“Sốt đất” - thực hư và lời cảnh tỉnh… Bài 2

Cập nhật: 05-04-2022 | 08:17:20

Bài 2: Những chuyện bi hài

Sự gia tăng đáng kể về nhu cầu giao dịch bất động sản (BĐS) hậu Covid-19 đã tạo nên những cơn sốt đất triền miên ở nhiều địa phương. Thông qua những câu chuyện truyền tai, những dòng chia sẻ trên mạng xã hội về việc nhiều người có thu nhập khủng nhờ đầu tư, môi giới BĐS, tạo nên làn sóng lao theo cám dỗ này. Đã có nhiều người bỏ việc làm đang ổn định để đi làm “cò đất”, khi kết quả không như mong muốn, quay trở lại thì việc làm đã không còn.

 Sau khi nghe môi giới “rót mật” vào tai, nhiều nhà đầu tư đã “chốt” và ký hợp đồng đặt cọc ngay cả trên xe

 Hệ lụy từ những câu chuyện ảo

Tôi có một nhóm bạn đa ngành nghề tại nơi sinh sống, việc tụ tập uống cà phê sáng để trò chuyện vốn dĩ đã trở nên khá thường xuyên. Tuy nhiên, thay vì chia sẻ, tâm sự với nhau về những câu chuyện liên quan đến công việc, cuộc sống thì thời gian gần đây, nhóm chuyển hẳn sang các chủ đề liên quan đến BĐS. Từ những câu chuyện - chưa được kiểm chứng - truyền tai nhau về việc người này, người kia ở địa phương nọ thu nhập hàng trăm, hàng tỷ đồng nhờ tham gia đầu tư BĐS, làm môi giới… Nhiều thành viên trong nhóm cũng tập tành đi đầu tư, làm môi giới BĐS. Cũng từ đây xảy ra nhiều câu chuyện bi hài.

Nghe tin bạn bè đầu tư BĐS trúng lớn ở khu vực Thới Hòa, TX.Bến Cát, anh Nguyễn Minh Tr., ngụ khu phố 2, phường Tân Định, TX.Bến Cát cũng bỏ công bỏ việc rong ruổi đi tìm đất để đầu tư. Từ những thông tin phong phanh về dự án cơ sở 2 trường Đại học Thủ Dầu Một và một số công trình lớn dự kiến được đầu tư xây dựng ở khu vực này, anh Tr. đã chốt cọc mua vội một miếng đất giá rẻ mà không kiểm tra, đối chiếu thông tin pháp lý, quy hoạch. Chính sự vội vàng này đã khiến bản thân anh Tr. và gia đình gặp khó vì tiền đã dồn hết vào lô đất thuộc khu phân lô tự phát, không có thổ cư, không được phép xây dựng.

Anh Tr. tâm sự rằng, khi đi xem miếng đất và được môi giới “rót mật vào tai”, anh đã quyết định xuống tiền đặt cọc ngay tại chỗ. Việc công chứng mua bán và làm thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng được thực hiện khá nhanh sau đó. Tuy nhiên, đến khi gia đình đến gặp nhân viên tư vấn tại bộ phận một cửa của UBND TX.Bến Cát thì mới tá hỏa thông tin miếng đất không nằm trong khu vực được chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ cây lâu năm sang đất ở tại đô thị. Và việc xây dựng công trình, đấu nối điện nước… cũng không khả dụng đối với miếng đất mà anh Tr. “tâm huyết”.

Không riêng gì anh Tr., hiện nay trên thị trường BĐS ở Bình Dương và các tỉnh, thành lân cận đang có nhiều nhà đầu tư lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan vì xuống tiền thiếu thận trọng. Một số người vì ham đất rẻ diện tích lớn đã không ngại xuống tiền mua những lô đất sào với mục đích làm nhà nghỉ dưỡng nhưng đến khi phát hiện quy hoạch khu vực đó là đất thuần nông nghiệp thì bán không được mà “ôm” cũng không xong. Trong khi đó, một số nhà đầu tư khác còn khốn đốn hơn khi lỡ tin cánh môi giới bất lương tư vấn, giới thiệu cho những BĐS dính quy hoạch, tranh chấp… Sau khi xuống tiền cho BĐS, các nhà đầu tư đã có những ngày tháng đứng ngồi không yên, thậm chí đổ vỡ hạnh phúc gia đình vì những tranh cãi liên quan.

Bỏ công việc đi làm “cò đất”

Nghe bạn bè phao tin về những nguồn thu nhập khủng khi đi làm môi giới BĐS, nhiều người bỏ bê công việc đua nhau đi làm “cò”. Tùy theo thế mạnh và mối quan hệ xã hội của bản thân, mỗi người lựa chọn cho mình một thị trường riêng và dần hình thành nên những “tập đoàn cò đất” với số lượng thành viên lên đến hàng trăm người. Điểm chung của những người này là thường xuyên la cà ở các quán cà phê để trao đổi thông tin, gặp gỡ khách hàng, đối tác để tư vấn trước giao dịch đối với những BĐS mà họ nắm nguồn.

 Nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm xuống tiền cọc ngay tại quán cà phê mà chưa kiểm tra quy hoạch, pháp lý lô đất rất dễ lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan

Nhờ khả năng giao tiếp tốt và có đầu tư học hỏi kiến thức, kinh nghiệm môi giới bài bản, đã có nhiều người thành công đối với công việc làm “cò đất”. Giới thiệu giao dịch thành công mỗi BĐS, họ có thể thu về 2% hoa hồng (nếu làm một mình) hoặc 0,5 - 1% (nếu làm chung với người khác). Tùy theo giá trị của các BĐS mà tiền hoa hồng có thể dao động từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.

Dẫu vậy, trên thực tế cũng có không ít trường hợp bỏ công việc đi làm “cò đất” từ năm này qua năm khác nhưng vẫn không kiếm được đồng nào. Đến khi chán chê, muốn quay trở lại làm việc thì công ty không nhận nữa vì đã có thời gian dài bỏ bê công việc. Trở lại nhà máy xin việc làm và nhận được câu từ chối lạnh tanh của bộ phận nhân sự công ty, anh Lê Văn Th., người lao động thất nghiệp ngụ cư ở thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, cho biết từ đầu năm 2021 khi nghe bạn bè rủ đi làm “cò đất”, anh đã mạnh dạn lấy nguồn để đăng bán thử. Chỉ sau vài ngày anh Th. đã “chốt kèo” thành công giao dịch lô đất trị giá hơn 2 tỷ đồng và được người bạn chia cho 20 triệu tiền môi giới. Nghĩ rằng mình may mắn và có duyên với nghề mới, anh Th. đã từng bước bỏ bê công việc rồi bỏ hẳn để đi làm “cò đất”.

Sau những thành công ban đầu, việc môi giới BĐS của anh Th. bắt đầu có dấu hiệu chững lại vì thị trường xuất hiện thêm nhiều đội ngũ “cò đất” khác. Đến tháng 3-2022, anh Th. nhẩm lại thì trong suốt hơn 1 năm qua, anh chỉ mới giới thiệu thành công được 3 lô đất, thu về hơn 50 triệu đồng. Trừ tiền xăng xe, cà phê, chi phí thuê nhà, ăn uống… tổng thu nhập trong năm của anh là âm so với trước. Thấy nghề làm “cò đất” bạc bẽo quá, anh Th. quyết định dừng lại và làm đơn xin quay lại làm việc cho công ty cũ, nhưng câu trả lời anh nhận được là sự khước từ kiên quyết từ bộ phận nhân sự của công ty.

Bà Nguyễn Thị Gái Sáu, người dân ấp Suối Cát, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, cho biết sau khi nghe bạn bè giới thiệu, bà cũng mon men đi học và theo nghề “cò đất”. Trải qua hơn 10 tháng làm nghề, bà đã giới thiệu thành công 5 lô đất cho khách, thu về khoảng 30 triệu đồng tiền môi giới. Nhận thấy đây là một nghề khá bấp bênh và nhiều rủi ro nên suốt thời gian làm “cò đất”, bà Sáu vẫn duy trì công việc chính là bán rau củ quả đều đặn. “Chỉ khi nào rảnh rỗi, bán hết hàng tôi mới tranh thủ đăng tin, trao đổi với khách hàng và dẫn khách đi xem đất. Còn lại vẫn phải dành thời gian chủ yếu cho việc buôn bán ở sạp rau củ quả vì đó là miếng cơm, manh áo của cả gia đình”, bà Sáu bộc bạch. (còn tiếp)

 Từ phản ánh của báo chí và chính quyền địa phương, có thể thấy nghề đầu tư, môi giới BĐS hàm chứa khá nhiều rủi ro tiềm ẩn. Bên cạnh số ít người thành công nhờ vào việc nắm bắt thời cơ, chủ động tạo sóng… đã có khá nhiều người cười ra nước mắt vì những hệ lụy mang lại. Nhìn vào hình ảnh nhiều nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm bỗng chốc ôm gánh nặng nợ nần, thậm chí rơi vào cảnh bán nhà, mất việc, thiết nghĩ người dân cần cẩn trọng và cân nhắc thật kỹ trước khi tham gia đầu tư BĐS. Những người có ý định bước chân vào nghề môi giới BĐS cũng cần trang bị cho mình những kiến thức, kinh nghiệm và bằng cấp, chứng chỉ hành nghề cần thiết để tránh rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.

 ĐÌNH THẮNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=868
Quay lên trên