Khi chúng ta biết ơn và thành kính kỷ niệm 122 năm Ngày sinh của Bác Hồ kính yêu, đâu đó khắp trên toàn thế giới này vẫn đang âm vang những cung bậc của tình cảm và sự ngưỡng mộ vô bờ bến đối với công lao và sự nghiệp cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên con đường giải phóng dân tộc và đấu tranh cho độc lập tự do của loài người.
Những ai đã đọc được bài báo Sức cảm hóa của Bác Hồ (1)gần đây đăng trên báo Văn Nghệ Trung ương đều không khỏi xúc động. Càng xúc động càng thấy tự hào “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta” như lời cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đọc trong điếu văn đưa tiễn Người tại Hà Nội ngày 9 tháng 9 năm 1969.
Trở lại bài báo Sức cảm hóa của Bác Hồ, ta thấy sự tuyệt vời trong cách tiếp cận với những tinh hoa của thế giới để lại làm nổi bật lên vẻ đẹp lấp lánh, lung linh của tinh hoa ấy trong cảm nhận, trong sự tuyên truyền giới thiệu cho mọi người học tập, làm theo…
Tôi xin mạn phép trích lại một đoạn:
“Trong lịch sử các cuộc cách mạng thế kỷ XX trên toàn thế giới, Hồ Chí Minh, nhà sáng lập và Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, giữ vị thế đặc biệt. Ông là người tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài nhất so với bất kỳ nhà lãnh đạo nào khác trong thời đại ngày nay chống bá quyền và đế quốc thực dân. Khi Mao Trạch Đông còn là một viên thủ thư trẻ (ở thư viện), chưa hề thoáng ý nghĩ cách mạng trong đầu, khi JosipBriz của Nam Tư chưa nghĩ ra việc dùng biệt danh Tito kêu gọi nhân dân nổi dậy, khi Fidel Castro (Cu Ba), Abdel Nasse (Ai Cập) và Che Guevara (Mỹ - La tinh) gần như vừa mới chào đời thì Nguyễn Ái Quốc từ năm 1919 đã đặt vấn đề giải phóng thuộc địa ra trước hội nghị hòa bình họp tại điện Versailles (Pháp)…
“Những điều làm nên sự độc đáo của Hồ Chí Minh, vượt lên cả vị thế của ông ở giao lộ, nơi con đường lịch sử của các nhà cách mạng châu Âu gặp các nhà cách mạng châu Á là ở chỗ, ông kết nối phong trào công nhân châu Âu bắt nguồn từ tập trung hóa công nghiệp với cuộc nổi dậy của đông đảo nông dân châu Á thoạt đầu chưa định hình được hợp lý hóa dần dần nhờ chủ nghĩa Mác (…)
(E.U., 1996, tập 11, trang 529 – 532).(2)
Đoạn văn trên đây trích từ bộ từ điển đại Bách khoa toàn thư thế giới ở Anh (Encyclopedia Britanica) và ở Pháp (Encyclopedia Universalis) viết về Bác Hồ sau khi Bác được UNESCO vinh danh là “Anh hùng dân tộc và Danh nhân văn hóa thế giới”.
Người được hai bộ sách đồ sộ nổi tiếng trên đây mời giới thiệu về Bác Hồ của chúng ta là một nhà báo nổi tiếng người Pháp, người đã từng kinh qua phục vụ chế độ thực dân Pháp ở Việt Nam thời kỳ sau năm 1945. Đó là ông Jean Lacouture, tùy viên báo chí của tướng Leclerc (viên tướng thực dân được tôn vinh ở Pháp như một nhà quân sự đại tài có công “giải phóng Paris”) đang có mặt tại Việt Nam lúc đó như là một sứ mệnh tiêu biểu về cai trị, áp đặt chủ nghĩa thực dân Pháp lên toàn cõi Đông Dương.
Jean Laccouture cảm phục Bác Hồ và đọc được ở Bác những tinh hoa nhân loại kết tinh trên nền một con người vĩ đại - Hồ Chí Minh nên khi được gặp và tiếp xúc với Bác Hồ một đôi lần, ông đã bị cảm hóa và thay đổi chính kiến, từ một người làm báo “cánh hữu” phục vụ chủ nghĩa thực dân Pháp, ông trở thành thủ lĩnh của “cánh tả” đấu tranh cho công bằng, tự do, bác ái, dân chủ, văn minh... Khi ông đặt bút viết về Bác Hồ như trong cuốn Đại từ điển bách khoa toàn thư của thế giới như vậy, ngòi bút của Jean Lacouture đã trở nên thăng hoa kỳ diệu để đến nỗi ông coi Hồ Chủ tịch như một đức tin tiêu biểu có khả năng thay đổi và kêu gọi mọi người cùng “dấn thân” và đấu tranh không mệt mỏi cho công cuộc giải phóng con người…
Jean Lacouture đã đánh giá hết sức trân trọng và tự hào về Bác Hồ và ông đã quyết tâm đi theo hệ tư tưởng vĩ đại mà Bác Hồ đã đi theo.
Chúng ta biết ơn và tự hào về Bác Hồ với tất cả tình cảm, lòng kính trọng và sự tin yêu, nguyện làm theo lời Bác, sống có mục đích, có lý tưởng, luôn luôn tự trau dồi mình về mọi mặt để xứng đáng là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; là con cháu của Bác Hồ kính yêu.
Sống có mục đích, sống có lý tưởng là sống biết dấn thân; biết sống “mình vì mọi người”, ra sức học tập rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội.
Có biết bao nhiêu điều tốt đẹp, ích nước lợi dân…con người có thể làm được?
Trong cơ chế lợi ích hiện nay, con người khó thoát khỏi sự cám dỗ của đồng tiền, nếu không điều chỉnh được thái độ sống và triết lý sống đúng đắn cho mình.
Cuộc sống mà từ lâu Bác Hồ đã dạy chúng ta cũng như Bác đã từng sống - Đó là “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” mà mỗi người chúng ta tùy theo điều kiện cụ thể của mình cần phấn đấu, tu dưỡng và sống được như thế.
Bùi Hải Phong
---------------------------- (1) “Sức cảm hóa của Bác Hồ”, bài của tác giả Phan Quang đăng trên tuần báo Văn nghệ số 17+18 ra ngày thứ bảy 28-4-2012, trang 5.(2) Trich từ bài báo đã dẫn.