Sôi động nhịp sống số

Cập nhật: 12-08-2011 | 00:00:00

Nhà mạng thì đưa ra nhiều dịch vụ hòa mạng khuyến mại hấp dẫn để cạnh tranh, các hãng điện thoại thì đua nhau tung ra thị trường điện thoại giá rẻ, hỗ trợ nhiều sim sóng online cùng một lúc đã làm cho thị trường này diễn biến hết sức sôi động. Người tiêu dùng (NTD) đô thị quả là không thể thờ ơ để dành thời gian lựa chọn, tính toán sử dụng điện thoại sao cho tiết kiệm hơn hết.

Thuê bao trả sau không có lợi

 Khi các thuê bao trả sau được hạn chế về mặt số lượng sử dụng theo quy định của pháp luật thì hệ thống sim số thuê bao trả trước vẫn là thị trường hết sức tự do và sôi động. Chính vì thế, những nhà mạng dường như tập trung chăm chút cho thị trường này hơn với rất nhiều chương trình khuyến mại có lợi dành cho người sử dụng các thuê bao trả trước hơn các thuê bao trả sau. Thậm chí, nhiều NTD sử dụng thuê bao trả sau cho biết, số tiền cước phí phải chi trả của thuê bao trả sau đã không được nhà mạng tặng tiền khuyến mại mà còn bị tính cước phí cao hơn. Vì thế, họ buộc phải suy tính đến việc thay đổi sim sóng để có lợi hơn cho mình. Và như vậy, NTD phải chấp nhận những rủi ro tiềm ẩn khác.

 Giới trẻ sành điệu bên chiếc điện thoại di động đời mới

Chị Phạm Thị Vân, phường Phú Hòa (TX.TDM) đã phải chuyển từ thuê bao trả sau sang thuê bao trả trước, cùng với việc sử dụng thêm 1 sim mới nữa với lý do hết sức chính đáng là để tiết kiệm chi phí. “Tôi sử dụng thuê bao trả sau cho số điện thoại 0938... đã từ mấy năm nay. Nhưng gần đây, tôi nhận được thông báo tiền cước phí điện thoại mỗi tháng đều tăng lên. Cụ thể trước đó từ 150.000 đồng, sau đó tăng dần lên 250.000 đồng, 300.000 đồng.

Vì thế, chị đã chuyển thuê bao trả sau sang thuê bao trả trước, mua thêm 1 sim điện thoại mạng khác để đăng ký dịch vụ gọi 10 phút miễn phí nội mạng với cước phí 75.000 đồng/tháng. “Thật tuyệt vời là tôi gọi thoải mái hơn lúc trước mà tôi chỉ mất chưa đến 200.000 đồng/tháng. Trong khi đó, sim thuê bao trả trước còn liên tục nhận được thông báo khuyến mại 50 - 100% khi nạp tiền.

Cuộc đua của điện thoại giá rẻ

Việc đua nhau cạnh tranh, khuyến mại cước phí để thu hút khách hàng của các nhà mạng đã làm cho thị trường máy điện thoại di động giá rẻ cũng sôi động không kém. Bên cạnh những dòng điện thoại của những thương hiệu lớn như Nokia, Samsung... với những dòng điện thoại hướng tới sự sang trọng và bền vững thì những thương hiệu mới toanh liên tục xuất hiện trên thị trường như Q.Mobile, I-Mobile, H-Mobile, Mobell, Mobistar... cũng tìm được chỗ đứng. Bởi vì, ưu điểm của những dòng điện thoại này là giá rất rẻ, có nhiều chức năng sử dụng hết sức tiện lợi như 2 sim 2 sóng, nghe nhạc, quay phim, chụp hình, xem tivi, thậm chí có thể vào Wifi... đã thu hút rất nhiều giới trẻ và những người sử dụng nhiều sim nhiều sóng. Thế mới có chuyện rất lạ là thay vì bỏ điện thoại xấu sang xài điện thoại tốt thì nhiều người đang có xu hướng làm ngược lại.

Chị Trang (Hòa Lợi, Bến Cát) để chiếc điện thoại cảm ứng Samsung có giá gần 3 triệu đồng lăn lóc ở nhà thay vào đó là cầm chiếc điện thoại trị giá chưa đến 800.000 đồng chỉ để tiện cho việc sử dụng 2 sim điện thoại cùng một lúc. Chị Vân thì bỏ luôn chiếc điện thoại Nokia 8800 với giá trên 20 triệu đồng để cầm chiếc điện thoại giá chưa đầy 1 triệu đồng với lý do “dù không sang nhưng rất tiện dụng”.

Rủi ro sim số đẹp

Rõ ràng là cuộc chạy đua cạnh tranh của các mạng di động đã tạo cho NTD có nhiều cơ hội để tiết kiệm chi phí nếu chịu khó tính toán. Sự sôi động của sim khuyến mại, điện thoại giá rẻ đã giúp cho bất kỳ ai cũng có khả năng sở hữu 1 đến nhiều chiếc điện thoại, 1 đến nhiều sim sóng. Thế mới có chuyện, những chiếc điện thoại công cộng ở những trạm bưu điện văn hóa xã ở nhiều nơi trở thành ế ẩm. Có nơi, chỉ thu được chưa đầy 100.000 đồng sau 1 tháng tích cực phục vụ.

Chuyển sang thuê bao trả trước để hưởng được những lợi ích của cước phí, chế độ khuyến mại nhưng nhiều khách hàng đã không biết rằng khả năng số của mình có thể bị đánh cắp vì không được đăng ký sử dụng.

Quả thật thế, dù cho các nhà quản lý có đau đầu để nghĩ ra những cách để hạn chế việc lãng phí các sim số điện thoại thì thị trường sim thuê bao trả trước vẫn không hề được cải thiện. Nếu như trước đây, NTD muốn hòa mạng và đăng ký sử dụng dịch vụ của nhà mạng nào đều được cho một sim số để sử dụng thì nay tất cả đều được quy thành tiền mà trị giá được tính dựa theo quan niệm về số dễ nhớ, số đẹp, số phong thủy... với giá ít nhất cũng từ 200.000 đồng đến hàng triệu đồng.

Vì thế, mới có chuyện có người sở hữu sim số đẹp nhưng vì chuyển sang thuê bao trả trước đã bị ăn cắp số một cách ngang nhiên. Anh T. phường Phú Hòa sở hữu dãy số 2 đuôi tự dưng bị đánh cắp. Anh vội vã đến nhà mạng để khiếu nại thì được trả lời tại vì số này không có đăng ký sử dụng nên nhà mạng không chịu trách nhiệm. Tương tự anh P, nhân viên ngành hải quan đã phải tất tả đến nhà mạng khiếu nại cho sim có dãy số 8 rất đẹp đã bị đánh cắp trắng trợn. Sau một thời gian đấu tranh quyết liệt, may mắn là anh đã được trả lại số của mình.

Điều này đã làm cho nhiều người phải lo ngại cho sự rủi ro của số điện thoại của mình trong khi vẫn đang sử dụng thuê bao của nhà mạng. Nhiều người cho rằng, nếu như một sim số không sử dụng một thời gian nào đó thì mất đã đành, chứ tại sao đang sử dụng mà vẫn bị mất số. Bởi vì thuê bao trả trước không có đăng ký là do nhà mạng không thực hiện đăng ký chứ đâu phải lỗi của khách hàng? 

Sự sôi động và đa dạng của các dịch vụ điện thoại đã cho NTD đô thị thêm nhiều cơ hội tính toán, lựa chọn để làm bài toán tiết kiệm chi xài cho mình, nhất là trong thời buổi vật giá biến động như hiện nay. Bên cạnh đó, cũng có những rủi ro tiềm ẩn mà NTD cần lưu ý để bảo vệ quyền lợi tiêu dùng của mình.

NGỌC TRINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=418
Quay lên trên