Soi rọi thực tiễn, khơi dậy khát vọng vươn lên của dân tộc

Cập nhật: 14-01-2023 | 09:45:01

Tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn, rút ra những bài học kinh nghiệm qua hơn 35 năm đổi mới đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta là nội dung xuyên suốt của cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cuốn sách có ý nghĩa quan trọng cho việc tiếp tục tổng kết lý luận về đường lối đổi mới của Đảng ta, khơi dậy và phát huy khát vọng phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội

Với 29 bài viết được tuyển chọn trong cuốn sách, những vấn đề cơ bản về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, trong đó, những câu hỏi: “Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì?”... đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phân tích thấu đáo, luận giải cặn kẽ trên cơ sở vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Từ sự phân tích bản chất của chủ nghĩa tư bản, những giá trị đạt được và những hạn chế của chế độ tư bản chủ nghĩa trong mối quan hệ khách quan, vận động và phát triển không ngừng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, xã hội xã hội chủ nghĩa với giá trị cốt lõi, bền vững và tốt đẹp mà nhân loại hướng tới chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn từ năm 1930 và đang tiếp tục phấn đấu thực hiện. Đó thực sự là “một xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người…”. Đó là một chế độ xã hội phát triển thực sự vì con người, phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội. Đó là một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn; một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân…

Một trong những vấn đề được thể hiện xuyên suốt trong cuốn sách của Tổng Bí thư đó là Đảng Cộng sản Việt Nam kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng. Từ những bài viết trong cuốn sách này, chúng ta đều thấy rõ giá trị không thể phủ nhận, sức sống trường tồn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tiến trình phát triển của nhân loại. Bất chấp sự xuyên tạc, chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch, thì chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn luôn là một học thuyết cách mạng, khoa học, hiện đại và hơn hết đó là một học thuyết mở; đồng thời là kim chỉ nam để các Đảng Cộng sản, các quốc gia vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của đất nước mình, làm cho chủ nghĩa xã hội trở thành hiện thực sinh động trên thực tiễn. Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng của Đảng; kiên định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nhất quán, xuyên suốt gần 93 năm qua là minh chứng sinh động cho thấy giá trị dân tộc và thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Khơi dậy khát vọng vươn lên của dân tộc

Cũng trong cuốn sách này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Trong chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”. Những luận điểm khoa học, sáng rõ trong bài viết như soi rọi vào thực tiễn xây dựng, phát triển đất nước, đồng thời hiệu triệu tất cả các tầng lớp nhân dân tiếp tục tin tưởng, đồng hành, đóng góp mạnh mẽ hơn vào công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Bài viết đã củng cố vững chắc tình cảm, nhận thức chính trị, niềm tin to lớn của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Trong chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng, “mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam”…

Trong suốt quá trình lịch sử, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng giải quyết các vấn đề xã hội, chăm lo cho con người, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa. Quan điểm cốt lõi của Đảng về chính sách xã hội là vì con người, lấy con người là trung tâm. Kết hợp tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước đi, từng chính sách, ở quy mô quốc gia, địa phương và cơ sở. Thực hiện chính sách phát triển bao trùm để mọi người dân đều được hưởng trực tiếp và công bằng các thành tựu của phát triển, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Trong đó, tập trung giải quyết thật tốt các vấn đề xã hội, nhất là an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Mục tiêu chính sách xã hội của Đảng, Nhà nước ta là nhằm xây dựng, phát triển con người, đem lại cuộc sống hạnh phúc cho con người, góp phần lành mạnh hóa xã hội và phát triển bền vững đất nước.

Trên nền tảng tư duy lý luận sâu sắc, cuốn sách đã trình bày, phân tích, lý giải các vấn đề lý luận và thực tiễn về mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam và nội dung, giải pháp để từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam một cách khúc chiết, rành mạch, rõ ràng, dung dị và dễ hiểu. Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cơ sở quan trọng cho việc tiếp tục tổng kết lý luận về đường lối đổi mới của Đảng ta, là tài liệu quý để giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, tạo nên sự đồng thuận xã hội để khơi dậy, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” lựa chọn 29 bài viết, bài phát biểu tiêu biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong thời gian từ khi chuẩn bị xây dựng Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đến nay. Những bài viết, bài phát biểu này đã đúc kết những thành tựu phát triển lý luận, những kết quả tổng kết thực tiễn mới nhất của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một công trình khoa học có tầm lý luận cao, tổng kết thực tiễn sâu sắc, khẳng định bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa xã hội và con đường để đưa đất nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam đến phát triển bền vững, phồn vinh và hạnh phúc.

NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên