“Sốt đất” vùng ven, người dân cần tỉnh táo

Cập nhật: 28-03-2022 | 08:23:17

Kể từ sau đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát, nhiều người dân mang theo tâm lý “bỏ phố về quê”. Nắm bắt tâm lý này, nhiều nhà đầu tư, môi giới bất động sản (BĐS) đã đi trước một bước, tìm đến các vùng nông thôn mua đất nông nghiệp để phân lô, tách thửa và bán lại cho những người có nhu cầu. Tuy nhiên, bên cạnh nhu cầu thực, không thiếu những “cơn sốt” ảo, người dân nói chung cần tỉnh táo.


Cần quản lý chặt tình trạng “băm nhỏ” đất nông nghiệp để bán đã xảy ra ở các địa phương vùng ven. Trong ảnh: Bảng rao bán đất nông nghiệp ở một địa phương trên địa bàn tỉnh

Băm nhỏ đất nông nghiệp

Có mặt tại một số địa phương vùng ven ở phía Bắc của tỉnh vào những ngày cuối tháng 3-2022, P.V ghi nhận hoạt động mua bán BĐS mang mác “nghỉ dưỡng” đang gia tăng. Theo đó, những thửa đất vốn dĩ là đất cao su được quy hoạch là đất trồng cây lâu năm, cây hàng năm… được các nhà đầu tư BĐS thu mua với số lượng lớn rồi phân lô, tách thửa bán lại.

Nói về tình trạng phân lô tách thửa, băm nhỏ đất nông nghiệp, lãnh đạo một số địa phương cho biết, chính quyền dù biết nhưng vẫn không thể ngăn chặn vì chủ đất phân lô, tách thửa đúng theo quy định. Theo đó, quy định về phân lô, tách thửa đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương theo Quyết định số 25/2017/QĐ-UBND quy định diện tích tối thiểu được cấp phép tách thửa như sau: Tại các phường diện tích tối thiểu là 300m²; tại các thị trấn là 500m², và các xã là 1.000m2.

Tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai của một số huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây có xu hướng bị ùn ứ, tắc nghẽn do số lượng giao dịch gia tăng. Theo tìm hiểu, có nhiều nguyên nhân như cán bộ, nhân viên của đơn vị bị nhiễm Covid-19 phải cách ly điều trị tại nhà dẫn đến thiếu hụt nhân sự làm việc; số lượng hồ sơ gia tăng do người dân đổ xô đi mua BĐS sau dịch… Để bảo đảm việc tiếp nhận, xử lý và trả kết quả các hồ sơ diễn ra đúng tiến độ, lãnh đạo các địa phương đã chỉ đạo các ban ngành liên quan tăng cường hỗ trợ nhân sự cho Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cùng cấp.

Dựa vào quy định này, các nhà đầu tư, công ty BĐS đã tìm mua những lô đất lớn có mặt tiền đường kéo dài rồi phân ra các lô, thửa. Thoạt nhìn cứ tưởng đây là những lô đất có diện tích đẹp nhưng nếu chiếu theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm và quy hoạch sử dụng đất theo giai đoạn và tầm nhìn 10 năm thì những miếng đất này không thuộc quy hoạch đất ở và cũng không đạt điều kiện để canh tác nông nghiệp.

Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho rằng để quản lý tốt các hoạt động phân lô tách thửa và bảo đảm luôn tuân theo quy hoạch tổng thể phát triển của địa phương, cần có những quy định mới sâu sát và phù hợp với thực tiễn. Theo đó, đối với những khu vực quy hoạch phục vụ phát triển nông nghiệp, Nhà nước cần có phương án quy định, ràng buộc về những điều kiện phân lô, tách thửa rõ ràng, hạn chế tình trạng người dân “băm nhỏ” đất nông nghiệp để bán. Đối với những khu vực quy hoạch đất ở, ông Linh cho rằng các cơ quan quản lý Nhà nước cần ngồi lại để thảo luận, thống nhất phương án trước khi đưa ra những quy hoạch chuyên ngành của mình, giúp hạn chế tối đa tình trạng quy hoạch không thống nhất.

Trước tình hình này, tỉnh đã giao Sở Tài nguyên & Môi trường tham mưu để ban hành quy định mới về điều kiện phân lô tách thửa đối với các loại đất trên địa bàn. Theo đó, đối với lần cập nhật, bổ sung, chỉnh sửa này, tỉnh kỳ vọng sẽ đưa ra những quy định, ràng buộc chi tiết để hạn chế tình trạng phân lô tách thửa tự phát, đặc biệt là đối với đất được quy hoạch phục vụ phát triển nông nghiệp.

Cần tỉnh táo khi giao dịch

Ông Nguyễn Văn Tỵ, người dân ấp Suối Cát, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng cho biết, dù mới chỉ nghe thông tin quy hoạch xã Thanh Tuyền lên đô thị, nhưng ngay từ đầu năm 2021 tình trạng mua bán BĐS ở khu vực này đã trở nên sôi động. Theo tính toán của ông Tỵ, hiện nay giá đất ở khu vực xã Thanh Tuyền đã tăng từ 1,5 - 2 lần so với thời điểm đầu năm 2021 và đang có dấu hiệu tiếp tục tăng. Không riêng gì khu vực xã Thanh Tuyền mà một số địa phương nông thôn vùng ven khác thuộc huyện Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên… cũng đang xuất hiện tình trạng sốt đất tương tự.

Để lý giải cho hiện tượng này, chúng tôi đã thử liên hệ một số chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư BĐS và hầu hết các chuyên gia đều cho rằng đây là xu hướng chung đối với thị trường BĐS trong giai đoạn 2021- 2025. Ông Phạm Thanh Hưng (Shark Hưng), Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CenGroup cho rằng, việc giá BĐS tại các khu vực vùng ven tăng lên trong thời gian qua xuất phát từ hai nguyên nhân: Một là giá BĐS còn mềm; hai là sự đổ xô đầu tư của người dân. Ông Hưng cho rằng đại đa số người dân sau khi trải qua trận đại dịch Covid-19 đều mang theo tâm lý “bỏ phố về quê” và mong muốn kịp thời mua ngay một miếng đất vùng ven có diện tích lớn, sẵn sàng về đây định cư. Chính vì vậy nên các nhà đầu tư, công ty BĐS nhạy bén với thị trường đã nắm bắt cơ hội “tạo sóng”.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân cần cân nhắc thật kỹ trước khi xuống tiền giao dịch. Theo đó, trước khi kiểm tra được thông tin quy hoạch, pháp lý của miếng đất và khu vực nơi miếng đất tọa lạc, người dân không nên đặt cọc hoặc mua bán để tránh tiền mất, tật mang. Ngoài ra, trước khi quyết định xuống tiền, người dân cũng cần thực hiện so sánh bảng giá đất ở khu vực dự kiến mua với các BĐS ở khu vực đô thị. Việc này là rất cần thiết và có thể giúp người mua tránh bị “hớ giá” khi nghe lực lượng môi giới dùng “mật ngọt rót vào tai”.

ĐÌNH THẮNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1150
Quay lên trên