Sống là để sẻ chia…

Thứ bảy, ngày 06/10/2012

Ẩn mình trong một con hẻm nhỏ chừng 1,5m trên đường Phan Thanh Giản, khu phố Bình Đức 2, phường Lái Thiêu (TX.Thuận An) là một căn nhà rất nhỏ của vợ chồng lương y Ngô Thị Y và Phan Thành Lợi. Trong căn nhà nhỏ đó, họ dành một căn phòng lớn nhất để làm điểm châm cứu đông y. Nơi đó, những bệnh nhân (BN) nghèo từ khắp nơi ngày ngày vẫn có mặt đều đặn để nhận sự chăm sóc ân cần từ đôi bàn tay nhân ái của cặp vợ chồng già yêu thích việc thiện…

Nguyện làm việc thiện

Từng là phóng viên thời miền Nam chưa giải phóng, đồng thời là giáo viên của trường Câm điếc (Lái Thiêu), ông Phan Thành Lợi, SN 1950 cho biết mình yêu thích việc viết lách và sưu tập sách. Đối với ông, mỗi một câu văn, câu danh ngôn hay một bài báo, một hình ảnh nào đó có ý nghĩa đều là những tài sản quý báu được ông cắt, dán, ghép, ép plastic để lưu giữ một cách cẩn thận. Thật bất ngờ khi ông cho người viết coi rất nhiều tập sách cổ về Phật giáo, về các lĩnh vực khoa học thường thức, văn hóa - xã hội… đã rất cổ xưa. Trong căn phòng khách nhỏ chừng 20m2, ông tự tay sắp đặt, trang trí bàn thờ các vị Vua Hùng, các anh hùng lịch sử, tiếp đó là bàn thờ Đức phật Thích Ca Mâu Ni và các vị Bồ Tát. Bên dưới là những chiếc tủ gỗ cất đặt những vật dụng nhỏ bé, tưởng chừng không có ý nghĩa trong cuộc sống công nghệ, hiện đại ngày nay. Nhìn vào căn phòng có vẻ hơi “chật” mắt người xem này, rõ ràng có thể nhận thấy ngay chủ nhân của nó là người trân trọng những giá trị tinh thần biết nhường nào.

 BN đến chữa bệnh tại đây phần lớn là bà con nghèo trong và ngoài tỉnh Vợ ông, bà Ngô Thị Y, SN 1949 nguyên là một điều dưỡng viên, nữ hộ sinh khoa sản làm việc tại Phòng Y tế Thuận An ngày trước. Đến năm 1995, bà xin nghỉ rồi học thêm khóa đông y kéo dài một năm rưỡi. Tiếp đó, bà thi cử, sát hạch để trở thành Hội viên Hội Đông y Q.12 (TP.HCM). 3 năm sau, bà Y được giới thiệu vào Hội Đông y TP.HCM, đến năm 2006 bà chính thức trở thành hội viên Hội Đông y Trung ương. Trước đó, năm 2004 vợ chồng ông thành lập Điểm châm cứu từ thiện tại nhà (133 bis Phan Thanh Giản, khu phố Bình Đức 2, phường Lái Thiêu) để châm cứu miễn phí cho tất cả những BN nghèo trong và ngoài tỉnh. Cùng tham gia các khóa học với vợ để trở thành hội viên Hội Đông y Trung ương với tư cách là kỹ thuật viên, ông Lợi đã quá quen với việc phụ vợ chăm sóc BN cả ngày lẫn đêm. Về điều này, ông bộc bạch: “Nói từ thiện thì quá cao xa, chúng tôi chỉ dám dùng hai từ “chia sẻ”. Cả hai vợ chồng đã quy y cửa Phật, trở thành Phật tử từ lâu với tâm nguyện làm việc hữu ích cho chúng sanh. Chúng tôi làm việc này cũng mong xoa dịu bớt nỗi đau cho các BN nghèo không có tiền chạy chữa. Vợ chồng tôi cố gắng sống tốt đời đẹp đạo, thực tâm phục vụ bà con nên chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho chúng tôi làm việc thiện…”.

