Về thăm làng nghề sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp vào những ngày này, chúng tôi không còn nghe tiếng thở dài trong lúc làng nghề gặp khó, mà đâu đó vẫn rộn ràng những thanh âm khẩn trương sản xuất kịp đơn hàng xuất khẩu đi “Tây”.
Nỗ lực vượt khó...
Những tháng đầu năm 2011, do ảnh hưởng chung của tình hình biến động giá cả, các nguyên liệu làm sơn mài đồng loạt tăng giá đã khiến nhiều hộ sản xuất gặp nhiều khó khăn. Để tạo ra sản phẩm sơn mài, trước hết phải có đủ nguyên liệu sơn phù hợp với những chất liệu sản phẩm khác nhau như: gỗ làm bàn ghế, tủ, bình; ván ép làm tranh, hộp; gốm làm bình, tượng; vải hay giấy làm những sản phẩm nhẹ, mỏng (bát đĩa, lục bình...). Sau đó, người thợ làm các công đoạn: sơn bó, sơn hom, sơn lót, sơn quang thí, sơn quang và sau mỗi lớp sơn khô đều phải đem ra mài nước, làm bóng. Thời gian để hoàn thành sản phẩm phải mất từ 3 đến 6 tháng, hầu hết các công đoạn đều làm thủ công.
Trong khó khăn các sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp vẫn đứng vững nhờ chất lượng tốt, mẫu mã phong phú
Anh Nguyễn Hoàng Mỹ ở ấp 4, có 19 năm trong nghề chia sẻ: “Năm 2010, 1kg sơn có giá 30.000 đồng, nay tăng lên 40.000 đồng, giấy nhám 7.000 đồng nay đã 10.000 đồng/tấm... Giá hộp giấy đóng gói sản phẩm cũng tăng từ 5.000 đồng lên 9.000 đồng. Hiện các cơ sở sản xuất lớn, có tiềm lực tài chính đã phải tăng lương để giữ thợ, dù giá các sản phẩm không tăng. Nhiều hợp đồng chúng tôi đã ký, nay giá gỗ tăng đột ngột, không kham nổi đành chịu phạt để hủy hợp đồng”.
Nhiều hộ cho biết, để tồn tại đến ngày nay, các cơ sở phải thường xuyên thay đổi mẫu mã mới, đẩy nhanh tiến độ giao hàng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đối tác. Ông Lê Bá Linh, Giám đốc Công ty TNHH Tư Bốn cho biết: “Trong tình cảnh khó khăn này, chúng tôi buộc phải tiết kiệm chi phí sản xuất bằng các biện pháp tính toán lại khả năng sử dụng điện, quản lý nguyên liệu... Thậm chí, chấp nhận sản xuất không có lời để giữ thợ, giữ khách”.
...người yêu nghề vẫn sống được
Khó khăn là thế, song vẫn có nhiều hộ vẫn ăn nên làm ra nhờ biết giữ chữ tín với khách hàng và liên tục tìm hướng đi mới. Chẳng hạn, năm 2007, trong khi nhiều hộ gia đình khác thu hẹp qui mô sản xuất, thậm chí dẹp bỏ nghề sơn mài thì ông Lê Bá Linh vẫn cương quyết “lên đời” cơ sở sơn mài của mình thành Công ty TNHH MTV Sơn mài Mỹ nghệ Tư Bốn. Và ông Linh đã đúng! Nhờ vào quyết định có phần mạo hiểm ấy, từ cơ sở sơn mài sản xuất theo quy mô gia đình, rất khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác ở nước ngoài, từ khi lên công ty độc lập, ông đã kiếm được nhiều đơn đặt hàng có giá trị hơn. Chỉ cho chúng tôi xem các mẫu lục bình tinh xảo để la liệt trong xưởng sản xuất, ông Linh cho biết: “Đấy là lô hàng sản xuất sang Pháp. Đối tác làm ăn của tôi từ nhiều năm nay. Từ khi mình lên mô hình công ty, họ yên tâm hơn khi ký hợp đồng số lượng lớn. Ngoài ra, chúng tôi luôn luôn đáp ứng được yêu cầu của khách hàng đúng thời gian, chất lượng để giữ uy tín”.
Ra đời trước công ty của ông Linh là DNTN Hùng Hương. Năm 2006, công ty này ra đời dựa trên cơ sở các mối làm ăn lớn của mình ở châu Âu với lượng hàng ổn định. Doanh nghiệp có cách làm rất lạ lẫm nhưng hợp thời: chỉ tuyển nhân viên bán hàng thông thạo tiếng Anh và tiếng Pháp dù chi phí bỏ ra cao gấp đôi, ba lần. Doanh nghiệp này còn mạnh dạn đầu tư showroom sang trọng với những mẫu mã đa dạng, lại có cả website riêng để khách hàng tham khảo. Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn, doanh nghiệp còn tích cực tham gia các Hội chợ hàng mỹ nghệ ở Pháp, Đan Mạch, Đức... Chính nhờ những biện pháp “gỡ rối” rất hiệu quả nên hiện nay Hùng Hương đã có lượng khách hàng ổn định ở các thị trường Pháp, Ả-rập-xê-út, Đan Mạch, Hy Lạp...
Ngoài các doanh nghiệp nhạy bén thay đổi để vượt khó đi xa kể trên, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp còn rất nhiều cái tên vẫn sống vững được với nghề như Thanh Bình Lê, Thùy Vân... Giữ được “lửa” trong tình cảnh ảm đạm của nghề sơn mài truyền thống như thế đã là một thành công to lớn của những người yêu nghề.
KHÁNH VINH
Anh Hồ Minh Thương - cán bộ phụ trách tiểu thủ công nghiệp xã Tương Bình Hiệp cho biết: “Năm 2007, toàn xã có 1.003 hộ làm nghề sơn mài, đến năm 2011 giảm còn khoảng 900 hộ với trên 3.000 lao động. Mỗi năm làng nghề xuất khẩu đạt kim ngạch gần một triệu USD. Năm 2008, xã Tương Bình Hiệp được tỉnh Bình Dương công nhận là làng nghề truyền thống, được hỗ trợ mở các lớp đào tạo nghề sơn mài, tổ chức hội chợ, hội thảo để đưa sản phẩm tiếp cận rộng với thị trường”.