“Sốt đất” - thực hư và lời cảnh tỉnh…

Cập nhật: 04-04-2022 | 08:23:07
 LTS: Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh và một số địa phương lân cận thường xuất hiện tình trạng “sốt đất” khiến cuộc sống của nhiều gia đình bị đảo lộn. Trong những “làn sóng” đó, đã có những người thành công nhờ có chiến lược đầu tư khôn khéo, thông minh, nhưng cũng không thiếu những gia đình rơi vào cảnh “trắng tay” vì lỡ lao theo dòng nước xoáy… Báo Bình Dương đăng tải những câu chuyện liên quan để góp phần cảnh tỉnh người dân trước khi dấn thân vào cuộc chơi bất động sản.

 Bài 1: Đi tìm nguyên nhân

 Chúng tôi tìm về một số địa phương vùng ven trên địa bàn tỉnh để tìm hiểu thông tin thực hư về chuyện “sốt đất”. Sau nhiều ngày tiếp xúc với chính quyền một số địa phương, đội ngũ môi giới, các nhà đầu tư bất động sản và các chuyên gia trong lĩnh vực, có thể khẳng định, nguồn cơn của chuyện sốt đất đến từ nhiều yếu tố.

 Hoạt động giao dịch nhóm bất động sản vùng ven mang mác “nghỉ dưỡng” đang diễn ra khá sôi nổi. Trong ảnh: Nhà đầu tư đi cùng đội ngũ môi giới xem những lô đất “nghỉ dưỡng” có view sông, view hồ, view núi lọt thẳm giữa rừng

 Quy hoạch được “vẽ” bằng miệng

Những ngày đầu năm 2022, nhiều nhà đầu tư bất động sản trong và ngoài tỉnh tiếp tục đổ xô về mua đất ở các địa phương vùng ven ở Bình Dương và các tỉnh lân cận như Bình Phước, Tây Ninh. Sự gia tăng đáng kể về nhu cầu đã tạo nên cơn “sốt đất” dàn trải đều khắp mọi vùng quê. Những mảnh đất vốn đang canh tác cao su, trồng hoa màu, lương thực… đông đảo người môi giới và nhà đầu tư ngả giá cao để mua và thực hiện thủ tục phân lô, tách thửa phục vụ mục đích kinh doanh.

Khảo sát thực tế từ các địa phương phía bắc của tỉnh cho thấy những bất động sản thuộc nhóm đất nông nghiệp hoặc đất hỗn hợp ở vùng ven với ưu thế diện tích lớn được các nhà đầu tư quan tâm. Sự gia tăng về nhu cầu đã tạo nên một hệ sinh thái chuyên phục vụ hoạt động giao dịch bất động sản ở các địa phương vùng ven và nghiễm nhiên là sau nhiều vòng giao dịch, giá bất động sản đã bị đẩy vượt ngưỡng, thậm chí cao hơn giá bán thực tế của nhiều bất động sản cùng diện tích ở đô thị.

Với kỹ năng vẽ vời thượng thừa về các triết lý như: “Người đẻ chứ đất không đẻ”, “làm cả đời không bằng tiền lời của lô đất”, “khi bạn còn chần chừ thì người ta đã mua bán xong và kiếm lời hàng trăm triệu đồng”, “nhân tiền lên với những bất động sản tiềm năng”… của đội ngũ môi giới chuyên “quy hoạch miệng”, nhiều người đã vội tin và đổ xô đi đặt cọc, mua bán bất động sản. Ghi nhận thực tế của phóng viên ở một số huyện, thị, thành phố cho thấy thực trạng mua bán đất diễn ra sôi động, dễ dàng như cảnh mua bán bó rau, con cá ngoài chợ. Cụ thể, dù các địa phương chỉ mới thông qua kế hoạch sử dụng đất năm 2022, quy hoạch sử dụng đất cho giai đoạn 2021-2025 và chưa công bố thông tin bản vẽ chi tiết nhưng bằng cách nào đó, lực lượng môi giới đã nắm bắt thời cơ tung ra những tin đồn, lôi kéo nhà đầu tư đến với những vị trí “tiềm năng”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, người dân xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng, cho biết kể từ khi có thông tin huyện quy hoạch hơn 8.000 ha làm khu, cụm công nghiệp, ngay từ cuối năm 2021, đội ngũ môi giới đã nắm bắt thời cơ, tư vấn cho các nhà đầu tư lớn về thu mua các quỹ đất lớn trên địa bàn. Sau khi hoàn thành việc thu mua, họ bắt đầu làm hồ sơ đăng ký phân lô, tách thửa, băm nhỏ các lô đất lớn và chào bán cho các nhà đầu tư nhỏ với tỷ suất lợi nhuận đạt từ 200 - 300% so với số vốn bỏ ra ban đầu.