 Ông Lợi với chú heo vàng từ thiện, tích góp tiền cho những lần mua dụng cụ y tế Biết ơn những tấm lòng nhân hậu

Tìm hiểu phía đại diện khu phố Bình Đức, đại diện phường Lái Thiêu, chúng tôi được biết địa phương đã tạo điều kiện để vợ chồng ông Lợi châm cứu từ thiện cho bà con nghèo nhiều năm nay. Riêng Hội Đông y TX.Thuận An, mới đây cũng đã đến điểm châm cứu này động viên vợ chồng ông Lợi nên chuyển sinh hoạt về Hội Đông y Thuận An cho thuận tiện. Về điều này, vợ chồng lương y Ngô Thị Y cho biết đang làm thủ tục xin chuyển sinh hoạt về Hội Đông y thị xã, đồng thời sẽ đăng ký học thêm khóa bấm huyệt mới tại đây.

Theo bà Ngô Thị Y, khoảng 3, 4 năm trở lại đây số BN tìm đến ngày một đông. Những năm đầu chỉ có người trong xóm nhưng dần dà BN từ Q.12, Q.Gò Vấp (TP.HCM) và một số địa bàn xa trong tỉnh như Bến Cát, Dầu Tiếng… cũng tìm đến châm cứu. Không phải là thần y, cũng chưa phải là bậc đại tài trong giới Đông y, bà Ngô Thị Y chỉ nhận chữa trị những căn bệnh phổ thông như: viêm thần kinh nội ngoại biên, viêm đa khớp, thần kinh tọa, thoái hóa cột sống, rối loạn tiền đình, đau nhức, suy nhược cơ thể, đau mắt… Ngoài việc châm cứu, với kinh nghiệm điều dưỡng viên, bà còn truyền nước biển, sơ cứu, bấm huyệt hoàn toàn miễn phí. Vợ chồng bà Y cũng đã đầu tư thêm giường massage, máy xông xoang… để phục vụ tốt hơn cho BN. Trong phòng châm cứu có một thùng tùy hỷ, tùy lòng hảo tâm mà BN có thể bỏ vào đây 5.000 đồng hoặc 10.000 đồng cho mỗi lần châm cứu. Số tiền này, vợ chồng bà Y sẽ gom lại mỗi tháng để mua thêm thiết bị y tế. Theo vợ chồng ông bà, mỗi ngày có khoảng 20 - 30 lượt BN ghé châm cứu, buổi tối ưu tiên cho anh chị em công nhân sau giờ tan ca muốn được chữa bệnh.

Những lần chúng tôi có mặt ghi nhận thông tin, điểm châm cứu của vợ chồng bà đều rất đông BN. Ông Trần Ngọc Sang, 56 tuổi, khu phố 2, phường Thạnh Lộc, Q.12 chia sẻ: “Tôi bị té xe, gãy xương sườn số 6, đi băng bó tại bệnh viện đã liền xương, nhưng về sau mỗi lần đi ngủ nằm nghiêng bên trái lại thấy đau và bị tê tay. Tôi đến đây điều trị, đã thấy bớt…”. Ngoài ông Sang, còn có rất nhiều BN khác như bà Trần Thị Ba, 84 tuổi; ông Nguyễn Văn Sau, 61 tuổi... người nằm giường massage, người được châm cứu, người được giác hơi... với những “bầu tâm sự” riêng về bệnh tật nhưng tất cả đều dành cho vợ chồng lương y Ngô Thị Y những tình cảm yêu mến, kính trọng.

Bên cạnh việc châm cứu tại nhà, vào ngày 1, 15 mỗi tháng vợ chồng ông Lợi xin phép trụ trì chùa Giác Tâm tạo điều kiện châm cứu cho các BN là Phật tử và bà con Lái Thiêu, An Sơn, An Thạnh (TX.Thuận An). Một điểm rất đáng mừng, sống giữa xóm đạo nhưng cặp vợ chồng Phật tử này rất được sự yêu mến của bà con xung quanh, tấm lòng nhân ái đã đưa các tôn giáo vượt qua những rào cản để xích lại gần nhau. Hiện, vợ chồng ông Lợi vẫn duy trì các chuyến đi đến với BN nghèo ở Giáo xứ Tha La (Tây Ninh) để châm cứu. Được linh mục Nguyễn Văn Thắm, phụ trách giáo xứ nơi đây tạo điều kiện về địa điểm châm cứu và cứ đều đặn vào 5 giờ sáng thứ ba đầu tháng, vợ chồng ông Lợi cùng 3 BN tình nguyện đón xe từ Bình Dương đến Tây Ninh chữa bệnh. 19 giờ cùng ngày, họ đón xe trở về Bình Dương trong sự mệt mỏi rã rời vì một ngày vất vả châm cứu, bấm huyệt cho hàng trăm lượt BN nhưng họ vẫn cảm thấy vui.

TÂM TRANG