Sóng gió tại làng Văn học nghệ thuật thành phố Cần Thơ

Cập nhật: 28-03-2012 | 00:00:00

Giới văn nghệ sĩ, không chỉ đồng bằng, chưa hết xôn xao trước việc Chủ tịch Hội Nhà văn TP Cần Thơ buộc phải thôi chức, chịu nhận kỷ luật khiển trách Đảng thì tiếp tục đình đám bởi vụ trao giải nhiếp ảnh Nét đẹp Cần Thơ. Nhiều vấn đề được nhìn lại, đặt ra trước thềm Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) TP Cần Thơ.

 Bến Ninh Kiều, nguồn cảm hứng thi nhân."Xin thông cảm và thứ lỗi cho tôi", một số người đã nhận được tin nhắn từ vị chủ tịch “bút sa… là chết”. Cái sai đã rõ, không thể biện minh nhưng dư âm xót xa, giận, buồn vẫn đọng lại. Nhà văn Nguyễn Khai Phong, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn TP Cần Thơ, trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2007- 2011, cũng nhìn nhận: Đa số đời sống hội viên còn gặp nhiều khó khăn, nhiều hội viên không thể sống được bằng nhuận bút với các tác phẩm văn học đích thực. Một số tạm sống được phải đi theo con đường viết báo là chính, ảnh hưởng đến tính chuyên nghiệp của nhà văn. Điều này rất khó giải quyết, khó tạo ra tác phẩm có đỉnh cao ở tầm khu vực và cả nước.

Liên hiệp các Hội VHNT Cần Thơ đã làm được nhiều việc như mở trại sáng tác, tổ chức đi thực tế, in tuyển tập, hỗ trợ kinh phí in sách cho hội viên; có các tác giả đoạt giải các cuộc thi cấp Trung ương, ĐBSCL, TP Cần Thơ… nhưng những sự cố lùm xùm, “ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi” lại lấn lướt, vụt làm Cần Thơ “nổi danh” hơn.

Cái danh Tây Đô được cả lục tỉnh xưa thừa nhận cũng bởi dấu ấn văn hóa đậm nét của nơi đây. Đây là nơi đã sản sinh ra Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (1807 - 1872), đỗ Giải nguyên năm Ất Mùi 1835; có vở tuồng Kim Thạch kỳ duyên cổ nhất nước ta từng lưu diễn trên cả ba miền, là vở tuồng đầu tiên của nước nhà được dịch ra tiếng Pháp (1934). Có “Tao đàn Bà Đồ” tụ hội tài văn chói sáng Nam bộ như Phan Văn Trị, Huỳnh Mẫn Đạt, Lê Quang Chiểu, Phan Hiến Đạo, Nguyễn Thần Hiến... Có “Hậu tổ cải lương” – Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền với “Thanh gươm ái quốc chàng treo đó/Giọt máu chung tình thiếp tưới đây” (Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà trong Giọt máu chung tình) cùng những kịch bản lớn như Phụng Nghi Đình, Hoa Mộc Lan tùng quân, Đêm trăng vĩnh biệt... in sâu trong lòng khán giả mộ điệu hơn nửa thế kỷ qua.

Trường Collège de Can Tho, cái nôi tri thức của bao nhiêu thế hệ học sinh là chiến sĩ cách mạng, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nổi tiếng như Châu Văn Liêm, Nguyễn Văn Tây, Tạ Thanh Sơn, Nguyễn Văn Hiếu, Trần Bửu Kiếm, Ung Văn Khiêm, Lưu Hữu Phước, Lương Định Của, Sơn Nam, Viễn Phương, Trần Kiết Tường…

Thời điểm này, chỉ riêng Hội Nhà văn Cần Thơ đã có trên 80 hội viên. 9 hội chuyên ngành trực thuộc có 475 hội viên (trong đó 148 hội viên chuyên ngành Trung ương). Trong nhiệm kỳ vừa qua kết nạp mới 194 hội viên, tăng hơn 64% so với đầu nhiệm kỳ. “Chỉ sáng tác vài bài hát hay mấy bản ca cổ lẻ cũng là nhạc sĩ, tác giả soạn giả sân khấu thì quả là xem nhẹ cái nghề sáng tạo này” - đạo diễn Đ.C. nhận xét.

Ngược lại, có nghệ sĩ đã thành danh, được công chúng đón nhận lại bạc đầu chờ xét vào hội viên cấp Trung ương. Nếu tính chuyên nghiệp được đẩy lên ngang bằng với số lượng, có lẽ Cần Thơ đã có dấu ấn tích cực hơn trong đời sống VHNT đồng bằng và cả nước. Nêu vậy để thấy việc chọn những người lãnh đạo ngành văn hóa văn nghệ, ngoài các yêu cầu chung thì uy tín nghề nghiệp phải được đặc biệt coi trọng.

Làm thế nào để đoàn kết, “muôn người như một” trong tập thể là khó, đối với văn nghệ sĩ chắc càng phức tạp hơn. “Điều lớn nhất, đáng lo nhất là hiện tượng phân tâm phân tánh, nối dây kết bè không vì cái chung…” - một hội viên kỳ cựu than thở. Nhiều câu hỏi chưa được giải đáp sẽ dẫn đến chán nản, buông xuôi, phân hóa. Vì sao cả 10 năm qua, Hội Nhà văn Cần Thơ mới có 1 hội viên được gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam (nâng tổng số lên… 4)? Tại sao một số nghệ sĩ tên tuổi (như Minh Thơ, Hữu Tín…) chưa là hội viên? Có hội viên vững chuyên môn, còn năng lực lại xin ra hội?

Liên hiệp các hội VHNT phải là mái nhà chung, là bà đỡ cho các tác phẩm của văn nghệ sĩ; chi phối, điều hành hoạt động VHNT cùng khả năng tập hợp, thu hút trí tuệ trong và ngoài hội. Khi văn hóa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thì vai trò đầu tàu của văn hóa văn nghệ sẽ mang trọng trách lớn. Điều này không dễ, nhiều người ngán ngại bởi hội VHNT là hội nghề nghiệp, vận động là chính. Đại hội Liên hiệp các Hội VHNT TP Cần Thơ chưa thể tiến hành cũng bởi “nặng đầu” về vấn đề nhân sự.

Những cá nhân có tâm, có tầm, bản lĩnh và giỏi chuyên môn sẽ hút được tâm huyết, chất xám; sẽ tạo được niềm tin và khơi dậy sức sáng tạo của hội viên. Văn hóa trong cái tài của người lãnh đạo sẽ tạo cho người khác những cơ hội gì để họ làm được những điều tốt đẹp cho họ và cho tất cả. Có lần, khi được hỏi về tính cách của “đàn anh”, nhà văn hóa Sơn Nam nói, đúng chất Nam bộ: Làm đàn anh phải cho em út mượn tiền khi nó ngặt, phải kiếm được việc cho nó sống.

“Đất Cần Thơ nước trong không gạo trắng”. Âm hưởng này phải được xóa bỏ, đó là đòi hỏi của đất và người nơi đây. Trách nhiệm này không chỉ của các cấp quản lý, các Hội VHNT TP Cần Thơ mà còn của từng hội viên.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên