40 năm tuổi đời, 20 năm hoạt động liên tục, cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng, là tấm gương sáng về lòng yêu nước, sẵn sàng hy sinh cho độc lập tự do, là tấm gương tận trung với Đảng, tận hiếu với nhân dân...
Chân dung cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong |
Không làm rạng rỡ non sông, quyết không trở về Tổ quốc
Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam và quê hương Nghệ An, người chiến sĩ kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đồng chí cũng là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong có tên khai sinh là Lê Huy Doãn, sinh ngày 6-9- 1902 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Đông, tổng Thông Lãng, nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Thuở nhỏ, Lê Huy Doãn được theo học chữ nho tại trường làng, được thầy cải tên là Lê Văn Duyện. Sau đó, đồng chí chuyển sang học chữ quốc ngữ hết bậc sơ học và thi đậu bằng sơ học yếu lược.
Năm 16 tuổi, sau khi cha là cụ Lê Huy Quán qua đời, mẹ già đau yếu, gia cảnh quá ngặt nghèo, không có điều kiện tiếp tục học tập, đồng chí đổi lại tên là Lê Huy Doãn và đi làm công cho một hãng buôn ở Vinh để mưu sinh và phụ giúp gia đình. Sau đó, đồng chí học việc rồi làm thợ tại Nhà máy diêm Bến Thủy. Thời gian này, Lê Huy Doãn kết bạn với Phạm Thành Khôi (tức Phạm Hồng Thái). Hai người trở thành bạn bè, đồng chí thân thiết trên con đường cách mạng tiếp theo. Cuối năm 1923, công nhân Nhà máy diêm Bến Thủy đình công phản đối chủ trừng phạt công nhân và đòi tăng lương. Do tích cực vận động công nhân đấu tranh đòi quyền lợi, phản đối chính sách hà khắc của giới chủ, nên Phạm Thành Khôi và Lê Huy Doãn bị chủ đuổi việc.
Trước đó, từ năm 1920, các hoạt động yêu nước trong vùng Nghệ Tĩnh bị thực dân Pháp đàn áp khốc liệt, hàng trăm thanh niên ở đây xuất dương cứu nước theo đường lối và ảnh hưởng của cụ Phan Bội Châu. Tháng 1-1924, dưới sự tuyển mộ và tổ chức của Vương Thúc Oánh, con rể cụ Phan Bội Châu, 15 thanh niên, trong đó có Phạm Thành Khôi và Lê Huy Doãn vượt Trường Sơn qua Lào để sang vùng Đông Bắc Thái Lan hoạt động cách mạng. Trong chuyến đi này, hai người tự nhủ: “Không làm rạng rỡ non sông, quyết không trở về Tổ quốc, quê hương”. Lê Huy Doãn đổi tên mới là Lê Hồng Phong, Phạm Thành Khôi đổi thành Phạm Hồng Thái. Sau một thời gian ở lại trại cày của cụ Đặng Thúc Hứa tại Phichit, Thái Lan, hai người được lựa chọn sang Quảng Châu, Trung Quốc hoạt động.
Con đường mang tên Tổng Bí thư Lê Hồng Phong ở TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Tại Quảng Châu, tháng 4-1924, Lê Hồng Phong và Phạm Hồng Thái được kết nạp vào Tân Việt Thanh niên Đoàn, tức Tâm Tâm xã - một tổ chức tập hợp những thanh niên Việt Nam yêu nước đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc. Hai tháng sau, vào ngày 19-6-1924, Phạm Hồng Thái được giao nhiệm vụ ám sát Merlin khi viên toàn quyền Đông Dương khét tiếng này trên đường sang Nhật ghé qua Quảng Châu dự tiệc ở Sa Diện. Lê Hồng Phong và Lê Hồng Sơn - một thanh niên yêu nước quê ở huyện Nam Đàn, Nghệ An, được giao nhiệm vụ yểm trợ cho Phạm Hồng Thái. Việc không thành, Phạm Hồng Thái nhảy xuống sông Châu Giang hy sinh.
Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Sau sự kiện này, nhằm tránh sự truy lùng của mật thám, tránh tình trạng bế tắc của Tâm Tâm xã và để có thêm kiến thức quân sự, nửa cuối năm 1924, Lê Hồng Phong được dự lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc phụ trách, trở thành một trong những cán bộ đầu tiên của cách mạng Việt Nam được trang bị lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng, đồng chí đã chủ trì công việc của Đảng trong giai đoạn cách mạng bị địch khủng bố ác liệt sau phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và tham gia soạn thảo, triển khai “Chương trình hành động của Đảng” tạo bước phát triển mới cho cách mạng Việt Nam.
Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong có tên khai sinh là Lê Huy Doãn, sinh ngày 6-9-1902 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Đông, tổng Thông Lãng, nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. |
Từ năm 1932-1933, bằng năng lực, trí tuệ và quyết tâm phi thường, Lê Hồng Phong đã bước đầu hoàn thành trọng trách mà Quốc tế Cộng sản giao cho, xây dựng lại hệ thống tổ chức của Đảng trong cả nước, khôi phục các cơ sở cách mạng và khơi dậy niềm tin của quần chúng đối với Đảng, với cách mạng. Tháng 3-1934, dưới sự chủ trì của Lê Hồng Phong, hội nghị thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng được tiến hành. Với việc thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài, mà vai trò như Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, đã có tác động hết sức to lớn đối với phong trào cách mạng trong nước. Trước hết là duy trì niềm tin của quần chúng đối với Đảng, đồng thời khẳng định sức sống mãnh liệt và vị trí lãnh đạo của Đảng, không một thế lực nào có thể dập tắt được.
Tại Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản năm 1935, Đảng ta được công nhận là Chi bộ chính thức của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản. Khi đó, Đại hội toàn quốc lần thứ I của Đảng thành công, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Hồng Phong là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí đã thể hiện một tấm gương sáng ngời của người cộng sản: Sống vì Đảng, chết không rời Đảng, trọn đời hy sinh phấn đấu vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Trong sự nghiệp cách mạng, đồng chí Lê Hồng Phong không những là người lãnh đạo kiên định và tài năng của Đảng, mà còn là tấm gương người cộng sản kiên cường.
Ngày 22-6-1939, Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt lần thứ nhất tại Chợ Lớn và kết án 6 tháng tù giam. Ngày 23-12-1939 chúng đưa đồng chí về quản thúc tại quê nhà ở Nghệ An. Đầu năm 1940, dù đang bị quản thúc tại quê nhà, nhưng để hạn chế hoạt động và ảnh hưởng của đồng chí, Tòa án Pháp kết tội đồng chí “hoạt động lật đổ” và ra trát dẫn độ về Sài Gòn. Ngày 22- 10-1940, Tòa thượng thẩm Sài Gòn kết án đồng chí 5 năm tù, mất quyền công dân và chính trị, 10 năm cấm lưu trú vì “hoạt động lật đổ”.
Cuối năm 1940, sau một thời gian đồng chí bị giam giữ ở Sài Gòn, địch đày đồng chí ra nhà tù Côn Đảo. Đồng chí đã cùng các chiến sĩ cộng sản trong tù tiếp tục đấu tranh, giữ vững khí tiết trước đòn roi tra tấn dã man của kẻ thù. Đồng chí hy sinh ngày 6-9-1942 khi vừa tròn 40 tuổi. Trước khi hy sinh, đồng chí nhắn nhủ với các bạn tù: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.
40 tuổi đời, gần 20 năm hoạt động cách mạng liên tục và sôi nổi, tên tuổi của đồng chí Lê Hồng Phong gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng bất khuất của Đảng và dân tộc ta. Cuộc đời của đồng chí là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, trọn đời hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Đồng chí Lê Hồng Phong thuộc lớp chiến sĩ cách mạng tiền bối, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, chiến sĩ cách mạng kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Những đóng góp to lớn, sự hy sinh cao cả, đạo đức trong sáng của đồng chí sống mãi trong lòng nhân dân. Đồng chí Lê Hồng Phong mãi mãi xứng đáng là tấm gương sáng của người cộng sản kiên cường để các thế hệ người Việt Nam ngợi ca và học tập.
THU THẢO (tổng hợp)