Sống dậy câu chuyện về đôi guốc mộc…

Thứ ba, ngày 06/02/2024
Theo dõi Báo Bình Dương trên

(BDO) Nhắc đến Bình Dương, không chỉ có nhịp sống hối hả của một tỉnh công nghiệp phát triển, đô thị thông minh…, mà ở đó vẫn còn giữ được nhiều nét đơn sơ, mộc mạc từ những làng nghề truyền thống…

Lộc cộc tiếng guốc…

“Song song hai chiếc thuyền tình/ Đầu rồng đuôi phượng đóng đinh hai hàng/ Một chiếc em chở năm chàng/ Hai chiếc em chở mười chàng ra đi/ Trách người quân tử lỗi nghì/ Ăn trên ngồi trốc chẳng nghĩ gì đến em!”. Câu đố “đôi guốc” đã ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ người Việt. Và hôm nay, đến với phường Phú Thọ, một phường thuộc vùng ven của TP.Thủ Dầu Một sẽ thấy một con đường mang tên Xóm Guốc. Con đường dốc thoai thoải. Hai bên, hàng cây xanh mát. Cuối thu, lá rụng… đẹp như tranh. Nhiều người tự hỏi, đường Xóm Guốc có tự bao giờ? Và có phải nó được hình thành từ chính làng nghề làm guốc mộc có từ xa xưa?

Theo nghiên cứu của PGS.TS Phạm Ngọc Trâm, Giám đốc Viện Đông Nam bộ (trường Đại học Thủ Dầu Một), đường Xóm Guốc có từ năm 1999, trước đó người dân gọi là đường dốc Cây Sậy, thuộc ấp Phú Văn. Dấu ấn của con đường này là có nghề làm guốc đã tồn tại từ hơn 100 năm trước.


Những người gắn bó với nghề làm guốc mộc luôn đau đáu làm sao làng nghề được bảo tồn, phát huy để giữ gìn những nét văn hóa truyền thống

Làng nghề guốc mộc ở Bình Dương ra đời tương đối trễ so các làng nghề thủ công khác. Nó xuất phát từ Lái Thiêu, Bình Nhâm vì vùng này có loại cây thích hợp làm nguyên liệu cho nghề guốc mộc như cây xăng máu, cây gòn, cây dong...; sau đó phát triển lan rộng sang các vùng lân cận như Phú Văn, Bà Lụa… Cũng như các nghề sơn mài, điêu khắc trên vùng đất Thủ Dầu Một, nghề guốc mộc ở ấp Phú Văn mới hình thành đầu thế kỷ XX. Lúc bấy giờ có hơn 80 hộ dân làm nghề.

Theo anh Đỗ Văn Tiến, một người trong gia đình có mấy đời làm guốc, những năm trở lại đây, khoa học công nghệ phát triển, chủng loại, mẫu mã giày dép phong phú hơn nên guốc mộc ít được ưa chuộng. Nhiều hộ ở làng nghề cũng vì lý do đó mà phải chuyển sang nghề khác. Làng nghề ngày càng mai một. Đến nay, nghề làm guốc ở Xóm Guốc chỉ còn vài hộ gia đình. Tuy nhiên, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nghề guốc mộc không chỉ sinh kế mà còn là một nét văn hóa độc đáo riêng, có sứ mệnh riêng. Với một số người, bám trụ với nghề, không hẳn vì cuộc sống mưu sinh mà còn là cái tâm của các thế hệ con cháu, muốn giữ lửa cho cái nghề mà cha, ông đã truyền lại. Vì vậy, những hộ làm guốc mộc vẫn đang tiếp tục tìm cách cải tiến mẫu mã để thích ứng với thị trường, gìn giữ giá trị một làng nghề.

Đến Xóm Guốc, hỏi ông Tư Văn làm guốc, người lớn, kẻ nhỏ ai cũng biết. Bởi ông gắn bó với nghề này lâu lắm rồi. Đến nay, ông không còn nhớ nổi là mình đã bén duyên với nghề guốc từ khi nào. Bởi ngày trước, Xóm Guốc rất hưng thịnh. Ông theo nghề gia truyền từ thuở nhỏ. Nay tuổi đời tròm trèm 80, hàng ngày, ông vẫn cần mẫn với công đoạn tiện hoa văn cho guốc. Với ông, nghề guốc như cái nghiệp, không chỉ giúp ông có việc làm, có thu nhập, mà ở đó còn có cả một trời ký ức…

Tìm lại tiếng guốc

Trân trọng một làng nghề, cũng như “làm sống dậy câu chuyện về đôi guốc mộc Việt Nam” - một “sản phẩm văn hóa” gắn liền và tôn vinh nét đẹp của bộ áo dài truyền thống, trường Đại học Thủ Dầu Một và Bảo tàng Áo dài TP.Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc để trao đổi, bàn thảo các định hướng, giải pháp nhằm giữ gìn và phát triển làng nghề ở Xóm Guốc. “Với nguy cơ mai một nghề làm guốc gỗ truyền thống, đề xuất hợp tác từ phía Bảo tàng Áo dài TP.Hồ Chí Minh là một tín hiệu vui cho nghề guốc ở Bình Dương, góp phần bảo tồn và phát triển nghề truyền thống một cách bền vững, mở ra cơ hội thúc đẩy việc sản xuất và quảng bá sản phẩm truyền thống của địa phương”, PGS. TS Phạm Ngọc Trâm cho biết.

Tuy không còn ở thời hoàng kim, nhưng ngày nay, guốc mộc từ làng quê, từ sự bình dị, gần gũi đã hiện diện trên khắp các nẻo đường, trên các sàn diễn thời trang và có cả trong túi quà của người Việt xa xứ. Cùng với áo dài, nón lá, guốc mộc Việt đã tạo nên nét đẹp rất riêng cho chị em phụ nữ. Nét đẹp chính là ở sự dịu dàng, duyên dáng, không chỉ trong cái nhìn, mà cả ở sự cảm nhận. Và, những người yêu mến nét mộc mạc đó đang muốn guốc mộc sẽ được gìn giữ và phát huy giá trị, bởi như PGS. TS Phạm Ngọc Trâm trăn trở: Khôi phục, phát triển nghề làm guốc mộc không chỉ là bài toán kinh tế, mà còn là để gìn giữ một nét đẹp văn hóa của đất và người Bình Dương"…

THU THẢO