Sống dậy những ân oán và hồ nghi quanh cái chết của ông Yasser Arafat

Cập nhật: 14-07-2012 | 00:00:00

Lãnh tụ phong trào giải phóng Palestine (PLO) Yasser Arafat có thể bị đầu độc! Đó là suy đoán sau một cuộc điều tra kéo dài 9 tháng của đài Al-Jazeera vừa được công bố vào chiều ngày 3-7 vừa qua.

Theo bài phóng sự của đài truyền hình Qatar này, cựu lãnh tụ Palestine đã qua đời ngày 11-11-2004 do bị đầu độc bằng polonium. Để củng cố cho suy đoán của mình, các phóng viên của đài đã thu thập những đồ dùng cá nhân lúc cuối đời của ông Arafat - quần áo, bàn chải răng và chiếc khăn rằn biểu tượng - vẫn còn dính máu, mồ hôi của ông. Các vật dụng này sau đó được chuyển đến Viện Vật lý phóng xạ Lausanne (Thụy Sĩ) để phân tích. Kết quả thật rõ ràng.

 Bà Souha Arafat và ông Yasser Arafat năm 1996. "Tôi có thể khẳng định là đã đo được một lượng khá cao nguyên tố polonium 210 trong đồ dùng cá nhân của ông Arafat vốn còn mang vết tích các chất dịch sinh học" - Viện trưởng Viện Vật lý phóng xạ Lausanne, tiến sĩ François Bochud cho biết. Polonium là một chất không màu nhưng cực độc mà chỉ những ai quan tâm hay chế tạo vũ khí hạt nhân mới có thể tiếp xúc.

Ngày 12-10-2004, ông Arafat than bị đau bụng sau khi dùng bữa tại nhà ở Ramallah, nơi ông sống ẩn dật từ 3 năm trước đó. Trong suốt 2 tuần ông bị nôn mửa và tiêu chảy cấp, sụt mất 3kg. Trong thời gian điều trị bằng kháng sinh nhưng không có kết quả, ông được chuyển sang Pháp. Ngày 29-10-2004 ông được đưa vào Quân y viện Percy de Clamart. Các bác sĩ luân phiên chăm sóc ông nhưng không tìm ra nguyên nhân của căn bệnh. Ông từ trần ngày 11-11-2004 do "tai biến mạch máu não xuất huyết trầm trọng" theo báo cáo y khoa.

Sự cố này khiến người ta nhớ lại hội chứng mà điệp viên 2 mang của Nga Alexander Litvinenko đã mắc phải và chết vào năm 2006 tại London sau khi bị đầu độc cũng bằng polonium. "Ngay cả trong trường hợp của Litvinenko, vết tích của polonium được tìm thấy chỉ vào khoảng vài mBq (milliBecquerel). Thế nhưng trên bàn chải răng của ông Arafat có đến 54mBq, còn vết nước tiểu trên đồ lót lại đến 180mBq" - François Bochud giải thích.

Để củng cố cho kết luận, các nhà khoa học ở Lausanne muốn đối chiếu kết quả xét nghiệm với mẫu máu và nước tiểu của ông Arafat mà Bệnh viện Percy còn lưu giữ. Nhưng tại đây người ta cho biết rằng đã tiêu hủy tất cả. Hơn nữa các bác sĩ từng chăm sóc ông Arafat lại từ chối trả lời, cho rằng trường hợp của ông là "bí mật quân sự". Và cũng chẳng có cuộc giảo nghiệm tử thi nào được thực hiện. Những kết quả đó khiến cho bà vợ góa của ông, Souha Arafat, phải phá vỡ sự im lặng. Bà đã yêu cầu chính quyền Palestine khai quật tử thi của ông Arafat tại Ramallah. Nhân tiện, bà cũng trao cho Đài Al-Jazeera hồ sơ y khoa gốc của chồng.

