Sống xanh từ giảng đường

Cập nhật: 03-01-2020 | 07:34:15

 Những lối đi rợp bóng cây. Những vuông cỏ xanh mướt được cắt tỉa, chăm chút tỉ mỉ. Những ô cửa sổ thấp thoáng dưới giàn hoa giấy khoe sắc rực rỡ… Đó không chỉ là điểm check in lý tưởng của sinh viên, giới trẻ mà trên hết, những hình ảnh trực quan ấy đã tác động đến nhận thức của mọi người trong việc hình thành văn hóa sống xanh - một xu hướng văn minh trong cuộc sống hiện đại.

 Không gian xanh trong khuôn viên trường Đại học Thủ Dầu Một Ảnh: TIỂU MY

 Bắt đầu từ hôm nay…

Có dịp ghé thăm trường Đại học Thủ Dầu Một, mọi người hẳn rất ấn tượng với khuôn viên trường. Đó là không gian được bao phủ bởi một màu xanh của cây lá và hoa. Chưa hết, từ hàng rào, cổng trường, các dãy nhà, giảng đường đến phòng làm việc của cán bộ, giảng viên; từ thư viện, các trung tâm trong trường đến nhà để xe, bảng hiệu… đều được sơn màu xanh dương mát dịu khiến mọi người khi vào đây có cảm giác thư thái, dễ chịu.

Lê Trọng, sinh viên (SV) năm thứ nhất khoa Kỹ thuật - Công nghệ, tâm tình bạn rất may mắn được học tập tại một ngôi trường có không gian đẹp và không khí trong lành như thế. “Không chỉ là môi trường học tập tốt mà trường còn là nơi để SV nghỉ ngơi, thư giãn sau những giờ học căng thẳng. Em rất thích không gian ở đây”, Trọng nói.

Trường Đại học Thủ Dầu Một (tiền thân là trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương) được thành lập vào năm 2009. Sứ mệnh của trường là đào tạo nhân lực có chất lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của tỉnh, miền Đông Nam bộ và trở thành trung tâm tư vấn nghiên cứu trong khu vực. Qua 10 năm hình thành và phát triển, trường đã định hình là một cơ sở giáo dục đa ngành, đa lĩnh vực; phát triển theo mô hình đại học tiên tiến.

Với triết lý “Khát vọng - Trách nhiệm - Sáng tạo”, trường Đại học Thủ Dầu Một đã khẳng định rõ vị thế của một đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học chất lượng cao, là đại diện tiêu biểu cho sức mạnh tri thức của tỉnh. Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ Dầu Một, cho biết ngay từ khi mới thành lập, với trách nhiệm xã hội của mình, trường chủ trương thúc đẩy việc xây dựng lối sống xanh cho toàn thể cán bộ, giảng viên và nhất là SV của trường để lan tỏa tinh thần này trong cộng đồng xã hội. Với quan điểm đó, trường đã thực hiện giảm dần diện tích xây dựng, đồng thời nâng dần mảng xanh trong khuôn viên.

Anh Nguyễn Nhật Hải, Phó trưởng phòng Cơ sở vật chất trường Đại học Thủ Dầu Một, cho biết tổng diện tích của trường trên 6 ha. Trước đây, diện tích xây dựng chiếm khoảng 36,7% nhưng hiện chỉ còn 21,7% và dự kiến đến sau năm 2020 sẽ còn khoảng 19%. Cùng với việc giảm diện tích xây dựng, trường chủ trương nâng dần diện tích cây xanh bằng cách xây dựng các vườn học tập, trồng cây xanh, mảng xanh… để SV có không gian học tập tốt nhất. Song điều quan trọng nhất không đơn thuần là những vườn cây, tiểu cảnh mà mong muốn của trường là thể hiện tinh thần sống xanh trong SV.

Lan tỏa sống xanh

Xây dựng văn hóa sống xanh với các chương trình thiết thực sẽ tác động đến sự thay đổi nhận thức hướng đến lối sống xanh. Đó là quan điểm xuyên suốt được cán bộ, giảng viên và SV nhà trường thực hiện thông qua nhiều hoạt động cụ thể, thường xuyên.

K h ô n g gian xanh của ngôi trường tạo nên một cấu trúc cảnh quan đặc sắc, tạo cho SV và giảng viên cảm hứng sống và làm việc gắn liền với thiên nhiên. Trong những đề tài nghiên cứu và các dự án “xanh” của trường, tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Thương được xem là “gương mặt thân quen” đối với giới nghiên cứu công nghệ sinh học trong nước. Sau nhiều năm dày công nghiên cứu, tiến sĩ Thương đã xây dựng quy trình chăm sóc đông trùng hạ thảo “thuận tự nhiên” và chuyển giao quy trình cho doanh nghiệp để thương mại hóa sản phẩm.

Hiện nay, sản phẩm đông trùng hạ thảo của trường với nhiều công nghệ chế biến trong rượu, trà, viên, cao… đã rất phổ biến và nhiều người tin dùng. Hơn thế nữa, tinh chất của đông trùng hạ thảo ngoài ứng dụng trong dược phẩm và thực phẩm còn được sử dụng như một thành phần quan trọng trong các dòng mỹ phẩm cao cấp ở các nước Nhật, Mỹ, Hàn Quốc…

Một niềm vui lan tỏa từ hoạt động nghiên cứu khoa học của SV khi dự án “Ứng dụng Triac Farm - Hệ thống giám sát, điều khiển và cảnh báo cho vườn rau thủy canh hồi lưu sử dụng năng lượng mặt trời” của TDMU - SUN đến từ trường Đại học Thủ Dầu Một đã xuất sắc vượt qua các thử thách, giành vị trí cao nhất (bảng SV) cuộc thi IoT Startup 2019. Chia sẻ niềm vui này, bạn Lê Quốc Trung, SV ngành điện - điện tử, một trong 4 thành viên của dự án, cho biết T D M U - SUN ra đời với mục đích giúp người trồng rau điều khiển và giám sát trạng thái hoạt động của thiết bị, cảnh báo máy bơm bị sự cố và hệ thống hỗ trợ người dùng thông qua ứng dụng “Triac Farm”.

Thầy Nguyễn Hữu Toán, Phó trưởng phòng Công tác SV, cho hay hiện nay cán bộ, giảng viên và SV trong trường đang tích cực hưởng ứng phong trào “Nói không với rác thải nhựa”. Trường không sử dụng nước uống đóng chai, thay vào đó hệ thống nước lọc được lắp đặt đến tận các phòng học. Các phòng làm việc được trang bị chai nước thủy tinh để thay thế cho chai nhựa dùng một lần trước đây. “Nói không với rác thải nhựa bắt đầu từ ngày hôm nay sẽ góp phần giải quyết vấn đề rác thải nhựa trong bối cảnh tác động, ảnh hưởng của rác thải nhựa ngày càng gia tăng. Trong môi trường giáo dục thì việc nói không với rác thải nhựa sẽ càng ý nghĩa hơn bởi sẽ lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong cộng đồng…”, thầy Toán tâm tình.

Ứng dụng “Triac Farm” giúp giám sát thông số cảm biến và điều khiển các thiết bị trong vườn rau. Người dùng có thể thống kê sản lượng rau và ghi lại các kinh nghiệm mùa trước để mùa sau có năng suất cao hơn. Một số tính năng giúp hỗ trợ tốt nhất trong quá trình trồng rau như cung cấp thông số về tiêu chuẩn nồng độ PPM, tiêu chuẩn nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, tham khảo kinh nghiệm trồng rau từ những người đi trước và giải thích ký hiệu điều khiển. Ngoài ra, sử dụng pin năng lượng mặt trời làm nguồn chính cho hệ thống đã tránh được sự cố mất điện đột xuất. Hệ thống kết hợp sử dụng dung dịch TDM TF100 - dung dịch hữu cơ 100%, thủy phân từ trùn quế và rác hữu cơ an toàn cho sử dụng trong trồng rau thủy canh.

Không dừng lại ở đó, xu hướng sống xanh còn tác động đến SV của trường trong quá trình nghiên cứu khoa học trong những năm qua. Đó là việc xuất hiện nhiều hơn những đề tài liên quan về môi trường đạt được giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Đại học Thủ Dầu Một”. Nhiều đề tài nghiên cứu rất gần gũi với cuộc sống được đánh giá cao như: Đề tài đánh giá thực trạng áp dụng Luật Bảo vệ môi trường tại làng nghề gốm; đề tài phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi mua rau an toàn trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một; đánh giá và đề xuất hướng dẫn lối sống xanh trong SV trường Đại học Thủ Dầu Một… Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về môi trường, về sống xanh của SV đã đạt giải cao tại các cuộc thi của trường, tỉnh và ngành môi trường.

Những dự án, đề tài nghiên cứu khoa học về môi trường đang được thực hiện ở trường Đại học Thủ Dầu Một đã truyền cảm hứng cho các SV về lối sống xanh cũng như góp phần thay đổi thói quen, nếp nghĩ về các vấn đề liên quan đến môi trường hiện nay. Thói quen sống xanh không những bảo đảm SV không tụt lại phía sau trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu mà chính họ - những chủ nhân tương lai của đất nước, thông qua việc làm của mình hôm nay sẽ truyền đi những thông điệp về lối sống xanh trong cộng đồng. Để từ đó cùng chung tay, góp sức giải quyết những vấn nạn ô nhiễm môi trường hiện nay.

 TRÍ DŨNG - TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=683
Quay lên trên