Dẫu biết, "sinh - tử" là quy luật của đời người. Dẫu biết, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Nguyễn Thị Thứ nhẹ bước non tiên khi đã sang tuổi 106 - cái tuổi đại thọ xưa nay hiếm người có được! Vậy mà, tin Mẹ Thứ qua đời vẫn làm bàng hoàng, đau đớn hàng triệu trái tim cán bộ và nhân dân cả nước. Mẹ Thứ không còn nữa, nhưng huyền thoại về Mẹ vẫn còn mãi mãi trong trái tim bao thế hệ đang sống và trường tồn với non sông đất nước…
Tôi vẫn nhớ như in cái buổi chiều cách đây đã gần 6 năm trước, khi đến thăm Mẹ Thứ ở xóm Rừng, thôn Thanh Quýt (Điện Thắng Trung, Điện Bàn, Quảng Nam). Ngày ấy Mẹ Thứ đã bước vào tuổi 101. Đài Tiếng nói Việt Nam đang cùng UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức tọa đàm việc xây dựng tượng đài Bà mẹ VNAH lấy nguyên mẫu Mẹ Thứ.
Vì rằng, Mẹ là hình tượng tiêu biểu cho hơn 6.400 Bà mẹ VNAH của tỉnh Quảng Nam và hơn 50.000 Bà mẹ VNAH của cả nước nói chung, trong kháng chiến đánh giặc cứu nước đã có nhiều đóng góp công sức cho cách mạng, cống hiến những người con ưu tú cho Tổ quốc, nhân dân…
Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an trong một lần đến thăm Mẹ Nguyễn Thị Thứ, khi Mẹ đã vào tuổi 104.
Tôi đem chuyện dựng tượng hỏi, Mẹ Thứ có mơ ước gì? Mẹ Thứ cười móm mém nói rằng, con người ta chết sẽ hóa ra đất, ra cát, nhưng nếu dựng tượng thì cho mẹ ở cạnh Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn để được gần các con… Một người mẹ tuổi gần đất, xa trời song vẫn không quên được những đứa con mình dứt ruột sinh ra. Tình mẫu tử thiêng liêng vẫn không hề vơi cạn trong lòng mẹ dù bao năm tháng đã đi qua, cuộc chiến tranh đầy máu lửa cũng đã chìm sâu vào quá vãng.
Tôi chạnh lòng xót xa khi nghe bà Lê Thị Trị (người dân địa phương thường gọi bà Hai Trị), người con gái đầu cũng là duy nhất của Mẹ Thứ may mắn còn sống sót sau mưa bom, bão đạn, kể rằng, vì mù lòa Mẹ Thứ thường nằm một chỗ. Nhưng mỗi khi có ai đến thăm, hoặc nghe có tiếng động là Mẹ lật đật ngồi dậy hỏi: "Đứa mô dzề rứa bây?!". Mẹ Thứ đã cạn khô nước mắt khóc thương 9 người con ngã xuống trên chiến trường đánh Mỹ, nhưng dường như trong tâm khảm của Mẹ vẫn hằng mong các con mình còn sống khỏe mạnh và trở về với mẹ như thuở nào…
Bà Hai Trị cũng nói với tôi rằng, Mẹ Thứ không chỉ có 9 người con ruột, mà còn có cả con rể là ông Ngô Tưởng (chồng bà Trị) và 2 cháu ngoại là chị Ngô Thị Cúc và chị Ngô Thị Điểu đều là con của bà Trị, cũng hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, nhân dân.
Hồi đó, nhiều người vẫn còn chưa biết chuyện chị Ngô Thị Điểu làm nhiệm vụ cảnh giới cho cha mình và các cán bộ trong căn hầm bí mật ở vườn nhà Mẹ Thứ, rồi trúng ca nông của giặc hy sinh. Chỉ có bà con ở xóm Rừng thì ai cũng biết rõ chuyện này. Vì, khi chị Điểu bị ca nông nổ và hy sinh, họ đã đưa xác chị lên đồn giặc đấu tranh…
Và như vậy, Mẹ Thứ "gánh nặng" đến 12 nỗi đau mất con, mất cháu. Nỗi đau thương quá lớn này không gì có thể bù đắp được. Ngôi nhà nhỏ của Mẹ Thứ giữa xóm Rừng là một "Đài liệt sĩ", với một dãy bàn thờ các anh, các chị, trên tường treo kín những tấm Bằng Tổ quốc ghi công. Bà Hai Trị lúc đó tuổi đã 80, song vẫn sớm hôm chăm sóc, đỡ đần cơm cháo, thuốc men cho Mẹ Thứ. Hai mẹ con - hai Bà mẹ VNAH hẩm hút bên nhau…
Trưa 10-12, sau cơn bạo bệnh, Mẹ Thứ đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi đại thọ 106. Nghe tin, tôi vội vàng về xóm Rừng thì nhà Mẹ cũng đã có mặt đông đủ các đồng chí lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể tỉnh Quảng Nam, huyện Điện Bàn, xã Điện Thắng Trung cùng bà con chòm xóm. Đôi mắt ai cũng đỏ hoe, ngấn lệ tiếc thương.
Vâng! Dẫu biết đời người không ai vượt khỏi quy luật "sinh - tử", song Mẹ Thứ qua đời vẫn làm đau đớn khôn nguôi hàng triệu trái tim cán bộ và nhân dân cả nước... Bởi trong tâm khảm của mình, ai cũng ước mong sao cho người mẹ đã có quá nhiều hy sinh, mất mát này, được sống lâu hơn nữa trong không khí hòa bình để thế hệ hôm nay còn cơ hội trả nghĩa, tri ân…
Ngay tối 10-12, Ban tang lễ cấp tỉnh được thành lập do đồng chí Lê Phước Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam làm Trưởng ban. Trong niềm tiếc thương vô hạn, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ cùng các Bộ, ngành, các cơ quan TW gửi vòng hoa và cử đoàn đến viếng và chia buồn cùng thân nhân gia đình Mẹ Thứ. Cho đến sáng 11-12, đại diện các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng cùng các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp… cũng lần lượt đến viếng Mẹ Thứ, chia buồn cùng gia quyến...
Thắp nén hương thơm trên bàn thờ Mẹ Thứ, trước linh cữu người mẹ là huyền thoại Bà mẹ VNAH, bất giác tôi có suy nghĩ, hẳn linh hồn Mẹ đã về sum họp cùng những người con thương yêu của mình đã ngã xuống vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước - những người con mà bao năm qua Mẹ hằng mong mỏi sẽ trở về với Mẹ. Và, Mẹ Thứ dù đã vào cõi vĩnh hằng, song hình ảnh Mẹ vẫn sống mãi với quê hương, đất nước. Tượng đài Mẹ Thứ đâu chỉ có dựng trên núi Cấm, TP Tam Kỳ - thủ phủ của tỉnh Quảng Nam mà đã được khắc sâu trong hàng triệu triệu trái tim người dân nước Việt để các thế hệ đang sống và nối tiếp đời đời ghi nhớ, tri ân…
Sáng 11-12, với lòng tiếc thương vô hạn đối với Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ, vì đang công tác ở nước ngoài nên đồng chí Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã gửi vòng hoa đến viếng và chia buồn cùng gia đình Mẹ Thứ; đại diện Tổng cục XDLL - CAND và lãnh đạo Công an các tỉnh, thành miền Trung: Quảng Nam, TP Đà Nẵng… đã đến thắp hương và chia buồn cùng gia đình Mẹ Thứ.
Long Vân
Theo CAND