Sông Mê Công đối mặt với lũ dữ

Cập nhật: 18-08-2011 | 00:00:00

Mực nước sông Mê Công ở nhiều quốc gia đang tăng nhanh, đe dọa phá hủy mùa màng và ảnh hưởng đến hàng chục ngàn hộ gia đình sinh sống dọc theo con sông này. Các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn của nhiều nước đồng loạt đưa ra dự đoán mùa nước lũ năm nay sẽ đạt mức kỷ lục cao nhất trong 9 năm qua.

Thiệt hại lớn về người và của

Theo trang Khmerization, mới đầu mùa lũ nhưng tính đến nay mưa lớn gây lũ lụt nghiêm trọng trên sông Mê Công đoạn chảy qua Campuchia đã tấn công tỉnh Kampong Cham, khu vực Stung Treng, Kratie và Chaktomuk, Neak Luong, Prek Kdam Koh Khel khiến 9 người chết, gần 5.000 hộ gia đình bị ảnh hưởng. Nhiều hộ dân buộc phải di tản.

Lũ lớn đã hủy hoại 10.000 ha hoa màu, làm sập nhiều cầu và gây hư hại đối với hàng loạt ngôi trường và đường sá, gây khó khăn cho những vùng vốn đã quá thiếu thốn. Riêng tỉnh Kratie, mực nước sông dâng cao đỉnh điểm là 21,82m, 5.000 gia cầm và gia súc cùng 1.000 ha lúa mới gieo bị nhấn chìm trong lũ. Ở tỉnh Kampong Cham mực nước lên mức 15,07m.

  Cộng đồng sống trên làng nổi ven hồ Tonle Sap là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những cơn lũ lớn trên sông Mê Công.

Tại Thái Lan, từ ngày 11-8, mực nước sông Mê Công thuộc tỉnh miền Đông Ubon Ratchathani dâng cao tràn bờ và buộc cư dân phải sơ tán. Theo Bangkok Post, nước sông lên nhanh và bất ngờ. Các chỉ số dự báo thủy văn một ngày trước đó không hề cho thấy sẽ có lũ lớn như thế. Không chỉ sông Mê Công mà con sông chính của Thái Lan Chao Phraya chảy qua thủ đô Bangkok cũng đang gây ngập lụt vùng đồng bằng.

Tại Lào, lũ lụt trên sông Mê Công mấy ngày qua đã làm 5 người thiệt mạng, 20.000 ha lúa và 200 ha hoa màu bị chìm trong lũ, hàng trăm gia đình đã phải sơ tán.

Lũ lụt sẽ còn dâng cao

Tổ chức Oxfam cho biết mực nước sông Mê Công hiện đã đạt mức cao nhất so với cùng kỳ trong vòng một thập kỷ qua. Oxfam cũng cảnh báo mực nước sông đang lên nhanh sẽ gây lũ lớn ở các con sông hạ nguồn Tonle Bassac và Tonle của Campuchia, sau đó tràn về ĐBSCL của Việt Nam.

Các chuyên gia cho biết, lũ hàng năm trên sông Mê Công do gió mùa Đông Bắc gây nên những trận mưa lớn từ thượng nguồn là bình thường. Nhưng trong thời gian gần đây, các đập thủy điện dọc theo dòng sông này đang góp phần làm cho lũ trên các dòng sông nghiêm trọng hơn vào mùa mưa và khô hạn khắc nghiệt hơn vào mùa khô. Vào đỉnh lũ, chắc chắn việc xả lũ sẽ còn gây ngập lụt nghiêm trọng ở Campuchia, Thái Lan, Việt Nam.

Ngoài ra, những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến động thời tiết trên toàn thế giới và lượng mưa ở vùng thượng nguồn, những trận bão biển kèm mưa lớn xảy ra càng khốc liệt hơn.

Theo báo cáo của Bộ Khí tượng và thủy văn Campuchia, mực nước sông Mê Công ở vùng Đông Bắc nước này sẽ tiếp tục dâng lên. Diễn biến lũ lụt này được giải thích rằng là do lượng mưa ở thượng nguồn tại Lào và Thái Lan. Điều này khiến lũ trên sông Tonle Sap và sông Mê Công lên nhanh.

Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), đến năm 2100, ít nhất mực nước biển tăng 15cm, trung bình lớn hơn 50 cm và cao nhất là 95cm. Vùng châu thổ hạ lưu sông Mê Công với ĐBSCL là trường hợp đáng báo động nhất. Nước tràn về đây hàng năm không còn được gọi là “mùa nước nổi” mà sẽ được gọi là lũ lụt, rồi hạn hán, ngập mặn thường xuyên, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của 20 triệu người dân, càng làm trầm trọng thêm vấn đề ăn ở và canh tác của người dân vùng đất có vựa lúa gạo lớn nhất nước.

Các chuyên gia khuyến khích các nước tiểu vùng sông Mê Công sử dụng công nghệ tiên tiến (như GIS, WaterRide, GeoWeb) trong quản lý quy hoạch và phát triển kinh tế vùng châu thổ sông Mê Công. Công nghệ này cho phép các cơ quan chia sẻ thông tin về hiện trạng lẫn các dự án trong của nhiều ngành, giúp phối hợp với nhau một cách rất hiệu quả.

Ví dụ như thông tin về mức nước lũ lụt sẽ được cung cấp kịp thời để đáp ứng công tác quy hoạch bền vững. Họ cũng khuyến khích các vùng thường xuyên bị lũ lụt nên hạn chế công nghiệp hóa và đô thị hóa, phát triển thế mạnh của mình về nông ngư nghiệp và các ngành kinh tế không gây ô nhiễm, vì nguy cơ ô nhiễm lan rộng đến mức không kiểm soát nổi khi có lũ lụt là rất lớn. Chi phí cải tạo về sau có thể cao hơn rất nhiều lần lợi ích mà công nghiệp hoá có thể đem lại. Một giải pháp được đề xuất là xây dựng các vùng và khu vực chức năng ưu tiên không chịu ảnh hưởng của lũ lụt.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=277
Quay lên trên