Năng lượng mà trận sóng thần tàn phá Nhật Bản năm ngoái tạo ra lớn hơn 280 lần hai quả bom nguyên tử mà quân đội Mỹ ném xuống hai thành phố của Nhật Bản vào năm 1945, một nhà khoa học Mỹ khẳng định. Cảnh tượng hoang tàn sau sóng thần tại thành phố cảng Kesenumma vào ngày 12-3-2011
Vào ngày 11-3-2011, một siêu địa chấn 9 độ Richter xảy ra dưới đáy biển gần Honshu, hòn đảo lớn nhất của Nhật Bản. Tâm chấn của động đất cách thành phố Tokyo khoảng 382 km về phía đông bắc và nằm ở độ sâu 10 km. Sóng thần ập vào bờ biển Tohoku trên đảo Honshu sau trận động đất khiến hàng chục thành phố bị tán phá và ít nhất 20.000 người thiệt mạng, mất tích.National Geographic cho biết, Susan Kieffer, một chuyên gia về cơ học chất lỏng địa chất của đại học Illinois tại Mỹ, đã nghiên cứu năng lượng của trận sóng thần Nhật Bản năm ngoái. Bà kết luận năng lượng của sóng thần lớn hơn 28 lần năng lượng của hai quả bom nguyên tử mà quân đội Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki vào năm 1945. Tuy nhiên, do thời gian tồn tại của sóng thần – từ 100 tới 1.000 giây – dài hơn rất nhiều so với bom nguyên tử nên sức công phá của nó có thể lớn hơn hai quả bom tới 280 lần.
Năng lượng của sóng thần tương đương 6,9 triệu thùng dầu thô, hay hơn 50% lượng dầu thô mà Nhật Bản tiêu thụ hàng ngày.
Những tính toán của Kieffer cũng cho thấy tốc độ của sóng thần vào xấp xỉ 220 m/giây. Khoảng thời gian từ lúc sóng thần hình thành tới khi nó tới bờ vào khoảng 30 phút. Độ cao của sóng thần trên đại dương là 7 m, còn chiều dài của nó vào khoảng 1.300 km.
Cục Địa chất Mỹ cho rằng, để gây nên trận sóng thần dữ dội như thế, trận động đất cùng ngày phải tạo ra mức năng lượng tương đương 475 triệu tấn thuốc nổ TNT hay 326 triệu thùng dầu thô - số lượng mà cả thế giới tiêu thụ trong 4 ngày.
Năng lượng mà động đất tạo ra là một trong những sức mạnh của tự nhiên mà các thiết bị khoa học có thể đo. Dữ liệu từ các máy đo địa chấn giúp các nhà khoa học dự đoán năng lượng của động đất. Tuy nhiên, các thiết bị không thể đo được mọi dạng năng lượng của động đất. Chẳng hạn, chúng không thể đo năng lượng hao phí dưới dạng nhiệt trong quá trình các mảng địa tầng cọ sát với nhau.
(Theo VNE)