Số lượng người dân tiêm vắc xin phòng cúm gia tăng đột biến

Thứ hai, ngày 17/02/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

(BDO) Lo ngại bệnh cúm mùa gia tăng, người dân trên địa bàn tỉnh đã chủ động đi tiêm vắc xin phòng bệnh. Qua ghi nhận, nhóm người tiêm nhiều nhất là trẻ nhỏ và người cao tuổi.

Tăng nguồn cung ứng vắc xin cúm

Những ngày qua, nhu cầu tiêm vắc xin cúm của người dân trên địa bàn tỉnh tăng cao. Ghi nhận của phóng viên tại các phòng tiêm chủng dịch vụ, người dân đến tiêm vắc xin cúm tăng gấp đôi, gấp ba, thậm chí một số cơ sở tăng gấp 10 lần so với ngày thường. Cùng với việc gia tăng số lượng người tiêm vắc xin cúm, nhu cầu tiêm vắc xin phế cầu, sởi, quai bị, rubella cũng gia tăng. Dự báo thời gian tới, số lượng người dân đến các điểm tiêm chủng để tiêm vắc xin cúm sẽ tiếp tục tăng, nên các đơn vị đã chủ động dự trù, tăng nguồn cung ứng vắc xin cúm, tránh tình trạng thiếu hụt.

Trước tình hình số ca bệnh cúm tăng cao, bên cạnh tiêm ngừa vắc xin cúm, nhiều người còn tìm mua thuốc Tamiflu dự trữ để dùng khi cần. Trong ảnh: Người dân đến mua thuốc tại Nhà thuốc Long Châu. Ảnh: KIM HÀ

Điển hình tại các Trung tâm tiêm chủng VNVC trên địa bàn tỉnh, người dân chủ động đến tiêm vắc xin cúm tăng gấp 10 lần so với ngày thường. Có gia đình hơn 20 thành viên cùng đến trung tâm tiêm vắc xin cúm. BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết những ngày qua các trung tâm tiêm chủng VNVC tiếp nhận người dân đến tiêm vắc xin cao gấp nhiều lần so với trước đây. Việc gia tăng đột biến số người tiêm vắc xin cúm đã có trong kế hoạch dự phòng của VNVC. Để phục vụ tốt nhất cho người dân, các trung tâm tiêm chủng VNVC bảo đảm chặt chẽ tất cả khâu như khám sàng lọc, chỉ định tiêm, tiêm chủng, theo dõi sau tiêm tại chỗ.

Thông tin từ hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm, hiện trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận gia tăng bất thường số ca nhiễm cúm hoặc ca bệnh diễn tiến nặng, cũng như chưa ghi nhận về thay đổi chủng vi rút gây cúm.

“Dù số lượt người tiêm gia tăng, nhưng vấn đề khám sàng lọc và tiêm chủng an toàn được hệ thống đặt lên hàng đầu. Toàn hệ thống tăng cường thời gian làm việc đến 18 giờ tối, xuyên trưa không nghỉ. Lực lượng bảo đảm chất lượng ở kho vận chuyển, logistics cũng gia tăng hiệu suất làm việc gấp 10 lần bảo đảm tối ưu vắc xin”, bác sĩ Chính cho biết thêm.

Không chỉ tại VNVC, tại các Trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu, số lượng người đến tiêm vắc xin cúm cũng gia tăng đột biến. Thấu hiểu được nhu cầu của khách hàng, trung tâm cũng đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ bao gồm vắc xin cúm và phế cầu với ưu đãi lên đến 10% giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận với vắc xin chất lượng cao, giá tốt nhất. Hiện hệ thống Trung tâm tiêm chủng Long Châu cung cấp các loại vắc xin cúm chất lượng cao, gồm: Vaxigrip Tetra, được sản xuất tại Pháp bởi hãng Sanofi; Influvac Tetra, sản xuất tại Hà Lan bởi hãng Abbott và Ivacflu-S sản xuất tại Việt Nam. Một số điểm tiêm chủng trọng điểm cũng đã được trung tâm tăng cường cung ứng, bảo đảm nhu cầu người dân.

Tiêm vắc xin phòng cúm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Người có nguy cơ cao cần tiêm vắc xin cúm

Hiện nay, vắc xin phòng cúm mùa vẫn chưa đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng mà chỉ triển khai ở các cơ sở tiêm dịch vụ. Giá mỗi mũi tiêm hơn 300.000 đồng và có hiệu quả bảo vệ phòng bệnh trong thời gian 1 năm. Nhóm người tiêm nhiều nhất là trẻ nhỏ và người cao tuổi, đây là nhóm có nguy cơ có thể diễn biến nặng khi mắc cúm mùa.

Theo Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, vắc xin cúm được chỉ định tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến người già. Việc tiêm ngừa cúm đặc biệt cần thiết cho các đối tượng nguy cơ cao bị biến chứng nặng như trẻ em, phụ nữ mang thai, người lớn tuổi (trên 65 tuổi) và người mắc bệnh mạn tính (tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, xơ gan, ung thư giai đoạn muộn, các tình trạng suy giảm miễn dịch...).

Ngoài những triệu chứng thông thường như hắt hơi, ho, sổ mũi, sốt, đau cơ… virus cúm còn có thể gây ra những biến chứng hô hấp, tim mạch, thần kinh. Tiêm chủng là phương pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa cúm và những biến chứng của cúm. Người dân cần tiêm vắc-xin phòng cúm định kỳ hàng năm mới duy trì được hiệu quả dự phòng bệnh. Phản ứng phụ thường gặp nhất của vắc xin cúm (đối với cả trẻ em và người lớn) là đau ở chỗ tiêm. Trẻ em, đặc biệt là những người chưa từng nhiễm virus cúm, có thể bị sốt nhẹ, cảm thấy đau và mệt mỏi. Tuy nhiên, những triệu chứng này sẽ hết trong khoảng 2 ngày.

“Cùng với việc chủ động tiêm vắc xin cúm, người dân nên chủ động đưa con em đi tiêm các mũi vắc xin có trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Bên cạnh tiêm phòng, người dân cần giữ thói quen phòng bệnh lây truyền qua đường hô hấp, như: Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người; rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh môi trường, giữ ấm cơ thể, tập luyện nâng cao thể trạng”, bác sĩ Huỳnh Minh Chín khuyến cáo người dân.

Trước tình hình một số tỉnh phía Bắc gia tăng ca bệnh cúm, người dân đã tìm mua thuốc Tamiflu dự trữ trong nhà để dùng khi cần. Ghi nhận của phóng viên tại các quầy thuốc, nhà thuốc trên địa bàn tỉnh Bình Dương, nguồn cung ứng thuốc Tamiflu ra thị trường rất lớn, số lượng người mua thuốc Tamiflu có tăng nhưng không đáng kể, giá giao động từ 495.000 đồng đến 520.000 đồng/hộp 10 viên. Một số cửa hàng, nhà thuốc bán lẻ yêu cầu người mua phải có giấy kê đơn của bác sĩ mới bán. Cùng với thuốc Tamiflu, hiện nhu cầu mua que test cúm của người dân cũng tăng lên.

Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, cho biết hiện thuốc Tamiflu vẫn có sẵn ở các bệnh viện, nhà thuốc, chưa có hiện tượng khan hiếm hay khó tiếp cận thuốc này. Thuốc Tamiflu là thuốc hỗ trợ điều trị cúm, không phải thuốc đặc hiệu trị bệnh. Tác dụng phụ của Tamiflu có thể gây nôn ói, tiêu chảy, nhức đầu, gây độc thận ở những người có bệnh thận hoặc có nguy cơ gây trầm cảm. Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.

KIM HÀ