Số phận 60 tấn vàng của Hoàng gia Nam Tư

Cập nhật: 07-08-2013 | 00:00:00
Kho báu khổng lồ thuộc sở hữu của nền quân chủ cuối cùng ở Nam Tư, dưới triều đại Vua Peter II Karadordevic (1923-1970) là một trong những bí ẩn lớn nhất của lịch sử châu Âu thời hậu chiến. Theo ước tính của giới chuyên viên thì ngoài đồ trang sức cùng các hiện vật gia truyền vô giá ra, kho báu còn bao gồm 60 tấn vàng thỏi là nguồn ngoại hối dự trữ của Nhà nước Nam Tư cũ.

Vào đầu tháng 6/1941, trước những cuộc oanh tạc thủ đô Belgrade của không quân Đức phát xít ngày một dày đặc hơn, Đức vua Peter II cùng Chính phủ Hoàng gia quyết định sơ tán toàn bộ số vàng ra khỏi đất nước. 60 tấn vàng được đóng trong 1.300 chiếc hòm gỗ, chất đầy trên một chuyến xe lửa đặc biệt gồm 57 toa bọc thép được canh phòng cẩn mật.

Sau gần một tháng, số vàng khổng lồ đã được tập kết gần hải cảng Kotor thuộc Montenegro ven biển Adriatic, chờ chuyển lên tàu thủy chở đến Ai Cập, nơi đóng đô của Chính phủ Nam Tư lưu vong. Nhưng lúc này quân phát xít Italia đã xâm chiếm Montenegro nên dự định chuyển kho ngoại hối qua Ai Cập bất thành, nhà vua liền hạ lệnh giấu toàn bộ số vàng trong một khu hang động bí mật do quân du kích chống phát xít cai quản, trước khi cùng đoàn tùy tùng thân cận sang London (Anh) tị nạn vào cuối tháng 6/1941.

  Thống chế Bernard Montgomery (trái) cùng vua Peter II (giữa) và Thủ tướng Winston Churchill tại Anh, tháng 7/1941.

Cho đến thời điểm đầu năm 1943, quân Italia cứ đinh ninh rằng kho báu của Hoàng gia Nam Tư đang nằm trên đất Ai Cập, nếu như một du kích quân không phản bội, khai báo ra địa điểm cất giấu. Trùm phát xít Mussolini tức tốc ra lệnh phải bí mật chuyển ngay số vàng về Rome mà không để Hitler biết, đồng thời giao công việc nặng nề này cho viên sĩ quan liên lạc 24 tuổi Licio Gelli.

Số vàng được giấu khéo léo trên đoàn tàu hỏa cứu thương, chuyên chở các binh sĩ nhiễm dịch bệnh đậu mùa băng qua vùng quân Đức kiểm soát, an toàn về tới thành phố Triestem cửa ngõ biên giới giữa Italia với Slovenia. Nhưng L. Gelli ranh ma thừa hiểu Mussolini không thể nắm rõ số lượng cụ thể của kho vàng là bao nhiêu, nên chỉ nộp lên Ngân hàng Nhà nước Italia có 8 tấn, 52 tấn vàng còn lại Gelli cất làm của riêng.

Khi Thế chiến II sắp kết thúc, nhằm tránh bị xét xử vì quá khứ thân phát xít của mình, L. Gelli đã đến gặp Bộ trưởng Tư pháp Palmiro Togliatti (1893-1964) trong Chính phủ Liên minh của Thủ tướng Pietro Badoglio, đề nghị trao trả lại 27 tấn vàng đang giữ trong số 52 tấn mà Mussolini đã lấy của Nam Tư; tuy nhiên Gelli vẫn giấu biệt 25 tấn còn lại kia.

Bộ trưởng P. Badoglio đồng thời là lãnh tụ đảng Cộng sản Italia đã trao đổi sự việc với Đại nguyên soái Joseph Stalin của Liên Xô, nhất trí chuyển giao 27 tấn vàng đó cho chính thể Liên bang CHXHCN Nam Tư mới thành lập, do Nguyên soái Josip Broz Tito, thủ lĩnh Liên đoàn những người Cộng sản Nam Tư đứng đầu.

Cần nói thêm về nhân vật L. Gelli cáo già nay đã 94 tuổi. Ngoài việc dùng 25 tấn vàng ăn cướp được thao túng Ngân hàng Banco Ambrosiano hàng đầu Italia, cũng như thiết lập 25 công ty kinh doanh đủ ngành nghề khác nhau với trụ sở đặt tại Công quốc Liechtenstein, Đại công quốc Luxembourg và Cộng hòa Panama; L. Gelli còn là ông trùm cộm cán của tổ chức P-2 khét tiếng, một dạng hội kín lũng đoạn nền chính trị Italia nhiều thập niên trong thời Chiến tranh lạnh.

  Chứng minh thư sĩ quan phát xít của L. Gelli.

Giữa tháng 3/1981, lực lượng Hiến binh (Carabinieri) tìm thấy trong căn biệt thự của L. Gelli ở thành phố Arezzo số vàng thỏi Nam Tư trị giá 2 triệu USD, còn bên dưới đáy tủ két ngầm là một phần bản danh sách các thành viên của P-2. Danh sách này quy tụ 3 bộ trưởng, 23 nghị sĩ. 10 tướng Carabinieri, 7 tướng cảnh sát tài chính, 6 thống đốc vùng, 83 tổng giám đốc các công ty nhà nước, 12 tổng giám đốc các ngân hàng, vô số quan chức, thẩm phán và công tố viên các cấp... lên tới 962 người nhưng vẫn chưa đầy đủ. Trong danh sách có cả nhà sáng lập và chủ sở hữu Kênh truyền hình Canale-5 Silvio Berlusconi, cũng là Thủ tướng Italia 3 nhiệm kỳ trong tương lai mặc dù vào thời điểm đó ông này chưa tham gia chính trường.

"Vụ P-2" vỡ lở khiến L. Gelli phải bỏ trốn, rồi bị bắt giữ vào ngày 13/9/1982 tại Geneva (Thụy Sĩ) khi đang định rút hàng chục triệu USD tiền mặt từ một tài khoản mật. Trong khi chờ dẫn độ về Italia, L. Gelli đã trốn thoát sang Nam Mỹ sống ẩn dật. Năm 1986, L. Gelli trở về nước tuy bị nhiều tòa án Italia xử vắng mặt với nhiều tội danh khác nhau, nhưng ông ta vẫn nhởn nhơ sống ngoài vòng pháp luật nhờ những người bạn "đầy thực lực" ra tay cứu giúp.

Giới bình luận am hiểu đều đồng nhất với nhận định, rằng L. Gelli chính là nhân vật gây tranh cãi nhiều nhất trên chính trường Italia đương đại. L. Gelli đồng thời cũng bị tình nghi dính líu tới các vụ ám sát chính khách nổi tiếng như cố Thủ tướng Italia Aldo Moro (1915-1978), cố Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme (1927-1986), hay các vụ khủng bố đình đám tại Italia trong 2 thập niên 70 và 80 thế kỷ trước.

Về phần Đức vua Peter II, sau khi Thế chiến II kết thúc, giữa năm 1948 ông cùng vợ con di cư sang Mỹ, dùng một phần số của gia bảo còn giữ được thuở trước mở một cơ sở tín dụng loại nhỏ, chuyên nhận tiền gửi tiết kiệm và cho vay lại. Cựu hoàng Nam Tư qua đời ngày 3/11/1970 và được chôn cất tại nghĩa trang Libertyville, quận Lake thuộc tiểu bang Illinois. Đến đầu năm 2013, hài cốt của Peter II được đưa về quê nhà ở Serbia và chính thức cải táng vào ngày 26/5 vừa qua.

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên