Sự chân thành và những “sân khấu” hão huyền

Cập nhật: 13-09-2024 | 15:33:18

(BDO) Sau mỗi trận bão lũ, với truyền thống tương thân tương ái từ ngàn đời của cha ông ta, những “vết thương” của người dân vùng thiên tai luôn được chữa lành không chỉ bởi những gói mì tôm, bao gạo hay những chiếc áo ấm, mà còn bởi tấm lòng san sẻ đầy nghĩa đồng bào. Tuy nhiên, giữa những hành động nhân văn cao đẹp ấy, vẫn có những màn phô diễn cứu trợ, biến thành màn kịch vụng về trên “sân khấu” mạng xã hội.


Đoàn cứu trợ đưa nhu yếu phẩm đến chi viện bà con vùng ngập lụt sau bão số 3 tại Cao Bằng

Hình ảnh đoàn cứu trợ mặc áo đỏ, xe cắm cờ, mang theo những gói bánh chưng, mì tôm đến vùng lũ đã trở nên quen thuộc với chúng ta. Đó lẽ ra là những hình ảnh biểu tượng cho lòng nhân ái, sự sẻ chia, nhưng đôi khi, lại trở thành bức tranh méo mó về sự lạm dụng cứu trợ để đánh bóng tên tuổi. Chuyện kể về một đoàn cứu trợ đến với một thôn nọ, yêu cầu người dân tìm nơi ngập nước để diễn cảnh nhận quà giữa lũ, hay thậm chí, yêu cầu công nhân đứng giữa ruộng, bôi bùn lên người để có những bức ảnh "thật đẹp", đã gây phẫn nộ trong lòng cộng đồng. Thật đau xót khi thấy những hành động cứu trợ, thay vì đến từ lòng nhân hậu, lại bị biến thành công cụ cho sự tô điểm cá nhân như thế.

Không chỉ dừng lại ở đó, một câu chuyện khác khiến dư luận không khỏi bàng hoàng: một nghệ sĩ ủng hộ 500 ngàn đồng nhưng lại chỉnh sửa thành 500 triệu đồng rồi tung lên mạng chỉ để tìm kiếm sự ngưỡng mộ. Những hành vi này chẳng khác nào một màn kịch, mà ở đó, người diễn xuất không phải để mang lại hy vọng mà là để thỏa mãn cái tôi cá nhân…

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, chúng ta không thể quên những hành động thầm lặng, xuất phát từ trái tim chân thành. Giữa cơn bão lũ, những chiếc xe tải đầy hàng cứu trợ lăn bánh trong đêm, không cần đèn flash máy ảnh hay ống kính quay phim, chỉ đơn giản là lòng người với lòng người. Một nhóm người ở Quảng Trị, dù gặp khó khăn trong việc tìm người nhận, vẫn âm thầm để lại gần tấn xôi tại cổng nhà máy để những công nhân làm ca đêm có thể tiếp tục với công việc của họ. Không một lời khoe khoang, không một bức ảnh lung linh, chỉ là sự giúp đỡ chân tình. Chính những hành động ấy mới thực sự khẳng định giá trị của lòng thiện nguyện, khi nó được trao đi mà không mong đợi bất kỳ sự tôn vinh nào.

Truyền thống đoàn kết, cưu mang giúp đỡ nhau của dân tộc ta không chấp nhận những màn kịch khoe mẽ lòe loẹt, đánh bóng cá nhân. Văn hóa ấy cần sự chân thành, sự cảm thông và sự tận tâm từ trái tim. Khi chúng ta hành động vì người khác chứ không phải vì bản thân, thì khi đó thiện nguyện mới mang đúng ý nghĩa của nó. Những cơn bão rồi sẽ qua đi, nhưng giá trị nhân văn, lòng tốt và sự chân thành mới là điều còn đọng lại mãi. Hãy để văn hóa thiện nguyện – cứu trợ và sự đùm bọc giúp đỡ nhau trở về đúng với bản chất của nó – một hành động của tình yêu thương, chứ không phải một sân khấu nơi người ta diễn vai để thu về sự ngưỡng mộ hão huyền!

HẢI LÂM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=4735
Quay lên trên