Sơn mài OCOP, mở ra hướng đi mới

Cập nhật: 09-12-2024 | 11:23:40

(BDO) Sản phẩm sơn mài được gắn “sao” OCOP không chỉ là một cơ hội kinh doanh mới mà còn mở ra hướng đi mới cho sản phẩm, góp phần tăng thêm chất lượng và giá trị cao của nghề sơn mài Tương Bình Hiệp. Trong đó, Công ty TNHH MTV Sơn mài Định Hòa (phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một) có 20 sản phẩm sơn mài là bình, dĩa, hộp, khay, tranh… vừa được UBND TP.Thủ Dầu Một công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.

“Tiếp sức” từ chương trình OCOP 

Trọng tâm của chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể đóng vai trò chủ thể, thực hiện theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. 




Sản phẩm sơn mài Định Hòa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và khẳng định được thương hiệu không chỉ nhờ uy tín, chất lượng mà còn bởi dấu ấn của bàn tay khéo léo, sức sáng tạo của những người thợ tài hoa

Lợi thế của Bình Dương khi triển khai chương trình OCOP là phần lớn các sản phẩm chủ lực đã được các địa phương xúc tiến đăng ký các sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình OCOP. 

Việc triển khai thực hiện tốt chương trình OCOP là một hướng đi tất yếu, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, tận dụng nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường và gìn giữ, phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn tỉnh nhà theo hướng bền vững. 

Để sản phẩm OCOP có thị trường tiêu thụ ổn định, địa phương cùng các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh, người dân trên địa bàn đã và đang tích cực phối hợp xây dựng thương hiệu sản phẩm, tạo ra cơ hội mới để phát triển sản phẩm OCOP. 

Đến nay, toàn tỉnh đã có 219 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao đến 4 sao; trong đó, có 12 sản phẩm 4 sao và 207 sản phẩm 3 sao của các chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh.

Làng sơn mài Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một vốn nổi tiếng lâu đời. Vào thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, các sản phẩm tranh sơn mài và đồ thủ công mỹ nghệ từ ngôi làng này đã từng xuất khẩu đi nhiều quốc gia như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Trong khoảng 20 năm trở lại đây, việc xuất khẩu sản phẩm của làng sơn mài Tương Bình Hiệp bị chậm lại. Nếu như năm 2001 làng nghề có đến 1.840 hộ tham gia sản xuất, với 3.860 lao động, thì đến nay chỉ còn khoảng 90 cơ sở. 

Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp, năm 2020, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch thuộc địa bàn TP.Thủ Dầu Một” và giao cho UBND TP.Thủ Dầu Một triển khai thực hiện. 

Đề án hướng đến mục tiêu xây dựng tổng thể làng nghề, quy hoạch và xây dựng khu sản xuất tập trung cho các doanh nghiệp sơn mài để bảo đảm về vấn đề môi trường, xây dựng nơi trưng bày sản phẩm chung cho làng nghề; đồng thời kết hợp xây dựng các tour du lịch tham quan, giới thiệu sản phẩm của làng nghề đến du khách trong và ngoài nước; tạo điều kiện cho các nghệ nhân, thợ giỏi truyền nghề, dạy nghề cho thế hệ trẻ. 

Đến nay, đề án đã thông qua quy hoạch 1/500 và sẽ triển khai các bước tiếp theo trong thời gian tới. Cùng với đề án bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài, nhất là khi có thêm sự “tiếp sức” từ Chương trình OCOP, kỳ vọng sẽ “phục hưng” làng nghề sơn mài vốn từng vang danh trong và ngoài nước. 

Chuyển mình theo xu hướng

Thời gian gần đây, nhiều sản phẩm từ làng nghề này đã được công nhận là đạt chuẩn OCOP. Anh Trương Hoàn Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sơn mài Định Hòa (phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một), cho biết: công ty có 20 sản phẩm sơn mài vừa được UBND TP.Thủ Dầu Một công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Sản phẩm sơn mài được gắn “sao” OCOP không chỉ là một cơ hội kinh doanh mới mà còn mở ra hướng đi mới cho sản phẩm. 

Qua việc tham gia vào chương trình OCOP, sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp được tiếp cận với thị trường rộng lớn hơn, làng nghề sẽ được chỉ dẫn, quy trình sản xuất, nguồn gốc, có cơ hội tiếp cận với các kênh phân phối chính thống và xuất khẩu. Điều này sẽ góp phần tăng thêm chất lượng và giá trị cao của nghề sơn mài Tương Bình Hiệp; đồng thời tạo ra thu nhập ổn định và bền vững cho cộng đồng làng nghề.

Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, hiện nay sơn mài Tương Bình Hiệp đang chuyển đổi mạnh mẽ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Những năm gần đây, người tiêu dùng ưa chuộng sản phẩm thủ công mỹ nghệ vừa mang tính trang trí, vừa có giá trị sử dụng.

Anh Nguyên cho biết các sản phẩm sơn mài Định Hòa đã đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và khẳng định được thương hiệu không chỉ nhờ uy tín, chất lượng mà còn bởi dấu ấn của bàn tay khéo léo, sức sáng tạo của những người thợ tài hoa. Hiện nay, sản phẩm sơn mài Định Hòa phục vụ chủ yếu làm quà tặng nội địa là những chiếc khay, hộp, lọ, tranh ảnh…

Anh Nguyên chia sẻ, kinh tế xã hội phát triển theo xu hướng mới, sản phẩm của làng nghề chịu những ảnh hưởng nhất định. Anh Nguyên trăn trở tìm cách để nghề truyền thống địa phương không bị mai một. Bước đầu, anh chuyển đổi công nghệ, tạo ra những sản phẩm quà tặng bằng sơn mài với kiểu dáng, hình thức mới lạ để hấp dẫn khách hàng. 

Anh còn mạnh dạn kết hợp với các công ty du lịch, các trường học trên địa bàn tổ chức những chương trình tham quan, trải nghiệm. Hy vọng rằng, mô hình kinh doanh mới này góp phần mở thêm hướng phát triển cho doanh nghiệp và góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị của làng nghề. 

Thoại Phương - Hải Dương

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=360
Quay lên trên