Số phận nông dân vẫn do người khác định đoạt

Cập nhật: 04-03-2010 | 00:00:00

Khâu liên quan vấn đề sống còn của hàng triệu nông dân hiện vẫn cứ do những người "không ra ruộng" bàn tính mà quên rằng, những người biết rõ giá thành hạt lúa mình làm vẫn đứng ngoài phòng họp.

 

Nông dân và Hội Bảo vệ quyền lợi họ vẫn đứng ngoài “phòng họp”.

 

Chỉ mới “vuốt ve”

 

Động tác thể hiện sự quan tâm tích cực nhất là việc Bộ Tài chính lập đề án lập quỹ bình ổn thị trường lúa gạo với đề xuất thu 30% lợi nhuận trước của gạo, tức sẽ “lược” đi bớt lợi nhuận của DN xuất khẩu gạo để san đều quyền lợi cho cả nông dân.

 

VFA cũng có nhiều “động tác” lo cho nông dân. Cụ thể, năm 2009 rồi 2010, khi giá lúa xuống thấp, nguy cơ lúa tồn gạo ế, VFA đã “lệnh” cho các hội viên mua lúa tạm trữ với điều kiện phải đảm bảo lợi nhuận tối thiểu 30% cho nông dân.

 

Khi công luận bức xúc việc nông dân vẫn không bán lúa được với giá “bảo hiểm” trên do bị thương lái o ép, ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch VFA nói, VFA sẽ yêu cầu thu gom hệ thống thương lái vào CLB dưới sự điều hành của DN để thống nhất thương lái mua đúng giá niêm yết cho người dân. Đổi lại, thương lái sẽ nhận được một khoản chênh lệch đảm bảo lợi nhuận khi bán cho các Cty lương thực sau khi trừ các chi phí vận chuyển, phơi sấy.

 

VFA còn cam kết, sẽ tài trợ máy vi tính, nối mạng Intener và phối hợp với Hội Nông dân đào tạo nông dân biết vi tính để có thể “lên mạng” cập nhật giá cả lúa gạo để không còn cảnh bị thương lái o ép giá...

 

"Lờ” đi khâu quyết định

 

Theo nhận xét cay đắng của một đại diện Hội Nông dân thì những động tác trên vẫn chỉ đưa nông dân “mon men” tới quyền lợi. Trong khi đó, khâu sống còn đặc biệt ở vụ lúa đông xuân – nguồn thu cho mưu sinh cả năm của người trồng lúa ĐBSCL - là định giá thành sản xuất thì vẫn do “người khác” quyết định.

 

Nói đâu xa, tại cuộc “nghị sự” ngày 2-3 tại An Giang, việc định giá thành hạt lúa – số phận của nông dân- lại toàn là các nhà “không làm ruộng” nên đưa ra những thông số vênh nhau rất lớn.

 

Đại diện UBND tỉnh An Giang (địa phương sản xuất lúa chủ lực của vựa lúa ĐBSCL) thì khẳng định chi phí sản xuất lúa của nông dân tỉnh là 2.740 đồng/kg nên muốn dân có lời 30% phải mua giá 4.200 đồng/kg chứ không phải 4.000 đồng mà VFA đang mua. Nhưng các nhà khoa học cho rằng cách tính giá thành lâu nay thiếu 2 phần quan trọng là công quản lý của chủ và tiền thuê đất. Nếu tính đủ thì chi phí sản xuất sẽ vượt qua mức 4.000 đồng/kg lúa. Còn VFA thì cho rằng, giá thành bình quân các địa phương chỉ 2.200 đồng/kg.

 

Trong khi đó, Bộ Tài chính được Chính phủ giao nhiệm vụ phải công bố giá thành ngay từ đầu vụ làm cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền tổ chức mua lúa cho người dân nhưng đến giờ này vẫn “im hơi lặng tiếng” nên Bộ Công Thương vội ủng hộ mức giá thấp so với các địa phương do VFA đưa ra...

 

“Cực chẳng đã” đại diện Bộ NNPTNT muốn có một đơn vị độc lập phân tích cách tính giá thành sản xuất lúa kẻo không định lượng đúng công sức nông dân bỏ ra.

 

Thực tế, việc xác định giá thành hạt lúa luôn là vấn đề thời sự. Năm nay, càng nóng và quyết liệt hơn, bởi ngày 23.12.2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Nghị quyết số 63/NQ-CP về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, trong đó đặc biệt nhấn mạnh phải đảm bảo nông dân sản xuất lúa có lãi bình quân trên 30% so với giá thành sản xuất.

 

“Nóng” và mải mê tranh cãi nhưng “các nhà” quên mất rằng, hơn ai hết, chỉ có người trực tiếp sản xuất mới biết chính xác chi phí mình bỏ ra là bao nhiêu.

 

Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, nông dân là người làm tới 60% công việc trong chuỗi sản xuất-xuất khẩu gạo vẫn “đứng ngoài” phòng họp. Tiếng nói của Hội Nông dân, bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu nông dân trong chuỗi sản xuất-xuất khẩu gạo, hầu như chưa được chú ý.

 

Theo Lao Động

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên