Sử dụng hiệu quả vốn ODA để phát triển bền vững

Cập nhật: 21-08-2023 | 09:06:55

Với việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA do Chính phủ Phần Lan tài trợ, lần thứ 3 Bình Dương tiếp tục được Chính phủ Phần Lan đồng ý chủ trương tài trợ vốn vay ưu đãi để triển khai dự án xây dựng nhà máy, hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn TX.Bến Cát, góp phần cho mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của tỉnh trong thời gian tới.

 Ông Mai Hùng Dũng (phải) tiếp bà Maija Seppala, Tham tán chính sách phát triển, Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội đến thăm và làm việc với Bình Dương

 Hiệu quả đầu tư

Còn nhớ hơn 11 năm trước, Chính phủ Phần Lan đồng ý tài trợ vốn vay ưu đãi xây dựng Dự án Khu liên hợp Xử lý chất thải Nam Bình Dương là lần đầu tiên - một trong những dự án sử dụng vốn ODA trên địa bàn tỉnh. Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) được giao nhiệm vụ thực hiện dự án này. Tháng 11-2004, dự án được khởi công xây dựng với diện tích ban đầu 75 ha, tiếp nhận, xử lý rác sinh hoạt hợp vệ sinh với quy mô ban đầu 200 tấn/ngày.

Năm 2017, Chính phủ Phần Lan tiếp tục tài trợ cho dự án giai đoạn II với quy mô dự án đã mở rộng hơn 100 ha với khả năng tiếp nhận 1.000 tấn/ngày, xử lý rác thải công nghiệp và công nghiệp nguy hại với công suất xử lý 150 tấn/ngày và tái chế rác, trong đó rác sinh hoạt được tái chế thành phân compost, sản xuất gạch xây dựng tái chế từ bùn thải… Ông Ngô Chí Thắng, Phó Giám đốc Chi nhánh Xử lý chất thải Bình Dương trực thuộc Biwase, cho biết đến nay nhà máy đã có khả năng tiếp nhận, xử lý mỗi ngày khoảng 2.500 tấn rác sinh hoạt có khả năng tái chế làm phân bón Compost với công suất 200 tấn, cùng nhiều sản phẩm tái chế khác từ rác, mang lại lợi ích đáng kể cho công tác bảo vệ môi trường của tỉnh.

Tháng 3-2023, Bình Dương tiếp tục đề nghị Chính phủ Phần Lan tài trợ nguồn vốn vay ưu đãi ODA để đầu tư nhà máy, hệ thống thu gom xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn TX.Bến Cát. Tháng 5-2023, đề nghị này cũng đã được Chính phủ Phần Lan đồng ý để thực hiện dự án.

Bà Nguyễn Thị Thu Vân, Giám đốc Ban Quản lý dự án chuyên ngành nước thải tỉnh Bình Dương, cho biết dự kiến dự án sẽ xây mới nhà máy xử lý nước thải tập trung công suất giai đoạn I là 15.000m3/ngày, quy hoạch trong tương lai nâng công suất lên đến 45.000m3/ngày, xây dựng mới khoảng 55km tuyến ống thu gom, chuyển tải nước thải tự chảy và khoảng 5km tuyến ống áp lực, đấu nối cho hơn 10.400 hộ gia đình. Theo tính toán, dự án hoàn thành sẽ giúp trực tiếp cho khoảng 131.000 người dân và 290.000 người dân gián tiếp ở khu vực lân cận được hưởng lợi.

Ưu tiên dự án bảo vệ môi trường

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết việc Chính phủ Phần Lan đồng ý chủ trương cho Bình Dương tiếp nhận nguồn vốn vay ODA sẽ góp phần tích cực cho công tác vệ sinh môi trường, bảo vệ nguồn nước trên địa bàn. “Bình Dương là địa phương có tốc độ phát triển nhanh, quan điểm của tỉnh là bảo đảm “tăng trưởng xanh”, luôn quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, nước thải tại các khu công nghiệp, đô thị. Nhờ đó, môi trường tại tỉnh luôn được bảo đảm. Thông qua nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Phần Lan, Bình Dương đã sử dụng và phát huy hiệu quả công tác xử lý chất thải, rác thải”, ông Mai Hùng Dũng chia sẻ.

Tại buổi tiếp bà Maija Seppala, Tham tán chính sách phát triển, Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội mới đây, ông Mai Hùng Dũng khẳng định định hướng phát triển bền vững của tỉnh đó là gắn mục tiêu “tăng trưởng xanh” với bảo vệ môi trường. Vì vậy, việc Chính phủ Phần Lan tiếp tục chấp thuận chủ trương tài trợ vốn vay cho dự án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tại địa bàn TX.Bến Cát có ý nghĩa rất lớn giúp tỉnh nhà có thêm đô thị thứ 5 có nhà máy, hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt đạt chuẩn.

Trao đổi với phóng viên, bà Maija Seppala, Tham tán chính sách phát triển, Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội, cho biết trong 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, giữa Chính phủ Phần Lan và Việt Nam đã có rất nhiều thành tựu với nhiều dự án hợp tác quan trọng trong các lĩnh vực. Cụ thể, nhiều dự án trong lĩnh vực nước, vệ sinh môi trường, bảo vệ rừng cũng như trên lĩnh vực đổi mới sáng tạo.

Cũng theo bà Maija Seppala, hiện nay cả hai quốc gia đang chuyển sang thời kỳ hợp tác mới, tăng cường về thương mại, đầu tư, các doanh nghiệp Phần Lan rất sẵn sàng để trao đổi, cung cấp những công nghệ mới cho phía Việt Nam và thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. Chính phủ Phần Lan đã có sự hợp tác rất thành công với tỉnh Bình Dương trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn. “Chúng tôi cũng đã đến tham quan Khu liên hợp Xử lý chất thải Nam Bình Dương và đánh giá cao hiệu quả đầu tư cũng như hiệu quả xử lý chất thải rắn của tỉnh Bình Dương để bảo vệ môi trường. Tiếp sau sự hợp tác trong xử lý chất thải rắn giữa Phần Lan và tỉnh Bình Dương, hiện nay giữa hai bên tiếp tục bắt tay vào công tác xử lý nước thải”, bà Maija Seppala cho biết thêm.

 Đến nay, Chính phủ Phần Lan đã tài trợ cho tỉnh Bình Dương tại 2 dự án, đó là Xây dựng Khu liên hợp Xử lý chất thải Nam Bình Dương (giai đoạn I) đã hoàn thành năm 2013 với giá trị đầu tư hơn 7,1 triệu euro. Năm 2017, dự án tiếp tục giai đoạn II với giá trị khoản vay hơn 6,1 triệu euro. Được biết, chương trình tín dụng đầu tư công (PIF) của Chính phủ Phần Lan hỗ trợ cho dự án đầu tư khu vực công tại các nước đang phát triển nhằm mang lại các lợi ích về xã hội và môi trường, các dự án phải phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

 MINH DUY 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=823
Quay lên trên