Sử dụng vật nổ công nghiệp: Bảo đảm an toàn, phát huy hiệu quả

Cập nhật: 24-03-2015 | 09:04:00

Những năm qua, tình hình sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) trên địa bàn tỉnh được ngành chức năng tăng cường quản lý. Do đó, việc sử dụng VLNCN đã đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nổ mìn phá đá đã phát huy hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.

Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nổ mìn phá đá bảo đảm an toàn đến đời sống sinh hoạt người dân và phát huy hiệu quả kinh tế. Trong ảnh: Cán bộ Công ty Cổ phần khoáng sản và xây dựng Bình Dương thực hiện công tác đo chấn động để xác định ảnh hưởng của sóng âm thanh. Ảnh: P.LÊ

Ngày càng an toàn hơn

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 3 kho chứa VLNCN (Chi nhánh Công ty TNHH MTV Công nghiệp Hóa chất mỏ Nam Bộ - MICCO tại Đồng Nai; Chi nhánh Công ty TNHH MTV Công nghiệp Hóa chất mỏ Nam Bộ - MICCO tại Bình Dương; Kho K66 thuộc Tổng Công ty Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp quốc phòng) với tổng sức chứa 170 tấn thuốc nổ và 300.000 kíp nổ. Toàn tỉnh Bình Dương hiện nay có 16 doanh nghiệp sử dụng VLNCN để phục vụ cho hoạt động nổ mìn khai thác đá tại 19 điểm mỏ; tập trung chủ yếu tại địa bàn các huyện Bắc Tân Uyên (12 mỏ), Phú Giáo (2 mỏ) và TX.Dĩ An (5 mỏ).

Việc ứng dụng công nghệ nổ mìn phi điện và các giải pháp kỹ thuật khác như tăng cường sử dụng thuốc nổ thân thiện với môi trường (Anfo, nhũ tương), hạn chế sử dụng thuốc nổ AD1, sử dụng búa nước, tưới nước bãi mìn, nạp thuốc nổ vào ống nhựa hoặc bơm hút nước lỗ khoan đã góp phần hạn chế đáng kể những tác động tiêu cực tới môi trường và đời sống sinh hoạt của nhân dân xung quanh khu vực khai thác mỏ có sử dụng VLNCN.

Ông Phan Hồng Việt, Phó trưởng phòng Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp Sở Công thương cho biết, trong thời gian qua Bình Dương đã tiến hành tổ chức tập huấn an toàn cho các đối tượng liên quan đến hoạt động kinh doanh cung ứng và sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh; thực hiện giám sát chấn động nổ mìn tại các mỏ hoạt động khai thác đá. Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 29/2014/QĐ-UBND ngày 25-7-2014 về quy định quản lý VLNCN trên địa bàn tỉnh và thường xuyên có văn bản đôn đốc nhắc nhở các doanh nghiệp tăng cường thực hiện công tác an toàn trong các dịp lễ, tết. Do làm tốt công tác quản lý nhà nước về VLNCN nên trong những năm qua, hoạt động về (VLNCN) này trên địa bàn tỉnh chưa để xảy ra tai nạn, sự cố đáng tiếc hoặc tình trạng mất cắp VLNCN.

Hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh đều có ý thức chấp hành công tác giám sát một cách đầy đủ và tự giác; các mỏ đều xây dựng phương án giám sát phù hợp với điều kiện và đặc điểm hoạt động của từng mỏ cụ thể; trong đó có xác định khoảng cách đến những vị trí và công trình cần bảo vệ cũng như để bảo đảm an toàn cho tài sản và tính mạng của nhân dân trong khu vực lân cận.

Đơn vị tư vấn giám sát có máy móc thiết bị và con người bảo đảm năng lực để thực hiện công tác giám sát; việc tiến hành giám sát được tổ chức thực hiện một cách khách quan, tuân thủ các quy trình, quy định tiến hành giám sát theo quy chuẩn cho phép. Ngoài ra, việc ghi nhận kết quả chấn động được thực hiện bởi máy đo dao động Blastmate III, của hãng Instantel (Canada) sản xuất, có thể ghi nhận chấn động và cho kết quả ngay trong khi tiến hành nổ mìn. Một số mỏ từng có tình trạng khiếu nại của nhân dân, đơn vị tư vấn giám sát bố trí nhiều máy đồng thời ghi nhận kết quả để tăng độ tin cậy như cụm mỏ Tân Đông Hiệp, mỏ Tân Mỹ, Long Sơn.

Phát huy hiệu quả kinh tế

Ông Lê Khắc Thời, Chánh Thanh tra Sở Công thương cho biết, việc tổ chức giám sát nổ mìn có sự tham gia của doanh nghiệp, đơn vị tư vấn giám sát và đại diện Sở Công thương. Đối với cụm mỏ Tân Đông Hiệp còn có sự tham gia của đại diện chính quyền địa phương, tổ dân phố, phòng môi trường TX.Dĩ An. Các bãi mìn giám sát được thiết kế theo hộ chiếu chuẩn, các bãi mìn giám sát hầu hết có quy mô sử dụng khối lượng thuốc nổ tối đa với phương pháp điều khiển nổ theo phương án nổ mìn đã tính toán và được Sở Công thương chấp thuận.

Bên cạnh đó công tác thi công nổ mìn trên địa bàn tỉnh có nhiều sáng kiến đem lại hiệu quả kinh tế cao như: giải pháp bơm hút nước của Công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ Nam Bộ, giải pháp sử dụng ống nhựa trong thi công nạp mìn tại Công ty TNHH Long Sơn được nhiều doanh nghiệp khu vực huyện Bắc Tân Uyên áp dụng ngày một rộng rãi. Kết quả giám sát cho thấy đá văng do nổ mìn được khống chế tốt, hạn chế khả năng văng xa của đá; chấn động do nổ mìn tới công trình đều nằm trong giới hạn cho phép tại QCVN 02:2008/BCT. Do đó, năm 2014 không phát sinh đơn thư khiếu nại của nhân dân về ảnh hưởng của hoạt động nổ mìn gây ra.

Nhằm bảo đảm an toàn trong sử dụng VLNCN, Bình Dương đã tiếp tục triển khai kế hoạch giám sát trong năm 2015 đối với tất cả các doanh nghiệp sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh. Theo đó, thời gian bắt đầu giám sát từ 1-7 đến ngày 25-12.

PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=577
Quay lên trên