Trước ý kiến của Bộ Tài chính khẳng định hiện chưa giảm giá bán lẻ xăng dầu khi giá dầu thế giới tiếp tục giảm, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc yêu cầu mạnh mẽ kiểm toán giá xăng dầu.
Mục đích là để hiểu rõ hơn về lỗ, lãi của doanh nghiệp cũng như hoạt động điều hành các cơ quan nhà nước...
Theo một quan chức Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng, không ít người tiêu dùng cả tuần qua liên tục hỏi nhau: không biết quyền lợi của mình có được tính đến đầy đủ? Bởi khi giá xăng dầu thế giới vừa tăng, Petrolimex và các doanh nghiệp đầu mối đã đòi tăng giá, nay giá thế giới giảm đã lâu nhưng trong nước vẫn giữ ở mức cao.
Ảnh minh họa (Ảnh: Internet)
Ông Phạm Quang Tú - Giám đốc Văn phòng hỗ trợ tư vấn phản biện và giám định xã hội, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật VN - cho rằng nếu ai quan tâm theo dõi giá xăng dầu gần đây thì đều thấy việc điều hành lên xuống, lỗ lãi trong kinh doanh xăng dầu vẫn không rõ ràng. Vì thế, quyết định giữ nguyên giá xăng dầu cũng... rất khó nói là thuyết phục.
Cần thông tin đầy đủ cách tính giá
Trả lời báo chí ngày 12- 8, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, khẳng định Bộ Tài chính chưa điều hành tăng hay giảm giá xăng dầu mà trước mắt vẫn phải theo dõi diễn biến tiếp theo. Ông Thỏa cho rằng với giá bình quân 30 ngày, doanh nghiệp chưa đủ để lãi và giảm giá.
* Theo thông báo của Bộ Tài chính, trong cuộc làm việc với Cục Quản lý giá ngày 11-8, tân Bộ trưởng Vương Đình Huệ yêu cầu Cục Quản lý giá phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng các kịch bản giá xăng dầu (có tăng có giảm) trên cơ sở các thông tin, yếu tố cấu thành giá... được thẩm định rõ ràng. Cần thông tin đầy đủ, đặc biệt là cách tính giá, yếu tố cấu thành giá để người dân tin và chia sẻ. Đối với các mặt hàng Nhà nước đang quản lý giá phải được kiểm soát chặt chẽ, các yếu tố hình thành giá phải được tính toán đầy đủ, công khai, minh bạch và thông tin rộng rãi.
Năm 2010, sau khi dư luận băn khoăn về giá xăng dầu tăng nhanh, giảm chậm, Petrolimex đã công bố giá cơ sở trên trang web, trong đó nêu đầy đủ các yếu tố cấu thành giá xăng dầu trong nước, gồm giá thế giới, các khoản thuế, phí, lợi nhuận, chi phí và có tổng kết với giá bán hiện tại Petrolimex lỗ, lãi bao nhiêu. Tuy nhiên, chỉ được vài tháng công khai, đến nay Petrolimex đã đóng hẳn mục này.
Trên trang web của Petrolimex chỉ còn công bố giá bán xăng dầu ở từng vùng và giá xăng dầu thế giới. Người tiêu dùng muốn tra cứu nhanh để giám sát - theo tuyên bố của lãnh đạo Petrolimex khi công bố cách tính giá cơ sở trên trang web - đã không còn dễ dàng như trước và phải tự tìm nguồn khác để tiếp cận, tính toán.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đã chính thức bác bỏ ý kiến cho rằng nên kiểm toán xăng dầu để phục vụ việc điều hành tăng giảm giá với lý do không ai đi kiểm toán một mặt hàng. Trả lời trước ý kiến trên, ông Đặng Văn Thanh, chủ tịch Hiệp hội Kế toán kiểm toán VN, khẳng định hoàn toàn có thể kiểm toán xăng dầu, và việc này có thể thực hiện được bởi các công ty kiểm toán độc lập tại VN hiện nay.
“Đây là kiểm toán hoạt động. Loại hình kiểm toán này sẽ soát xét độ trung thực, tính đúng đắn trong chi phí, giá bán của các doanh nghiệp xăng dầu” - ông Thanh nói.
Nguyên là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế ngân sách Quốc hội, ông Đặng Văn Thanh đề nghị nên tiến hành kiểm toán xăng dầu vì đây là mặt hàng nhạy cảm, liên quan đến đời sống dân cư, sản xuất kinh doanh của toàn xã hội, tác động lớn đến lạm phát. Kiểm toán chỉ có lợi, giúp công khai, minh bạch giá xăng dầu hơn nữa, tránh những cách hiểu khác nhau, không đồng thuận.
“Minh bạch cũng giúp giảm những tác động tâm lý tăng giá không đáng có mỗi khi điều chỉnh giá xăng dầu” - ông Thanh nói. Vì vậy, rõ ràng khi giá dầu thế giới giảm mạnh cả tuần nhưng giá trong nước giữ nguyên, thậm chí nhiều doanh nghiệp vẫn kêu lỗ, càng đặt ra yêu cầu cần kiểm toán, công khai thông tin hơn nữa về giá xăng dầu.
Theo Tuổi Trẻ