Sôi động các sân chơi đờn ca tài tử

Cập nhật: 28-05-2024 | 09:09:07

Đờn ca tài tử (ĐCTT) là dòng âm nhạc đặc trưng của người dân Nam bộ. Và Bình Dương là một điểm sáng trong số 21 tỉnh, thành được vinh danh và đánh giá có nhiều thành tựu trong hoạt động ĐCTT. Đến nay, sức sống của ĐCTT trong tỉnh vẫn phát triển mạnh mẽ và sôi động.

Sôi động các sân chơi

Nhằm tìm kiếm và phát hiện những tài năng ĐCTT - cải lương trong quần chúng nhân dân, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh TP.Bến Cát đã tổ chức hội thi “Sáng mãi giọng ca cải lương” TP.Bến Cát năm 2024. Diễn ra từ ngày 7 đến 25-5, hội thi thu hút gần 100 thí sinh đến từ 9 câu lạc bộ (CLB) ĐCTT và các thí sinh tự do đến từ các cơ quan, ban ngành, công ty, doanh nghiệp trên địa bàn TP.Bến Cát tham gia.


Các hoạt động về ĐCTT - cải lương trong tỉnh luôn thu hút đông đảo người tham gia. Trong ảnh: Lãnh đạo Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao TP.Thuận An và Ban Giám khảo chụp ảnh lưu niệm với các thí sinh đoạt giải tại hội thi tài tử cải lương TP.Thuận An năm 2024

Các thí sinh đã cùng nhau thi tài qua 3 vòng thi: Sơ khảo, bán kết và chung kết. Ban Tổ chức đã tuyển chọn 18 tiết mục đơn ca và 3 tiết mục song ca vào vòng chung kết. Tại vòng chung kết, mỗi thí sinh thi đơn ca thể hiện 1 lớp trong các bài oán và 3 câu vọng cổ, cặp đôi thi song ca thể hiện 1 trích đoạn cải lương hoặc ca diễn trong 12 phút. Kết thúc hội thi, Ban Tổ chức đã trao 1 giải nhất, 4 giải nhì, 6 giải ba, 7 giải khuyến khích cho các thí sinh thi đơn ca và 3 giải ba cho 3 tiết mục song ca.

Trước đó, vào cuối tháng 4-2024, Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao TP.Thuận An cũng đã tổ chức hội thi tài tử cải lương năm 2024. Trong 2 ngày 27 và 28- 4, 9 đội đến từ 9 CLB ĐCTT của 9 xã, phường trên địa bàn thành phố đã tham gia thi tài rất sôi nổi. Các đơn vị thi diễn một chương trình ĐCTT, gồm: 2 tiết mục ca tài tử, 1 tiết mục đơn ca cổ, song ca cổ và 1 trích đoạn hoặc chập cải lương. Các tiết mục có nội dung ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, ca ngợi tinh thần kiên cường, bất khuất trong đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc, ca ngợi thành tựu xây dựng quê hương trong thời kỳ đổi mới… Kết quả, phường Bình Chuẩn đã xuất sắc đoạt giải nhất toàn đoàn. Giải nhì thuộc về phường Bình Hòa. Giải ba thuộc về phường Hưng Định...

Chia sẻ với chúng tôi, nghệ nhân Nguyễn Văn Sơ, thành viên CLB ĐCTT phường Bình Chuẩn, cho biết CLB có khoảng 15 người, sinh hoạt thường xuyên hàng tháng vào ngày chủ nhật. Để tham gia hội thi do thành phố tổ chức, CLB đã tăng cường tập luyện và tham gia 2 tiết mục đơn ca thi bài bản, 1 tiết mục song ca “Tình đồng chí” và 1 trích đoạn cải lương “Tâm sự Mai Đình”. Trong đó, Đinh Thị Ngoan và Huỳnh Quyết Tâm đoạt 2 giải nhất thể loại bài bản, CLB đoạt giải nhất toàn đoàn tại hội thi. Đây là niềm vui, động lực để các thành viên phấn đấu hơn nữa trong trau dồi kỹ năng ca diễn, góp phần lan tỏa niềm đam mê ĐCTT - cải lương đến nhiều người hơn.

Tăng cường hoạt động truyền nghề

Ngoài các hội thi, các nghệ nhân, tài tử và người mộ điệu bộ môn nghệ thuật di sản này còn rất hăng hái tham gia sinh hoạt ở các CLB, giao lưu với các đơn vị bạn trong và ngoài tỉnh. Phân hội Sân khấu Bình Dương (Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh) cũng đã có nhiều chuyến giao lưu ĐCTT tại xã Hiếu Liêm (huyện Bắc Tân Uyên) và các xã thuộc huyện Phú Giáo, như: Phước Hòa, An Long và Tân Hiệp. Những chuyến đi này không chỉ là cơ hội để các nghệ nhân, tài tử ĐCTT thể hiện tài năng của mình mà còn là dịp để truyền đạt những giá trị văn hóa độc đáo của bộ môn nghệ thuật này đến với đông đảo người dân.

Nghệ nhân Nhân dân Thu Hồng cho biết các thí sinh tham gia hội thi “Sáng mãi giọng ca cải lương” TP.Bến Cát năm nay có nhiều giọng ca rất đẹp. Nếu được bồi dưỡng bài bản thường xuyên như tham gia các lớp truyền dạy ĐCTT do tỉnh tổ chức thì hứa hẹn sẽ có nhiều triển vọng trong tương lai.

Trong khi đó Nghệ nhân Nhân dân Thanh Tuyết (Giám khảo tại hội thi tài tử cải lương TP.Thuận An năm 2024), cho rằng không chỉ có các thí sinh dự thi, mà người dân ở đây rất đam mê ĐCTT - cải lương, buổi thi nào cũng có rất đông khán giả đến xem và cổ vũ. Tuy nhiên, các thí sinh ca diễn vẫn còn rất chân phương. Vì vậy, để các thí sinh chơi ĐCTT - cải lương bài bản hơn thì cần có những khóa tập huấn để hoàn thiện các kỹ năng của bản thân.

Nhìn vào bức tranh chuyển mình sôi động của ĐCTT - cải lương trong tỉnh, nhiều nghệ nhân tâm huyết trong giới vẫn còn nhiều trăn trở. Đó là nhiều người rất yêu thích bộ môn nghệ thuật di sản này, nhưng vẫn chưa có điều kiện học hỏi, thực hành, trau dồi một cách bài bản. Vậy nên, bên cạnh sự nỗ lực của các hoạt động tổ chức lớp truyền dạy thì mỗi tài tử, người mộ điệu cũng cần tích cực tham gia, chia sẻ và lan tỏa những nét đẹp độc đáo của bộ môn này để những giá trị văn hóa truyền thống ngày càng phát huy, không bị mai một.

THỤC VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1047
Quay lên trên