Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương: Hiệu quả từ cầu nối giao lưu trực tuyến

Cập nhật: 12-08-2010 | 00:00:00

 

Cán bộ, công chức ngành TN&MT tập trung trả lời

những vấn đề ND và DN quan tâm

Từ khi chuyển giao hệ thống phần mềm tổ chức giao lưu trực tuyến (GLTT) qua mạng internet với nhân dân và doanh nghiệp (DN), Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Bình Dương đã góp phần trả lời và giải đáp thỏa đáng những vấn đề đặt ra, tạo niềm tin của nhân dân đối với chính quyền địa phương.

Song song với việc tham gia các đợt GLTT do Bộ TN&MT tổ chức, sở chủ động phối hợp với Văn phòng bộ tự tổ chức giao lưu với DN và nhân dân trên địa bàn tỉnh theo quy chế đã ban hành. Thông qua hệ thống GLTT, sở đã tuyên truyền được một khối lượng lớn các văn bản pháp luật về tài nguyên và môi trường, công khai, tuyên truyền các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực về tranh chấp đất đai; mức bồi thường giá đất; thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất sử dụng; bảo vệ môi trường và quy trình đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại... cho tổ chức và công dân trên địa bàn tỉnh, góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Tính đến nay, Sở TN&MT Bình Dương đã tổ chức được 10 đợt GLTT, trong đó có 2 đợt giao lưu có sự chỉ đạo của bộ, 8 đợt giao lưu với nhân dân và các DN trên địa bàn tỉnh. Cứ mỗi đợt như vậy, sở đã nhận hàng chục câu hỏi, trong đó có rất nhiều câu hỏi liên quan đến chính sách pháp luật về TN&MT. Hầu hết các câu hỏi đã được sở, các đơn vị trực thuộc có liên quan và Phòng TN&MT các huyện, thị trả lời ngay trong khi giao lưu, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của người dân (ND) và DN khi đề đạt vấn đề bức xúc cần giải quyết.

Thời gian gần đây nhất là vào ngày 17-5, qua một ngày GLTT do Bộ TN&MT tổ chức “GLTT về quản lý đất đai và môi trường” với nhân dân và DN trong và ngoài nước cùng với 63 Sở TN&MT khác. Điều đáng chú ý là ND và DN đặc biệt quan tâm đầu tư theo dõi về các buổi giao lưu này. Ông Lương Văn Hoàng (50 tuổi) ở 16/2, ấp Trung Thắng, xã Bình Thắng, huyện Dĩ An hỏi: “Năm 2006, cha mẹ tôi có tặng cho tôi 200m2 đất để ở, nhưng vì kinh tế gia đình khó khăn tôi đã chuyển nhượng cho người khác, nay cha mẹ tôi định cho tôi 100m2 đất khác (đất cây trồng lâu năm) vậy tôi xin hỏi Sở TN&MT tôi có làm hồ sơ tách thửa được không? Nếu được tôi có phải đóng loại thuế nào không?

Hoặc chị Phạm Thị Tuyết Nhung (21 tuổi) ở 154, Nguyễn Văn Nghi, phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM hỏi hai vấn đề: Thứ nhất là việc ô nhiễm các hệ thống sông được phát hiện trong thời gian qua. Bộ TN&MT có kế hoạch gì trong việc bảo vệ hệ thống sông Đồng Nai, sông Sài Gòn... như thiết lập các trạm quan trắc môi trường trên các sông để kiểm tra ô nhiễm. Thứ hai, đối với hệ thống sông Đồng Nai - Sài Gòn, đã thiết lập được trạm quan trắc ở những khu vực nào? Đoạn từ Thủ Dầu Một tới hạ lưu đã thiết lập trạm quan trắc chưa? Nếu có nó thuộc đoạn nào trên sông...

Trao đổi với các đồng chí lãnh đạo Sở TN&MT, họ cho biết, để trả lời các câu hỏi, lãnh đạo sở và lãnh đạo các phòng phải nắm vững các vấn đề liên quan để có câu trả lời thỏa đáng. Cụ thể như khi trả lời câu hỏi của ông Hoàng, cán bộ, công chức ngành phải dựa theo nguyên tắc luật pháp. Như trường hợp của ông Hoàng có thể được tách thửa theo khoản 2, Điều 1 của Quyết định số 49/2009/QĐ-UBND ngày 24-7-2009 của UBND tỉnh Bình Dương “Quy định về diện tích tối thiểu các loại đất được phép tách thửa trên địa bàn tỉnh Bình Dương”. Ngoài ra còn hướng dẫn cho ông Hoàng làm thủ tục theo trình tự.

Hay trường hợp của chị Nhung cũng được trả lời rất cụ thể, giúp cho chị biết cụ thể hơn về “Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020” tại Quyết định số 187/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 3-12-2007... Có như vậy, công tác GLTT trở thành diễn đàn quen thuộc và tin cậy, tạo niềm tin đối với ND và DN. Thực tế là thông qua các đợt GLTT thông qua trang tin điện tử của sở (http://www.binhduong.monre.gov.vn) đã giảm thiểu tối đa khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành. Không chỉ gắn kết với ND và DN, GLTT đã giúp cán bộ, công chức, viên chức ngành TN&MT nâng cao trình độ, năng lực  chuyên môn, trau dồi thêm kiến thức pháp luật của ngành. GLTT duy trì thường xuyên cũng đã góp phần tích cực vào thực hiện chủ trương cải cách lề lối làm việc, hướng về địa phương, cơ sở; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về TN&MT ở địa phương, cũng như công tác tham mưu cho UBND tỉnh về công tác quản lý Nhà nước của ngành.

MAI HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=314
Quay lên trên