Ông Lê Tử Tài, một nhà đầu tư bất động sản kỳ cựu ở khu vực Bình Dương, Bình Phước trong những năm qua chia sẻ sau vài vòng giao dịch, giá đất ở các khu vực vùng ven sẽ đạt ngưỡng bão hòa và những nhà đầu tư hoặc người mua đất sau cùng sẽ gánh chịu phần giá ảo, chênh lệch so với giá trị thực tế của bất động sản đó. Ông Tài cho biết một phần trong số lợi nhuận chênh lệch từ giá bất động sản kể từ khi chủ đầu tư ban đầu thu mua mảnh đất lớn đến vị trí đầu tư F3, F4 sẽ rơi vào túi của đội ngũ môi giới. Bởi mỗi giao dịch hoàn thành, đội ngũ môi giới sẽ nhận được 2% hoa hồng giới thiệu tính trên tổng giá trị giao dịch của bất động sản đó. Ngoài ra, đối với những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm trong giao dịch bất động sản, đội ngũ môi giới còn vẽ vời và “kê giá” lên để hưởng chênh lệch.

Tâm lý bỏ phố về quê

Thời điểm dịch Covid-19 phức tạp, trong giới trẻ ở các thành phố lớn của cả nước đã chia sẻ, chuyền tay nhau rầm rộ về các video clip, hình ảnh về những vùng quê chân chất, mộc mạc, cuộc sống bình yên đáng mơ ước. Những con người xuất hiện trong những clip được đăng tải đang chứng minh cho những người xem thấy rằng cuộc sống nơi miền quê rất yên bình và thoải mái sau khi rời xa phố thị. Điều này đã tạo ra những thay đổi lớn trong luồng suy nghĩ bám trụ thành phố hay trở về quê, về rừng sống trong nhiều người trẻ.

Trải qua trận đại dịch Covid-19, nhiều người vốn dĩ đang mông lung với cuộc sống cơm áo gạo tiền ở phố thị càng thể hiện quyết tâm hơn với việc bỏ phố về quê. Để thể hiện quyết tâm đó, nhiều người đã tranh thủ lên mạng tìm hiểu thị trường bất động sản ở những khu vực vùng ven có bán kính cách trung tâm thành phố nơi mình làm việc từ 30 - 50km để chọn mua. Thông qua hệ thống đo lường từ các công cụ nghiên cứu digital marketing, các nhà đầu tư, công ty bất động sản đã nhanh chóng đi trước một bước, thu mua bất động sản vùng ven giá mềm, sau đó dùng các thủ thuật truyền thông, marketing để tạo sóng và bán kiếm lời.

Khảo sát thực tế từ các địa phương phía bắc của tỉnh cho thấy những bất động sản thuộc nhóm đất nông nghiệp hoặc đất hỗn hợp ở vùng ven với ưu thế diện tích lớn được các nhà đầu tư quan tâm. Sự gia tăng về nhu cầu đã tạo nên một hệ sinh thái chuyên phục vụ hoạt động giao dịch bất động sản ở các địa phương vùng ven và nghiễm nhiên là sau nhiều vòng giao dịch, giá bất động sản đã bị đẩy vượt ngưỡng, thậm chí cao hơn giá bán thực tế của nhiều bất động sản cùng diện tích ở đô thị.

Ngoài những “cơn sốt” xung quanh khu vực các khu, cụm công nghiệp được quy hoạch xây dựng ở các tỉnh Đông Nam bộ, giá của các bất động sản nghỉ dưỡng ở các khu vực vùng ven ở Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và các tỉnh thành lân cận cũng có dấu hiệu nhảy vọt, tăng trưởng bất thường. Theo đó, với tâm lý “về hưu trước tuổi 40” mà nhiều nhà đào tạo gieo rắc vào đầu của giới trẻ, nhiều người đã chủ động tìm mua cho mình những miếng đất nghỉ dưỡng view sông, view hồ, view núi… để sẵn sàng cho kế hoạch của mình. Cộng hưởng với nhu cầu thực tế và sự vẽ vời của đội ngũ môi giới, giá trị bất động sản nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cân đã tăng từ 300 - 500% so với thời điểm năm 2018. Chính điều này đã tạo nên những xáo trộn nhất định đối với thị trường bất động sản nói chung và công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai tại các địa phương nói riêng. (còn tiếp)

 Mua bán là câu chuyện của thị trường dựa trên cán cân cung - cầu của từng địa phương, lĩnh vực và bất động sản cũng không ngoại lệ. Dù vậy, để bảo đảm câu chuyện bong bóng bất động sản không tiếp diễn, ngành chức năng cũng cần có hướng tham mưu, tư vấn chính quyền địa phương kịp thời ban hành những văn bản, quy định sâu sát, phù hợp với thực tiễn. Theo đó, để ngăn ngừa những cơn sốt ảo gây xáo trộn tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ quan quản lý nhà nước cần có chế tài nghiêm đối với hành vi tung tin thất thiệt liên quan đến quy hoạch và có những văn bản quy định, ràng buộc điều kiện phân lô, tách thửa, hạn chế tình trạng băm nhỏ đất nông nghiệp, phá vỡ quy hoạch của địa phương.

 ĐÌNH THẮNG  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=856
Quay lên trên