Theo bà, bệnh án cho thấy nguyên nhân cái chết của ông Arafat là do "sự phá hủy các hồng cầu nhưng không nói rõ lý do". Thế nhưng các bác sĩ Thụy Sĩ rất dứt khoát. Ông Arafat không chết vì xơ gan, ung thư hay HIV như nhiều kẻ xấu miệng đã loan tin để làm ô uế hình ảnh của ông. Ít ra tôi cũng đã làm một điều gì đó để giải thích với nhân dân Palestine rằng đó không phải là một cái chết tự nhiên mà là một tội ác" - bà Souha Arafat cho biết. Còn người cháu họ của ông, Nasser al-Qidwa, thành viên Fatah, tuyên bố: "Chúng tôi tái khẳng định rằng ban lãnh đạo Israel có trách nhiệm trong cái chết của cựu Tổng thống Arafat, nhưng chúng tôi cũng thừa nhận không đủ khả năng để có được một câu trả lời dứt khoát".

"Rõ ràng rằng Chính phủ Israel đã bị lên án vì bài phóng sự đó" - giáo sư chính trị Denis Charbit ở Đại học Israel nhận định. Theo ông nếu quả thật trong quá khứ Israel đã thực hiện các vụ ám sát nhắm vào tất cả những ai gây nguy hại đến lợi ích của Israel, thì sẽ không có lợi gì khi thủ tiêu ông Arafat. Năm 2004, tức 4 năm sau khi cuộc Thánh chiến lần thứ hai được phát động, ông Arafat lúc ấy 75 tuổi và đã suy yếu nhiều. Ông sống ẩn dật tại Ramallah, bao quanh là quân đội Israel. "Nếu Thủ tướng Israel Ariel Sharon muốn thủ tiêu ông Arafat, đúng ra nên làm trong cuộc chiến Liban năm 1982. Năm 2004, việc giữ ông Arafat ở vị trí lãnh đạo Palestine nhưng bị quản thúc sẽ có lợi cho Israel hơn" - nhà nghiên cứu Jean-François Legrain giải thích.

Ông Arafat từ trần vào cuối năm 2004 đã đẩy phe Hamas lên mặt tiền chính trường quốc tế, kéo theo tình trạng huynh đệ tương tàn với Fatah sau chiến thắng của phe Hamas trong cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp năm 2006. Phải chăng Hamas có dính dáng tới cái chết của ông Arafat? "Hamas chưa bao giờ thủ tiêu các thành viên Fatah cả. Thủ đoạn đó chỉ được Fatah thực hiện lẫn nhau, nhưng cách đầu độc không phải là thói quen của họ" - Jean- François Legrain cho biết.

"Câu trả lời nằm trong hồ sơ bệnh án mà bà Souha và người cháu họ Nasser al-Qidwa nắm giữ. Thật khó hiểu rằng Bệnh viện Percy chuyên về phóng xạ lại không tìm thấy dấu vết polonium trong cơ thể ông" - Jean- François Legrain nhận xét. Từ đó người ta có thể thắc mắc: vì sao bà Souha phải chờ đến hơn 7 năm sau mới yêu cầu giảo nghiệm tử thi? Có thể bà muốn sống im hơi lặng tiếng tại Tunisia vì từ năm 2003 bà đang bị luật pháp Pháp điều tra về những vụ chuyển ngân khả nghi trong tài khoản của bà tại Paris.

Câu trả lời sẽ có vào một ngày gần đây. Sau khi chỉ yêu cầu thành lập một ủy ban điều tra quốc tế, cuối cùng nhà cầm quyền Palestine đã chấp thuận khai quật tử thi của ông Arafat. "Chính phủ sẵn sàng hợp tác và tạo mọi thuận lợi để tìm ra nguyên nhân thực sự về căn bệnh đã dẫn đến cái chết của ông Arafat. Chẳng có lý do tôn giáo hay chính trị nào ngăn cản việc xem xét lại vấn đề, kể cả việc giảo nghiệm thi thể của người chết bởi các tổ chức khoa học và y học đáng tin cậy với sự đồng ý của gia đình người chết" - phát ngôn viên của Tổng thống Mahmoud Abbas tuyên bố.

Còn phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Israel lại gạt phăng cuộc điều tra của Đài Al-Jazeera: "Nếu điều dị hợm có thể giết người, bài phóng sự đó là thủ phạm đầu tiên"

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=619
Quay lên trên