầu nhận gửi văn bản điện tử và tích hợp vào các hệ thống thông tin giao dịch giữa các cơ quan Nhà nước với nhau được xác thực, nhanh chóng an toàn và tiết kiệm. Đồng thời, các đơn vị, địa phương cũng đã đầu tư đầy đủ trang thiết bị công nghệ thông tin, máy vi tính, các phần mềm dùng chung máy, máy tra cứu thông tin... để ứng dụng tốt CNTT trong hoạt động quản lý, nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Đặc biệt, quy trình xử lý công việc của từng cơ quan hành chính Nhà nước và giữa các cơ quan hành chính Nhà nước với nhau thực hiện thông qua phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc hoặc email, được kiểm duyệt và phát hành qua phần mềm quản lý văn bản và email công vụ đạt trên 95%; 100% các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm việc gửi, nhận văn bản điện tử trên môi trường mạng đúng theo tinh thần chỉ đạo của UBND huyện. Lãnh đạo UBND huyện và các phòng chuyên môn trực thuộc, lãnh đạo UBND xã, thị trấn được cấp và sử dụng chữ ký số. Đến nay, bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện được Cổng DVCTT tỉnh Bình Dương đăng tải với 258 TTHC, cấp xã có 127 TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tra cứu thông tin và nộp hồ sơ trực tuyến.

Ông Đoàn Văn Đồng cho biết, công tác cải cách TTHC, chuyển đổi số ứng dụng công nghệ trong hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn huyện nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, công dân liên hệ làm thủ tục, giấy tờ. Do vậy, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ. Đặc biệt từ tháng 1-2022, huyện Phú Giáo cùng với tỉnh triển khai DVCTT cấp độ 3, 4 để tổ chức, doanh nghiệp, công dân thuận lợi làm thủ tục, giấy tờ liên quan thuận tiện, tiết kiệm về thời gian, chi phí đi lại. Trong đó, nhiều cơ quan, đơn vị của huyện ứng dụng mạnh mẽ việc chuyển đổi số, Văn phòng UBND, tài chính - kế hoạch, bộ phận “một cửa”, thuế, Bảo hiểm xã hội... hầu hết các công việc đều được thực hiện xử lý qua hệ thống mạng máy tính. Đồng thời, với các hồ sơ giải quyết DVCTT cấp độ 3, 4 tại bộ phận “một cửa” của huyện, người dân có nhu cầu trả kết quả qua hệ thống đường bưu điện được thực hiện theo đúng thời gian quy định và bảo đảm an toàn tuyệt đối. 

“Để không ngừng nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi ứng dụng số vào công tác quản lý nhà nước trên địa bàn huyện Phú Giáo ngày càng tốt hơn, góp phần tạo thuận lợi hơn trong tiếp cận dịch vụ công của tổ chức, doanh nghiệp, công dân ngày một hiệu quả hơn, UBND huyện cũng đã chỉ đạo các đơn vị, bộ phận trực thuộc chủ động rà soát tất cả TTHC, đánh giá và có tham mưu kịp thời cho lãnh đạo UBND huyện xem xét những quy định nào bất cập, còn vướng mắc, không phù hợp thực tế để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đồng bộ”.
(Ông Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo)

KHÁNH PHONG - LÝ HUY

Chia sẻ bài viết
Tags
Phú Giáo

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=476
Quay lên trên